Tương lai xanh: Câu chuyện phát triển bền vững từ những hạt càphê Đắk Lắk

Đến với Chương trình NESCAFÉ Plan, người nông dân không còn lệ thuộc hoàn toàn vào phân hóa học. Họ học cách lắng nghe 'tiếng nói' của đất, của cây để trở thành người bạn đồng hành cùng thiên nhiên.

Đắk Lắk, vùng đất đỏ bazan trù phú, nơi hương càphê thơm nồng lan tỏa khắp không gian, đã chứng kiến biết bao thăng trầm của người nông dân gắn bó với cây càphê. Từ những ngày tháng cày sâu cuốc bẫm, đối mặt với năng suất bấp bênh, chi phí đầu vào cao, đến khi đón nhận làn gió mới từ Chương trình NESCAFÉ Plan, những mảnh vườn càphê đã sang trang mới, viết nên một câu chuyện tươi sáng về nông nghiệp tái sinh, về tương lai bền vững và sự thịnh vượng của cộng đồng.

Hành trình "gieo" kiến thức, "ươm" mầm xanh

Bước chân vào vườn càphê xen canh tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, một bức tranh đa sắc hiện ra trước mắt. Cây càphê vươn cao, lá xanh mướt, những chùm quả đỏ mọng như những “viên ruby” lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Xen kẽ là những cây hồ tiêu đang dần phát triển bên những trụ xanh là những cây muồng đen, những cây sầu riêng hứa hẹn mùa sai quả. Đây không chỉ là vườn càphê, mà còn là một khu vườn sinh thái đa dạng, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện, cùng nhau sinh trưởng.

Chị Mai Thị Nhung, một nông dân trồng càphê tại thôn 9, xã Ea Tiêu, hiện là nhóm trưởng Chương trình NESCAFÉ Plan, quản lý 90 hộ nông dân, chia sẻ trước đây, 2ha càphê của gia đình chị cho năng suất rất thấp khoảng 3,5-4 tấn, chi phí đầu tư lại cao. Năm 2015, chị tình cờ biết đến NESCAFÉ Plan qua một người hàng xóm. Tò mò tham gia buổi tập huấn, chị Nhung nhanh chóng bị thu hút bởi những kiến thức mới về canh tác càphê bền vững. Năng động và nhiệt tình, chị xin tham gia chương trình và sau một thời gian đã được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng.

"Nhờ áp dụng những kiến thức được học, năng suất càphê của gia đình tôi đã tăng lên 6-7 tấn/2ha," chị Nhung phấn khởi nói.

Giờ đây, chị Nhung và chồng chỉ cần dành 4 tiếng mỗi ngày cho vườn càphê, thay vì cả ngày như trước. Nhờ vậy, chị thêm thời gian cho gia đình và các công việc đầu tư, kinh doanh khác. Hơn nữa, phương thức canh tác mới không chỉ giúp năng suất tăng, mà chất lượng hạt càphê cũng được nâng cao đồng thời môi trường sống trong lành hơn nhờ giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

 Chị Mai Thị Nhung, một nông dân trồng cà phê tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, hiện là nhóm trưởng Chương trình NESCAFÉ Plan, quản lý 90 hộ nông dân. (Ảnh: Vietnam+)

Chị Mai Thị Nhung, một nông dân trồng cà phê tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, hiện là nhóm trưởng Chương trình NESCAFÉ Plan, quản lý 90 hộ nông dân. (Ảnh: Vietnam+)

“Cuộc sống của các hộ dân trong nhóm chúng tôi đã cải thiện rõ rệt, con cái được học hành đầy đủ," chị Nhung tự hào nói. Với vai trò nhóm trưởng, chị Nhung luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với các thành viên, cùng nhau xây dựng một cộng đồng càphê xanh và bền vững.

Cũng như vậy, chị Trần Thị Liên, quê gốc Nghệ An, đến lập nghiệp tại Đắk Lắk từ năm 1984. Cuộc sống của gia đình chị gắn liền với cây càphê, trải qua bao thăng trầm cùng biến động của thị trường. Năm 2015, chị Liên tham gia Chương trình NESCAFÉ Plan và được tiếp cận với những kiến thức mới về nông nghiệp bền vững.

