Tuyên giáo Bình Phước với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Trong đó, ngành tuyên giáo nói chung và hệ thống tuyên giáo tỉnh Bình Phước nói riêng đã tích cực, chủ động trong tham mưu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
ĐỔI MỚI VÀ THÍCH ỨNG
Hơn một nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, trước những thời cơ, thách thức đan xen, ngành tuyên giáo Bình Phước vừa chủ động thích ứng vừa nhạy bén, sáng tạo, không ngừng đổi mới để hoàn thành khối lượng lớn công việc. Biến “nguy” thành “cơ”, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, Tuyên giáo Bình Phước luôn “đi trước mở đường”, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, thực hiện thành công những việc “lần đầu” với phương châm hành động “Tiên phong - Trọng tâm - Thuyết phục”.
Ngành tuyên giáo Bình Phước đã có nhiều tham mưu cho tỉnh trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh nghe giới thiệu về ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước" ra mắt năm 2022 - Ảnh: Q.X
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn ngành tuyên giáo Bình Phước đã chủ động, đổi mới nội dung, phương pháp, phương thức làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu cấp ủy các cấp xây dựng và ban hành nhiều văn bản, tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các chủ trương, quyết sách quan trọng trên tất cả lĩnh vực, trọng tâm là Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tổ chức thành công hội thảo “Bình Phước 25 năm hành trình khát vọng vươn lên”, 1 đề án, 1 chỉ thị, 1 kế hoạch chuyên đề và nhiều công văn chỉ đạo về công tác chính trị, tư tưởng; ban hành kế hoạch thực hiện và kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hơn 20 lượt chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Điểm mới rất quan trọng và thành công nổi bật thời gian qua là đã tham mưu cấp ủy tổ chức gần 30 đợt học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên quy mô toàn tỉnh, có thời điểm trực tuyến cùng lúc tới 340 điểm cầu, thu hút khoảng 23.000 cán bộ, đảng viên tham gia, giúp tiết kiệm thời gian và các nguồn lực, mở rộng quy mô và đối tượng tham gia. Ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước” được triển khai bước đầu, với hơn 90% đảng viên đã cài đặt, góp phần đa dạng hơn nữa phương thức triển khai và đánh giá chất lượng học tập của cán bộ, đảng viên.
Công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sự kiện chính trị quan trọng, các hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3), 50 năm giải phóng Lộc Ninh, 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua tích cực, sự đồng lòng, quyết tâm và khơi dậy khát vọng xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp, điểm đến hấp dẫn và nơi đáng sống trong tương lai.
Hội nghị thông tin thời sự hằng quý, hội nghị báo cáo viên hằng tháng bằng hình thức trực tuyến đến cấp cơ sở đã cung cấp, định hướng kịp thời thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hơn 700 trang, nhóm cộng đồng trên Zalo, Facebook, YouTube được thành lập, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động với hơn 210.000 lượt tin, bài tuyên truyền thông tin tích cực, tạo dòng thông tin chính thống, chủ lưu từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống và hướng dẫn, triển khai biên soạn lịch sử được chú trọng, quan tâm qua nhiều hình thức. Công tác điều tra dư luận xã hội đã có sự chủ động qua hệ thống báo chí, mạng xã hội, qua đội ngũ cộng tác viên, tổ chức điều tra dư luận trên internet. Qua đó, nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến công tác đền bù, giải tỏa đất đai, an ninh trật tự địa phương đã được phát hiện, tham mưu giải quyết kịp thời, không để xảy ra “điểm nóng” về chính trị tư tưởng.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được các ngành, địa phương tổ chức với hình thức phong phú, hướng tới xây dựng văn hóa Bình Phước “đa dạng, bản sắc và hội nhập”, con người Bình Phước “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”(1). Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng và xã hội, với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực…
Bằng sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, ngành tuyên giáo Bình Phước đã từng bước thích ứng với bối cảnh mới, góp phần cùng Đảng bộ tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác tuyên giáo góp phần xứng đáng vào công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
QUYẾT TÂM VÀ QUYẾT LIỆT
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ tham mưu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, ngành Tuyên giáo Bình Phước quyết tâm thực hiện đồng bộ, toàn diện và quyết liệt bằng nhiều giải pháp cụ thể. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; triển khai sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng để tham mưu xây dựng dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức học tập, quán triệt, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng “làm cho tinh thần nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được”(2).
Chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Kịp thời tham mưu cấp ủy lãnh đạo, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, định hướng thông tin. Tổ chức đấu tranh, phản bác có hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm phát sinh. Phối hợp xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng sự kiện chính trị, lịch sử, tình hình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ...
Tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước “đa dạng, bản sắc và hội nhập”, con người Bình Phước “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”. Đầu tư xứng đáng cho công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bình Phước tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu, cách làm hay, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong xã hội; phê phán, đấu tranh cái xấu, cái chưa đẹp, cái phản văn hóa trong đời sống.
Tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo việc thực hiện hiệu quả Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác xây dựng Đảng, nhất là thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các khâu, các hoạt động tuyên giáo, từ gửi nhận tài liệu, văn bản đến tổ chức hội nghị, tổ chức học tập, quán triệt và đánh giá nhận thức của cán bộ, đảng viên, tuyên truyền, nắm bắt, định hướng dư luận… xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cũng như giải quyết khó khăn về biên chế toàn ngành.
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng, với niềm tin và khát vọng vươn lên, cán bộ tuyên giáo “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” sẽ quyết tâm tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển Bình Phước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước, Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 20-11-2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 24.