Tuyên án vụ hủy hoại rừng xảy ra tại Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận

Chiều 30/9, TAND tỉnh đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (Công ty Lâm nghiệp) Bình Thuận 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Hoàng Cẩn ( nguyên phó Tổng Giám Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận) 3 năm tù giam và Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Công ty Phước Sang 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đều về tội hủy hoại rừng.

Theo cáo trạng, tháng 10/2011, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận, trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng với Công ty Phước Sang hợp tác sản xuất kinh doanh đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp với diện tích 118 ha (trong đó khoanh nuôi bảo vệ rừng là 44 ha) tại huyện Hàm Thuận Nam.

Sau đó, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp đã chỉ đạo giao cho Công ty Phước Sang 74 ha vào năm 2011 và 22,6 ha (trong diện tích 44 ha rừng khoanh nuôi) vào năm 2013 để san ủi trồng cao su. Đối với khu vực diện tích 74ha hợp tác trồng rừng, trồng cây công nghiệp với Công ty Phước Sang. Trong quá trình hợp tác đầu tư với Công ty Phước Sang, Nguyễn Tiến Dũng đã được các bộ phận chức năng của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận tham mưu, về diện tích có hiện trạng rừng phát triển khác với hiện trạng kiểm kê rừng năm 1999, chưa lập biên bản bàn giao thực địa và lập bản đồ khoanh vẽ.

Dũng biết Công ty Phước Sang ủi lấn ngoài diện tích được bàn giao thực địa, tự ý ủi vào khu vực dự án Vĩnh Huê (cũ) trước đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng các ban ngành có liên quan thẩm định hiện trạng thuộc RII, nhưng bị cáo Dũng đã không chỉ đạo kiểm tra để khoanh nuôi bảo vệ cây rừng theo quy định của pháp luật, mà vẫn đồng ý cho Công ty Phước Sang san ủi gần hết khu vực 74ha dẫn đến 40,65ha là rừng trạng thái RII bị san ủi hết, gây thiệt hại về trữ lượng gỗ là 1.624,549m3, gây thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 3.821.786.062 đồng.

Đối với khu vực 44ha hợp tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng với Công ty Phước Sang. Mặc dù, Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã có báo cáo qua khảo sát thực tế thì hiện trạng rừng là RII nhưng bị cáo Dũng vẫn đồng ý với ý kiến của Nguyễn Hoàng Cẩn, xác định lại hiện trạng rừng theo kết quả kiểm kê rừng năm 1999 và ký phụ lục Hợp đồng kinh tế 59/HĐKT có nội dung sửa diện tích khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 44ha thành 10,84ha. Điều này dẫn đến việc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận bàn giao cho Công ty Phước Sang san ủi 21,63ha, theo kết luận giám định có 19,14ha là rừng trạng thái RII gây thiệt hại về trữ lượng gỗ là 776,883 m3 gỗ, thiệt hại quy bằng tiền về giá trị lâm sản và giá trị môi trường là 1.826.601.175 đồng.

Đây là vụ án có nhiều ý kiến khác nhau về giám định thiệt hại rừng và được trả hồ sơ điều tra bổ sung, tạm hoãn phiên tòa nhiều lần. Một số luật sư của các bị cáo cũng có kiến nghị cho rằng phương pháp và căn cứ mà giám định viên đã ban hành kết luận giám định là không đúng quy định của pháp luật. Thậm chí các bị cáo còn cho rằng giám định viên đã giám định theo kiểu “ước tính” để quy kết và đề nghị giám định lại bằng một hội đồng giám định tập thể.

Theo tòa phúc thẩm, lý do cựu tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận được giảm nhẹ hình phạt là đã thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt, nộp tiền khắc phục hậu quả thiệt hại. Ngoài ra bị cáo là người cao tuổi, có nhiều bệnh.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Hoàng Cẩn, Phó tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận cũng kháng cáo kêu oan nhưng sau này thay đổi kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không có tình tiết giảm nhẹ nên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiền bị tăng án là do tòa chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt của VKSND huyện Hàm Thuận Nam. Riêng bị cáo Phạm Văn Lang, kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam chấp nhận bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị nên không xem xét.

NGUYỄN LUÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuyen-an-vu-huy-hoai-rung-xay-ra-tai-cong-ty-lam-nghiep-binh-thuan-124493.html