"Trước đây, kiến thức canh tác của tôi còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Đến với chương trình, tôi học được cách cắt tỉa cành, chăm sóc cây càphê hiệu quả, bảo vệ môi trường," chị Liên chia sẻ.

 Việc tận dụng cây muồng đen che bóng mát cho cà phê để trồng xen canh cây tiêu đã tạo thêm nguồn thu nhập gấp hai lần so với trước đó cho gia đình chị Liên. (Ảnh: Vietnam+)

Việc tận dụng cây muồng đen che bóng mát cho cà phê để trồng xen canh cây tiêu đã tạo thêm nguồn thu nhập gấp hai lần so với trước đó cho gia đình chị Liên. (Ảnh: Vietnam+)

Việc tưới nước hợp lý nhờ sử dụng những dụng cụ đơn giản như chai nước, lon sữa bò giúp chị Liên giảm đáng kể lượng nước tưới tiêu, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hơn nữa, việc tận dụng cây muồng đen che bóng mát cho càphê để trồng xen canh cây tiêu đã tạo thêm nguồn thu nhập gấp hai lần so với trước đó. Đặc biệt, Chương trình NESCAFÉ Plan không chỉ giúp chị nâng cao thu nhập mà còn giúp chị tự tin hơn, chủ động hơn trong cuộc sống. Giờ đây, chị Liên là một điển hình cho những người nông dân ham học hỏi, dám thay đổi để vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Đúng vậy, đến với Chương trình NESCAFÉ Plan-Người nông dân Đắk Lắk không còn lệ thuộc hoàn toàn vào phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Họ học được cách lắng nghe “tiếng nói” của đất, của cây, để trở thành những người bạn đồng hành cùng thiên nhiên. Cỏ khô, cành cây được tận dụng làm phân bón hữu cơ, nuôi dưỡng đất, cho cây càphê thêm sức sống. Nước tưới cũng được sử dụng tiết kiệm, khoa học. Bằng những cách làm đơn giản mà hiệu quả, người nông dân đã tạo nên những vườn càphê xanh tốt, sai trĩu quả, cho ra những hạt càphê thơm ngon, đậm đà hương vị.

Chị Nguyễn Thị Lan là một hộ trong nhóm của chị Liên, chia sẻ khi tiếp nối truyền thống trồng càphê của gia đình, nhận thấy rõ sự khác biệt: "Trước đây, cày sâu cuốc bẫm tốn nhiều công sức mà năng suất lại thấp. Từ khi áp dụng mô hình đa dạng sinh học, xen canh hợp lý, năng suất càphê đã tăng lên đáng kể, lại có thêm thu nhập từ cây tiêu trồng xen."

 Từ khi áp dụng mô hình đa dạng sinh học, xen canh hợp lý, năng suất cà phê đã tăng lên đáng kể, người nông dân lại có thêm thu nhập từ cây tiêu trồng xen. (Ảnh: Vietnam+)

Từ khi áp dụng mô hình đa dạng sinh học, xen canh hợp lý, năng suất cà phê đã tăng lên đáng kể, người nông dân lại có thêm thu nhập từ cây tiêu trồng xen. (Ảnh: Vietnam+)

Thay đổi tư duy, bền vững từ gốc rễ

Anh Dương Thanh Sâm, sinh năm 1970, mang trong mình bản tính cần cù, ham học hỏi. Do đó, anh đã tự tìm tòi và triển khai trồng xen canh càphê với tiêu, bơ, mít... nhưng hiệu quả chưa cao.

"Lúc trước, tôi trồng nhiều loại cây với hy vọng tăng thu nhập, nhưng thực tế lại không được như mong muốn. Các loại cây cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng với nhau đã khiến năng suất giảm sút,"anh Sâm nhớ lại.

