Tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh
Một ca phẫu thuật thành công có thể cứu sống một con người, nhưng phòng chống dịch bệnh thành công sẽ bảo vệ cuộc sống của hàng vạn người. Xác định điều này, những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã có những chiến lược bài bản về nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại xây dựng nhiều kế hoạch, từ đó có thể chủ động, sẵn sàng ứng phó trước những tình huống dịch bệnh khẩn cấp có thể xảy ra.
Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh. Tuy mới thành lập, nhưng với chức năng của mình, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, củng cố mạng lưới giám sát, nâng cao chất lượng kiểm soát các dịch bệnh lớn để chủ động phòng chống. Bác sỹ CKI Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Việc sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là một thay đổi lớn, giảm thiểu sự chồng chéo về chức năng, tuy nhiên trọng trách sẽ lớn hơn rất nhiều đòi hỏi mỗi cán bộ, y bác sỹ nơi đây phải có sự nỗ lực, yêu nghề gấp nhiều lần. Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của Trung tâm cũng lập tức đến để điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Đầu tháng 2 năm nay, dịch Covid-19 gây bệnh viêm phổi cấp khiến hàng triệu người trên thế giới mắc bệnh và nhiều ca tử vong. Ngay khi nhận được thông tin, các cán bộ, y bác sỹ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chuẩn bị đủ điều kiện và năng lực thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm cho những người đi từ vùng dịch về, từ đó kịp thời có phương án cách ly và theo dõi. Trải qua 2 đợt dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã xét nghiệm và lấy mẫu cho 1.814 trường hợp, trong đó đợt 1 là 731 trường hợp, đợt 2 là 1.083 trường hợp. Để tăng cường mạng lưới lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm mở lớp đào tạo cho trên 100 cán bộ, y bác sỹ tại các tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, đủ khả năng tự lấy mẫu đạt hiệu quả cao nhất. Với sự nỗ lực, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có ca nào dương tính với Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện có 12 khoa phòng với trên 50 cán bộ, y bác sỹ. Từ khi thành lập đến nay, hàng năm Trung tâm đều tổ chức đưa cán bộ đi đào tạo để nâng cao tay nghề, tuy mới thành lập, nhưng tại đây đã có hệ thống phòng xét nghiệm hiện đại với nhiều loại máy móc đắt tiền như: Hệ thống AAS (Máy quang phổ); Hệ thống máy UV - VIS; Dàn máy Elisa để xét nghiệm nhanh… Các trang thiết bị đều đồng bộ, hiện đại. Công tác truyền thông được quan tâm, Trung tâm tự triển khai xây dựng được mạng lưới hệ thống giám sát từ thôn, bản kết nối tới tuyến tỉnh. Là người được giao trọng trách chỉ huy trên “mặt trận” lấy mẫu xét nghiệm trong nhiều đợt dịch bệnh, bác sỹ Hoàng Thị Mai Hương, Phó trưởng Khoa Xét nghiệm tâm sự: Trải qua nhiều năm trong nghề, có thể khẳng định nếu ai sợ sẽ không thể làm được lâu dài. Khi phát sinh dịch bệnh, thì chuyện đi sớm, về khuya là chuyện rất đỗi bình thường với cán bộ nơi đây. Gian nan là thế nhưng đã xác định là một “chiến sỹ” trên mặt trận chống dịch nên mọi người động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng thực hiện thành công dự án “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” năm 2020. Dự án đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Từ khởi điểm với khoảng 50% gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh, đến nay tỷ lệ này ở các xã nâng lên 75% số hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn, 80% hộ dân có điểm rửa tay bằng xà phòng. Nhờ vậy, bệnh tật trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: Tiêu chảy, tả, giun sán, các bệnh ngoài da đã được kiểm soát. Bác sỹ Lưu Thanh Hòa nhấn mạnh: Dù có điều gì xảy ra thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng sẽ quyết tâm “giữ sạch lưới” trong phòng chống dịch bệnh, vì một cộng đồng an toàn và khỏe mạnh.