Tương lai nông dân không nằm ngoài liên kết

Một nông dân sản xuất theo tiêu chí tiết giảm chi phí với môi trường, cho thu nhập tiền tỉ với những nông sản quen thuộc. Và một nhà nông có ý thức rất rõ việc liên kết sản xuất - tiêu thụ sẽ là tương lai cho người nông dân, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Đó là ông Lê Công Thôn, Tổ dân phố 34, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Ông Lê Công Thôn trong vườn nhà

Ông Lê Công Thôn trong vườn nhà

Sản xuất nông nghiệp bền vững và tiết kiệm

Diện tích đất sản xuất của ông Lê Công Thôn không ít với 1,5 ha nhà kính và 1,5 ha sản xuất ngoài trời. Nhưng trên diện tích đất lớn, số lượng nhân công lại không nhiều do ông đã tổ chức cơ giới hóa và áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Đưa khách thăm diện tích nhà kính trồng dưa leo, cà chua các loại, ông Lê Công Thôn cho biết, tất cả 3 ha canh tác của gia đình ông đều được áp dụng tưới tự động. Với diện tích nhà kính là tưới nhỏ giọt, còn diện tích ngoài trời, ông sử dụng hệ thống béc phun. Nước tưới cho cây trồng được cung cấp từ hệ thống tưới tự động gồm 6 bồn chứa lớn, hệ thống ống đi ngầm và các vòi phun nước cắm vào gốc. Nước từ giếng đào được đưa lên bồn, pha phân bón, dinh dưỡng và có hệ thống điều khiển tự động smartline, đúng ngày giờ sẽ tự động bật tưới theo đúng cài đặt của chủ vườn. Ông Thôn cho biết, tưới qua hệ thống tưới tiết kiệm, ông vừa giảm công lao động, vừa giảm chi phí điện nước, chi phí phân bón do tưới trực tiếp vào gốc, không gây lãng phí ngoài môi trường. Vì vậy, chi phí sản xuất của ông giảm tới 20% so với tưới bằng sức người. Ngoài ra, do tưới trực tiếp vào tận gốc, không rơi rớt ra ngoài nên vườn không có cỏ mọc, sạch và gọn.

Trong nhà kính, ông sử dụng bẫy keo để diệt trừ đối tượng dịch hại như nhện đỏ, ruồi, bọ trĩ, bọ phấn trắng. Ông Thôn sử dụng các tấm bẫy màu vàng căng giữa hàng cây, dính 2 mặt thu hút côn trùng. Trên các tấm bẫy kín đặc xác của các sinh vật gây hại. Ông Thôn chia sẻ, với mỗi vụ cà chua hay đậu leo, ông phải thay 2 lần bẫy keo. Đặt bẫy keo với mật độ khá dày như trong vườn của gia đình ông, lượng côn trùng gây hại giảm 90%, ông không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho chất lượng nông sản.

Với mỗi luống cà hay dưa, đậu leo, ông đều có đánh số luống, ngày sản xuất cũng như ngày dự kiến thu hoạch. Tấm bảng nhỏ trên luống cũng là mã số trong sổ sách để ghi nhớ ngày tưới phân, làm chồi hay cần xử lý đất. Cây trồng trong vườn được thay đổi liên tục nhằm cắt đứt nguồn gây bệnh trong đất từ các đối tượng dịch hại khác nhau.

Liên kết là tương lai của nông dân

Điều làm ông Lê Công Thôn trăn trở chính là vai trò của người nông dân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Ông Thôn cho hay: Nếu trồng theo hướng tự phát, người nông dân phụ thuộc vào thương lái, không chủ động với thành quả từ lao động của mình. Thương lái mua giá thấp và bán giá cao, nếu xảy ra rủi ro người nông dân sẽ là người chịu thiệt nhiều hơn.

Vì vậy, ngay từ năm 2009, ông là một trong những nông hộ đầu tiên tham gia liên kết sản xuất giữa nông dân và Công ty Phong Thúy, Đức Trọng. Ông đánh giá: “Liên kết sản xuất là tương lai của người nông dân bởi tham gia liên kết, người nông dân được hưởng lợi tốt nhất cho sản phẩm của mình. Người nông dân chỉ việc trồng theo kế hoạch của nhà tiêu thụ, giá cả tốt nhất, được chia sẻ lợi nhuận và chia sẻ cả rủi ro”. Ông cũng đánh giá, liên kết sản xuất có thêm điểm lợi ở chỗ doanh nghiệp tiêu thụ có thể yên tâm đầu tư máy móc phục vụ sơ chế, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát nông sản, điều rất khó làm với từng nông hộ đơn lẻ. Như trong dịch COVID -19, hàng rau củ của gia đình vẫn được công ty nhập đều đặn và giá cả tốt, không phụ thuộc vào thị trường bên ngoài vốn bấp bênh.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Lê Công Thôn cung cấp cho Công ty Phong Thúy xấp xỉ 1 ngàn tấn rau củ các loại như cà rốt, đậu leo, cà chua, dưa leo, ớt ngọt. Tính trung bình doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí ông cũng thu được lợi nhuận ròng 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ thế, ông Lê Công Thôn còn là thành viên gắn bó với liên kết sản xuất giữa các nông hộ với Công ty Phong Thúy, luôn động viên nông dân tham gia liên kết với tinh thần hợp tác chặt chẽ, tin cậy, chia sẻ nhằm xây dựng một liên kết bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/tuong-lai-nong-dan-khong-nam-ngoai-lien-ket-2995118/