 Tham gia NESCAFÉ Plan vào năm 2012, anh Sâm được tiếp cận với những kiến thức mới về nông nghiệp tái sinh, về cách trồng xen canh hợp lý, hiệu quả. (Ảnh: Vietnam+)

Tham gia NESCAFÉ Plan vào năm 2012, anh Sâm được tiếp cận với những kiến thức mới về nông nghiệp tái sinh, về cách trồng xen canh hợp lý, hiệu quả. (Ảnh: Vietnam+)

Tham gia NESCAFÉ Plan vào năm 2012, anh Sâm được tiếp cận với những kiến thức mới về nông nghiệp tái sinh, về cách trồng xen canh hợp lý, hiệu quả. Nhờ đó, anh biết được cách lựa chọn loại cây phù hợp và bố trí cây trồng để tận dụng tối đa ánh sáng, dinh dưỡng, tạo nên sự cộng sinh hài hòa giữa các loại cây. Điều quan trọng nữa, anh Sâm cho biết đã nắm được cách tạo ra và sử dụng phân bón hữu cơ cũng như cách bảo vệ môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Áp dụng những kiến thức đã học, anh Sâm đã thay đổi hoàn toàn cách canh tác càphê, qua đó năng suất, chất lượng càphê tăng lên đáng kể, thu nhập của gia đình cũng được cải thiện rõ rệt.

"NESCAFÉ Plan không chỉ giúp tôi tăng thu nhập mà còn giúp tôi thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững," anh Sâm khẳng định.

Câu chuyện của anh Dương Thanh Sâm là minh chứng cho sức mạnh của việc học tập và phấn đấu. Từ một người nông dân nghèo khó, anh Sâm đã vươn lên trở thành một người nông dân sản xuất giỏi, có kiến thức, có kỹ năng, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh cho quê hương. Vì vậy mặc dù đã ở tuổi 54, song anh Sâm đã đăng ký tiếp tục học chương trình đại học trong thời gian tới.

 Cỏ khô, cành cây được tận dụng làm phân bón hữu cơ, nuôi dưỡng đất, cho cây cà phê thêm sức sống. (Ảnh: Vietnam+)

Cỏ khô, cành cây được tận dụng làm phân bón hữu cơ, nuôi dưỡng đất, cho cây cà phê thêm sức sống. (Ảnh: Vietnam+)

Câu chuyện từ người "gieo hạt"

Để có được kết quả như hôm nay, anh Phạm Phú Ngọc, Giám đốc chương trình NESCAFÉ Plan, nhớ lại khi triển khai chương trình vào năm 2011 đã gặp rất nhiều khó khăn.

Anh Ngọc có hơn 30 năm gắn bó với ngành nông nghiệp, từ những ngày đầu làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến khi trở thành cán bộ hỗ trợ nông nghiệp của Nestlé Việt Nam và dẫn dắt chương trình NESCAFÉ Plan, anh đã thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, trăn trở của người nông dân trồng càphê.

"Tôi chứng kiến nhiều chương trình hỗ trợ nông dân trồng càphê, song đa phần đều ngắn hạn, không mang lại hiệu quả bền vững. Chương trình dừng là người nông dân không còn được đồng hành, hỗ trợ, dẫn đến giảm niềm tin vào các chương trình hỗ trợ nông nghiệp khác" anh Ngọc chia sẻ.

Năm 2011, khi tiêu chuẩn 4C (các quy tắc chung cho cộng đồng càphê gồm "Common" - Chung, "Code" - Bộ quy tắc, "Coffee" - Càphê, và "Community" - Cộng đồng) của Đức được triển khai tại Việt Nam, đặt ra những yêu cầu khắt khe về chất lượng càphê, anh Ngọc nhận thấy đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho ngành càphê Việt Nam. Khi đó, anh phân tích nếu không đạt tiêu chuẩn 4C, càphê Việt Nam sẽ khó có thể xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nếu đáp ứng được các tiêu chí này, chất lượng càphê Việt Nam sẽ được nâng cao, mở ra nhiều cơ hội mới.

