Tương lai Vương quốc Anh trong EU: Đi hay ở?

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, nước Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý quyết định việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đối tượng tham gia bỏ phiếu là những công dân quốc tịch Anh trên 18 tuổi và những người sinh sống tại Anh, quốc tịch Ai-len hoặc 53 nước thuộc Khối Thịnh vượng chung, trong đó có cả Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Ấn Độ và Nam Phi. Khi ngày bỏ phiếu đang đến gần, cuộc tranh luận về tương lai của nước Anh càng trở nên gay gắt hơn.

Cờ Vương quốc Anh (trái) bên cạnh cờ Liên minh châu Âu. Ảnh: Người bảo vệ

Cờ Vương quốc Anh (trái) bên cạnh cờ Liên minh châu Âu. Ảnh: Người bảo vệ

Liên minh châu Âu (EU) được khởi nguồn từ Cộng đồng Than Thép châu Âu thành lập năm 1951, đây là nỗ lực của 6 nước (Đức, Bỉ, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua, Pháp, Hà Lan) nhằm hàn gắn rạn nứt của Chiến tranh Thế giới lần thứ II thông qua thương mại miễn thuế. Năm 1957, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) được thành lập. Sau đó, Liên minh châu Âu ra đời theo Hiệp ước Ma-xtrích ngày 1-11-1993. Đến nay, khối EU đã phát triển với 28 quốc gia thành viên. Vương quốc Anh đăng ký gia nhập từ năm 1963, nhưng đến năm 1973, nước này mới chính thức là thành viên của EEC. Anh cũng đã từng tổ chức trưng cầu dân ý tương tự vào năm 1975, kết quả là 67% người dân Anh bỏ phiếu ở lại EEC.

Ngày 14-6, Cơ quan nghiên cứu TNS tại Anh đã thực hiện khảo sát, thăm dò ý kiến của gần 2.500 người dân Anh từ ngày 7 đến 13-6, kết quả thăm dò cho thấy, 40% người được khảo sát quyết định ở lại EU, 47% muốn rời khỏi EU và 13% chưa quyết định. Phe muốn rời khỏi EU cho rằng, khối liên minh này đã thay đổi rất nhiều về quy mô và bộ máy trong hơn 4 thập kỷ qua, làm giảm đi tầm ảnh hưởng và chủ quyền của nước Anh. Phe ủng hộ ở lại thì lập luận, quốc đảo tầm trung cần phải được bao bọc bởi một khối lớn hơn để có được sức ảnh hưởng thực sự và an ninh trên thế giới, đồng thời việc rời khỏi EU sẽ gây tổn hại về kinh tế.

Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn dẫn đầu hướng vận động ở lại EU. Đa số thành viên thuộc Đảng Bảo thủ do Thủ tướng nắm quyền và một số đảng khác như Đảng Lao động, Đảng Dân chủ tự do và Đảng Quốc gia Xcốt-len đều ủng hộ mạnh mẽ ở lại Liên minh châu Âu. Hầu hết các nhà kinh tế, doanh nghiệp lớn và các cơ quan dịch vụ khác đều muốn ở lại EU. Nhiều chính trị gia trên thế giới như Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ quan điểm Anh không nên rời bỏ EU.

Dẫn đầu chiến dịch rời EU là Bộ Trưởng Tư pháp Anh, ông Mai-cơn Gô-vơ và cựu Thị trưởng thành phố Luân-đôn, ông Bo-rít Giôn-xơn. Gần nửa thành viên Đảng Bảo thủ và Đảng Độc lập Vương quốc Anh kêu gọi người dân bỏ phiếu rời EU. Lý do chính được nêu lên tập trung vào vấn đề chủ quyền và di cư. Nhiều đảng phái chống EU tại Đức, Hà Lan và Pháp cũng lên tiếng ủng hộ Anh rời EU.

Giới phân tích cho rằng, nếu kết quả bỏ phiếu cuối cùng là rời EU sẽ đem lại những hệ quả về kinh tế và chính trị cho nước Anh, khiến đất nước chìm trong suy thoái. Theo báo Người Bảo vệ của Anh, dự đoán đồng bảng Anh sẽ giảm 14-15% so với đồng đô-la, tỷ lệ thất nghiệp tăng, Vương quốc Anh có nguy cơ mất dần vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Đô-nan Tu-xcơ cho biết, nước Anh có thể phải mất 7 năm đàm phán, nếu người dân chọn rời bỏ EU. Theo Hiệp ước Li-xbon, quá trình đàm phán các điều khoản rời EU như vấn đề thuế quan hàng hóa, tự do đi lại trong khối sẽ kéo dài 2 năm, quá trình phê chuẩn nội dung đàm phán còn tốn thêm nhiều thời gian. Điều này sẽ tạo ra tương lai kinh tế không ổn định cho Vương quốc Anh, người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ trì hoãn kinh doanh.

Ngày 23-6 tới, câu trả lời cho bài toán đi hay ở thuộc về người dân Anh. Kết quả dù có như thế nào đều sẽ đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, chính trị nội bộ và đối ngoại cho chính quyền Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn.

Thu Minh (Theo Thời báo Niu Y-oóc, Người bảo vệ, Telegraph...)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuong-lai-vuong-quoc-anh-trong-eu-di-hay-o/