Tướng Trung Quốc muốn quân đội được chi nhiều hơn
Tướng Trung Quốc cho rằng họ cần chuẩn bị cho chiến tranh với một cường quốc đang giữ vai trò thống trị, làm dấy lên lo ngại xung đột vũ trang với Mỹ.
Tướng Hứa Kỳ Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho biết việc chi tiêu là cần thiết để chuẩn bị cho nước này trước cái "bẫy Thucydides" - thuật ngữ hàm ý nói xung đột là không thể tránh khỏi khi một thế lực nổi lên để thay thế một thế lực lớn.
“Đối mặt với bẫy Thucydides và các vấn đề biên giới, quân đội phải tăng tốc độ phát triển năng lực của mình", ông nói. Ông Hứa cũng là một trong 25 thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc.
“Phải tạo ra những bước đột phá về phương pháp và khả năng tác chiến, đồng thời đặt nền tảng vững chắc cho việc hiện đại hóa quân đội”.
Ông cho biết Trung Quốc đã và đang phát triển sức mạnh kinh tế, nói rằng GDP quốc gia này tương đương với hơn 70% nền kinh tế Mỹ. “Điều này có nghĩa là chúng ta đang đứng ở vị trí then chốt của chương mới, hướng tới sức mạnh", ông nói.
Ông Hứa đưa ra đánh giá hôm 5/3 trong một cuộc thảo luận nhóm cùng với cuộc họp thường niên của Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc, theo các báo cáo chính thức được cung cấp cho các nhà báo đăng ký tại sự kiện.
Cụm từ "bẫy Thucydides" được sử dụng rộng rãi để chỉ các cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ, do nhà khoa học chính trị Graham Allison của Harvard phổ biến, người cho rằng hai bên đang tiến tới một cuộc chiến mà không ai mong muốn.
Tuy nhiên rất ít quan chức Trung Quốc đề cập đến bẫy Thucydides trước công chúng. Một trong những trường hợp ngoại lệ là ông Tập Cận Bình.
“Không có cái gọi là bẫy Thucydides", ông nói trong chuyến thăm Seattle vào năm 2015. “Nhưng nếu các quốc gia lớn hết lần này đến lần khác mắc lỗi tính toán sai lầm chiến lược, họ có thể tạo ra những cái bẫy như vậy cho chính mình".
Như vậy, các bình luận của Hứa đặt ra vấn đề Bắc Kinh ngày càng bi quan về mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, sau sự lạc quan ngắn ngủi khi người tiền nhiệm Donald Trump rời đi.
Hôm 7/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo rằng Mỹ không nên vượt qua những “ranh giới đỏ” của Trung Quốc, chẳng hạn như Đài Loan. Nhưng ông cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Washington trong việc kiểm soát đại dịch, khôi phục kinh tế và biến đổi khí hậu.
Theo SCMP, các cuộc thảo luận về căng thẳng với Mỹ cũng đã thu hút được sự quan tâm của các thành viên trong quân đội tại các phiên họp lập pháp của Trung Quốc năm nay.
Hôm 6/3, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết cuộc đối đầu chiến lược với Mỹ đã bước vào giai đoạn bế tắc. “Kiểm soát và ngăn chặn phản công sẽ là chủ đề chính của quan hệ song phương trong dài hạn”.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc đang ở trong giai đoạn có nguy cơ cao về an ninh quốc gia và quân đội phải cải thiện khả năng chiến thắng “kẻ thù mạnh”.
Ngày hôm sau, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm cho biết một phần của khoản tăng ngân sách quốc phòng 6,8% trong năm nay sẽ được chi cho các dự án trọng điểm, trong kế hoạch 5 năm tới, nhằm giúp quân đội đạt được mục tiêu lâu dài là bắt kịp với Mỹ, có thể “chiến đấu và chiến thắng” trên chiến trường hiện đại.
Phần còn lại sẽ tiếp tục được dùng để đào tạo, mua sắm vũ khí và trả lương cho 2 triệu binh sĩ, ông nói.
Các quan chức Mỹ cũng thể hiện lập trường cứng rắn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các đồng minh của NATO vào tháng 2 rằng Trung Quốc là một trong những thách thức chung của họ.
Và lựa chọn của ông Biden đối với vị trí lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương, ông William Burns, nói với Thượng viện vào tháng trước rằng ông coi sự cạnh tranh với Trung Quốc là chìa khóa cho an ninh quốc gia của Mỹ.
Chuyên gia hải quân Ni Lexiong tại Thượng Hải cho biết kế hoạch 5 năm chỉ ra rằng ông Tập đang nhìn thấy khủng hoảng về sức ép từ Mỹ, đặc biệt là ở các vùng biển phía Đông và Nam.
Ni nói: “Ông Tập nhận ra rằng có một khoảng cách lớn giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ, và khoảng cách đó có thể ngày càng gia tăng nếu Washington tăng cường các lệnh cấm khoa học và công nghệ đối với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Cách hiệu quả nhất là sử dụng hệ thống chính trị từ trên xuống của Trung Quốc để huy động mọi nguồn lực trên các lĩnh vực, nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội”.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tuong-trung-quoc-muon-quan-doi-duoc-chi-nhieu-hon-ar599916.html