Để triển khai chương trình NESCAFÉ Plan hiệu quả, anh Ngọc đã dành 3 tháng để khảo sát thực tế, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của người nông dân. Qua quá trình khảo sát, anh nhận thấy nông dân không thực sự tin tưởng vào các chương trình hỗ trợ, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt.

"Tôi đi khắp các vườn càphê, hỏi han, trò chuyện với bà con, tìm hiểu xem họ đang gặp khó khăn gì. Thời gian đó, người nông dân chỉ tập trung vào việc làm sao để bán càphê được giá và chưa quan tâm đến những giá trị bền vững. Vì vậy, chúng tôi phải tìm ra cách tiếp cận khác, phải chứng minh cho họ thấy NESCAFÉ Plan thực sự mang lại lợi ích thiết thực," anh Ngọc kể lại.

 Anh Phạm Phú Ngọc đã dẫn dắt chương trình NESCAFÉ Plan vượt qua những khó khăn ban đầu, dần tạo niềm tin và sự gắn bó của người nông dân đối với chương trình. (Ảnh: Vietnam+)

Anh Phạm Phú Ngọc đã dẫn dắt chương trình NESCAFÉ Plan vượt qua những khó khăn ban đầu, dần tạo niềm tin và sự gắn bó của người nông dân đối với chương trình. (Ảnh: Vietnam+)

Anh Ngọc và đội ngũ NESCAFÉ Plan đã chọn cách tiếp cận "cầm tay chỉ việc,” hướng dẫn nông dân ngay tại vườn càphê của họ. Các cán bộ phải phân tích cụ thể từng vườn càphê, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp. Anh nhấn mạnh không chỉ nói lý thuyết suông, mà còn làm mẫu, hướng dẫn bà con cách thực hành nông nghiệp tái sinh, cách chăm sóc càphê bền vững. Và, một trong những khó khăn lớn nhất là thuyết phục nông dân từ bỏ thói quen hái càphê xanh.

"Họ sợ mất cắp nên thường hái càphê xanh bán sớm, nhưng lại không biết rằng làm như vậy sẽ mất đi một lượng lớn sản lượng," anh Ngọc giải thích.

Để chứng minh điều này, anh Ngọc đã tiến hành một thực nghiệm đơn giản. Hái một cây càphê xanh, một cây càphê chín, sau đó cân và phơi khô. Kết quả cho thấy, hái càphê xanh sẽ mất từ 20-30% sản lượng. Được nhìn thấy tận mắt kết quả, bà con mới tin và dần thay đổi thói quen. Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin với nông dân. Theo đó, chương trình đã cam kết đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình ươm trồng, canh tác càphê.

"Chúng tôi muốn giúp họ làm ra những hạt càphê chất lượng tốt, cũng góp phần nâng cao giá trị càphê Việt Nam," anh Ngọc khẳng khái nói.

Với sự kiên trì, tận tâm và tầm nhìn chiến lược, anh Phạm Phú Ngọc đã dẫn dắt chương trình NESCAFÉ Plan vượt qua những khó khăn ban đầu, dần tạo niềm tin và sự gắn bó của người nông dân đối với chương trình, từ đó tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng nông dân trồng càphê tại Đắk Lắk. Câu chuyện của anh là nguồn cảm hứng về những nỗ lực xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho người nông dân và cho đất nước.

 Đội ngũ NESCAFÉ Plan đã chọn cách tiếp cận "cầm tay chỉ việc,” hướng dẫn nông dân ngay tại vườn cà phê của họ. (Ảnh: Vietnam+)

Đội ngũ NESCAFÉ Plan đã chọn cách tiếp cận "cầm tay chỉ việc,” hướng dẫn nông dân ngay tại vườn cà phê của họ. (Ảnh: Vietnam+)

NESCAFÉ Plan là một cam kết

NESCAFÉ Plan là một sáng kiến toàn cầu được tập đoàn Nestlé triển khai từ năm 2010 tại hơn 10 quốc gia thuộc các khu vực trồng càphê trọng điểm trên thế giới với mục tiêu mang lại những giá trị bền vững cho người nông dân trồng càphê, cho cộng đồng và cho hành tinh. Tại Việt Nam, NESCAFÉ Plan được triển khai từ năm 2011 tại khu vực Tây Nguyên trên cơ sở hợp tác đa bên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên (WASI), NESCAFÉ Plan đồng hành cùng những người nông dân trồng càphê nỗ lực thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp tái sinh.

