'Tương thân tương ái' chiến thắng đại dịch

Là huyện có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và còn nhiều khó khăn, song với phương châm 'lấy sức dân để lo cho dân', trong gian khó giữa đại dịch, cả hệ thống chính trị ở huyện Hớn Quản đã vào cuộc quyết liệt. Với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch, toàn huyện đã thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh địa bàn.

Phát huy vai trò đảng viên

Ông Nguyễn Viết Đợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: Thanh An là xã vùng sâu, có đông đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Đầu năm, toàn xã vẫn còn 27 hộ nghèo, chiếm 0,8% hộ dân toàn xã. Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/HU ngày 26-8-2020 của Huyện ủy về mỗi cấp ủy viên, đảng viên chung tay trong công tác giảm nghèo và làm đường bê tông xi măng giai đoạn 2020-2025, Đảng ủy xã Thanh An đã phân công cụ thể cho từng đảng ủy viên cũng như đảng viên mỗi chi bộ, thực hiện giảm 17 hộ nghèo theo chỉ tiêu. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát, triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn ở một số ấp. Qua đó huy động sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người dân.

Đại diện các doanh nghiệp, mạnh thường quân trao bảng tượng trưng số tiền ủng hộ công tác giảm nghèo của huyện (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Năm 2021, xã Thanh An phấn đấu giảm 17/27 hộ nghèo theo chỉ tiêu huyện giao, trong đó có 11 hộ đồng bào DTTS được tỉnh hỗ trợ kinh phí, 6 hộ còn lại cần giúp đỡ để thoát nghèo. Đồng thời xây dựng 11,2km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Ông Hồ Lê Minh, Đảng ủy viên, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã được phân công giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo ấp Trà Thanh, Lồ Ô cho biết: Năm 2021, chúng tôi được giao giúp 2 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo.

Bằng các biện pháp cụ thể, chủ yếu trao "cần câu" cho người dân tự lực vươn lên. Đến nay, cả 2 hộ đã đăng ký thoát nghèo.

Ông Lê Xuân Hiếu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh An, huyện Hớn Quản chia sẻ: Ấp Xa Cô nơi tôi phụ trách có 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Năm 2021, chúng tôi được giao xóa 1 hộ nghèo, làm 1km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, người dân khó khăn, song với tinh thần tự lực trong gian khó, cán bộ, nhân dân trong ấp đã đồng lòng thực hiện mục tiêu giảm nghèo thành công; làm được hơn 800m đường bê tông xi măng, số còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trước tết dương lịch 2022.

Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/HU, năm 2021, huyện Hớn Quản đã phân công cấp ủy viên, đảng viên chung tay giảm 95/224 hộ nghèo; làm 93,319km đường bê tông xi măng.

Lấy sức dân để lo cho dân

Một năm đối diện với khó khăn của dịch Covid-19 càng thấy rõ hơn tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong mỗi người dân. Các hoạt động sẻ chia, tương thân tương ái chung tay vượt qua đại dịch đã lan tỏa sâu rộng trong mỗi tầng lớp nhân dân. Những tháng qua, người dân Hớn Quản chuyền nhau hình ảnh già làng Điểu Phụng ở ấp Sóc Răng, xã Thanh Bình tích cực hỗ trợ tre, búa, dao… vận động đồng bào dân tộc thiểu số làm giường hỗ trợ các khu cách ly tập trung. Cũng từ đó, hình ảnh những chiếc giường của lòng dân chống dịch đã lan tỏa sâu rộng và tiếp thêm làn sóng thi đua yêu nước trong mỗi người dân Hớn Quản. Đã có 116 chiếc giường nghĩa tình làm bằng chất liệu sẵn có trong nhân dân mang tới các khu cách ly, góp phần giảm kinh phí phục vụ phòng, chống dịch, đồng thời nhân lên tình người trong gian khó.

Cũng từ tinh thần đoàn kết, sẻ chia, anh Điểu Dũng (SN 1987) ở ấp Phùm Lu - Tư Ly, xã Thanh An đang từng ngày vượt qua khó khăn vươn lên thay đổi cuộc sống. Anh Dũng cho biết: Nhà nghèo, con cái nheo nhóc lại mắc bệnh hiểm nghèo nên cuộc sống càng khó khăn hơn, nhất là khi dịch bệnh kéo dài vợ phải nghỉ việc ở khu công nghiệp. Thế nhưng, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, bà con lối xóm đã luôn yêu thương, cưu mang, giúp đỡ gia đình tôi. Hiện nay, gia đình đã được hỗ trợ nhà đại đoàn kết khang trang, được tặng cặp bò giống để phát triển kinh tế.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, MTTQ các cấp trong huyện đã hỗ trợ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và nhân dân trên địa bàn 38 tấn gạo, 95 tấn rau, củ, quả; gần 5 tấn thực phẩm tươi sống; 2.056 chai nước mắm, nước tương, gia vị các loại; 535 thùng nước suối, 790 thùng mì gói, 36.180 cái khẩu trang... Các bếp ăn đã phục vụ khu cách ly tập trung và lực lượng tuyến đầu 13.500 suất ăn. Cùng với Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh, các mạnh thường quân đã xây mới, nâng cấp 78 căn nhà với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng...

Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, trên địa bàn huyện Hớn Quản đã có hàng ngàn việc làm thiết thực thể hiện sự chung sức, đồng lòng của toàn dân vượt qua đại dịch. Điển hình như xã Minh Tâm vẫn duy trì “Kho gạo tình thương” cấp 10kg/tháng/người cho 45 hộ khó khăn; Hội LHPN xã Tân Hưng duy trì vốn xoay vòng lãi thấp hoặc không tính lãi cho 189 hội viên…

Bà Lê Thị Mỹ Linh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hớn Quản cho biết: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã năng động, sáng tạo huy động sức mạnh tổng hợp vào cuộc chiến chống “giặc dịch” cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong đại dịch, chúng tôi đã huy động được rất nhiều sự quan tâm của các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân trong huyện. Ngoài hỗ trợ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và nhân dân trên địa bàn, chúng tôi còn hỗ trợ huyện Bù Đăng 2 tấn gạo và 200 túi an sinh; huyện Lộc Ninh 200 túi an sinh, gạo, mì tôm… với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", toàn huyện đã trao 1.206 thiết bị học trực tuyến cho học sinh.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/128404/tuong-than-tuong-ai-chien-thang-dai-dich