Bà Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng Bộ môn Cây công nghiệp tại WASI, cho biết: "Chúng tôi hợp tác với Nestlé để nghiên cứu, lai tạo và cung cấp giống càphê mới cho năng suất cao, kháng bệnh tốt cho bà con nông dân. Đây là cơ hội lớn để WASI đóng góp vào sự phát triển của ngành càphê Việt Nam.”

 Từ năm 2011 đến nay, WASI đã lai tạo thành công nhiều giống cà phê mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. (Ảnh: Vietnam+)

Từ năm 2011 đến nay, WASI đã lai tạo thành công nhiều giống cà phê mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. (Ảnh: Vietnam+)

Theo bà Tiếu Oanh, WASI đang tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống càphê có năng suất cao, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu Tây Nguyên. Từ năm 2011 đến nay, WASI đã lai tạo thành công nhiều giống càphê mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Bên cạnh đó, bà Tiếu Oanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân, giúp họ áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, sự hợp tác giữa WASI và Nestlé còn là minh chứng cho hiệu quả của mô hình hợp tác công tư, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Trên cơ sở đó, bà Tiếu Oanh cho hay WASI cam kết tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống càphê mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả.

Đánh giá cao Chương trình NESCAFÉ Plan là một mô hình hợp liên kết tiêu biểu với điểm nhấn của chương trình là đào tạo bài bản cho nông dân, từ đó lan tỏa kiến thức đến cộng đồng. Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk, khẳng định NESCAFÉ Plan là chương trình hợp tác công tư mang tính chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của quốc gia.

“Chương trình này rất đáng ghi nhận bởi sự chủ động của Nestlé trong việc kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, viện nghiên cứu và đặc biệt là người nông dân,” ông Hiển nhấn mạnh.

 Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk, khẳng định NESCAFÉ Plan là chương trình hợp tác công tư mang tính chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của quốc gia. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Đắk Lắk, khẳng định NESCAFÉ Plan là chương trình hợp tác công tư mang tính chiến lược, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của quốc gia. (Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt, ông Hiển đề cao sự đầu tư bài bản của Nestlé vào đào tạo, trong đó nhấn mạnh đến mô hình "đào tạo của người đào tạo" (ToT), trang bị kiến thức và kỹ năng cho nông dân, giúp họ trở thành những tuyên truyền viên trong cộng đồng. Theo ông Hiển, việc đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất, từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch và tiếp cận thị trường, đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, ông cũng ghi nhận những thành tựu của NESCAFÉ Plan trong việc giảm thiểu lượng nước tưới, phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến nông nghiệp tái sinh, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Đắk Lắk và cả nước.

Ông Hiển cho biết tin rằng mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người nông dân và ngành càphê Việt Nam./.

NESCAFÉ Plan đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật:

Nâng cao đời sống cho hơn 21.000 hộ nông dân: Hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn 4C, cung cấp cây giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh, giúp tăng thu nhập từ 30-100% nhờ mô hình xen canh và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh: Tái canh 74.000 ha càphê, tiết kiệm 40-60% nước tưới, đào tạo hơn 355.000 nông dân về canh tác bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, trồng 2,3 triệu cây xanh tăng cường đa dạng sinh học.

Nâng cao giá trị càphê Việt: Nestlé thu mua 20-25% sản lượng cà phê Việt Nam hàng năm để chế biến sâu phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay các sản phẩm của Nestlé Việt Nam sản xuất từ nhà máy Nestlé Trị An đang được xuất khẩu sản phẩm sang gần 30 quốc gia trên toàn thế giới và xuất khẩu sản phẩm sang gần 30 quốc gia.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tuong-lai-xanh-cau-chuyen-phat-trien-ben-vung-tu-nhung-hat-caphe-dak-lak-post987461.vnp