Tuyển quân - những bất cập cần phải tháo gỡ

LTS: Trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (tuyển quân) năm 2023, các địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Chất lượng công dân nhập ngũ sơ bộ đánh giá cơ bản bảo đảm đáp ứng được yêu cầu.

Thế nhưng, đợt tuyển quân vừa rồi và những năm vừa qua cho thấy đã bộc lộ những bất cập về công tác tuyển chọn và chế độ, chính sách khi thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS). Thậm chí ở một số địa phương có những dư luận chưa tốt về công tác tổ chức, phương pháp tuyển chọn, trong đó có cả những hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của Quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu ở một số địa phương nhằm làm rõ những vấn đề nêu trên.

Bài 1: Vì sao tuyển ít, gọi nhiều?

Đã có những câu hỏi đặt ra như: “Vì sao tuyển ít, gọi nhiều trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ?", "Căn cứ nào để thực hiện?", "Việc gọi khám tuyển NVQS hiện nay đã phù hợp với thực tiễn chưa?"... Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đi tìm hiểu, khảo sát để có cái nhìn khách quan về vấn đề này.

Cái khó chưa ló... cái thuận

Thâm nhập địa bàn TP Hà Nội, nhóm phóng viên ghi nhận một thực tiễn khó khăn khác xa những điều dư luận chỉ đánh giá bề ngoài. Tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), rà soát nguồn nhập ngũ có 103 công dân nhưng số đủ điều kiện sẵn sàng nhập ngũ chỉ được 3 người. Tỷ lệ đạt rất thấp, chưa đến 3%. Nghi ngờ con số này không chính xác, cơ quan Quân lực thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu để kiểm tra, xác minh. Kết quả kiểm tra không thay đổi so với báo cáo.

Niêm yết công khai danh sách công dân thuộc trường hợp tạm hoãn, tạm miễn, không đủ tiêu chuẩn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự tại trụ sở UBND thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VIỆT HÙNG

Niêm yết công khai danh sách công dân thuộc trường hợp tạm hoãn, tạm miễn, không đủ tiêu chuẩn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự tại trụ sở UBND thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VIỆT HÙNG

Vì sao số thanh niên đủ điều kiện sẵn sàng nhập ngũ thấp như vậy? Nguyên nhân chính là do tình trạng công dân thuộc diện miễn, tạm hoãn nhiều (đang học cao đẳng, đại học, du học, xuất khẩu lao động và các diện khác theo quy định). Đặc biệt, tỷ lệ công dân bị tật khúc xạ về mắt (cận thị) rất cao. Có phường của TP Hà Nội tỷ lệ cận thị lên đến 90% (theo quy định, không lấy công dân nhập ngũ có độ cận trên 1,5 dioptre (đi-ốp). Đồng thời số thanh niên trong độ tuổi có diện tích hình xăm lớn, không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ cũng không hề nhỏ. Đại tá Ngô Công Khánh, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu (Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) nêu thực trạng: “Công dân xăm hình trên cơ thể và công dân bị cận thị chiếm tỷ lệ cao đang là rào cản lớn trong công tác tuyển quân. Cơ quan chức năng cần có giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề này, kể cả nghiên cứu sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật”.

Khảo sát của nhóm phóng viên tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Nguyên... cho thấy, sau khi sơ tuyển ở cấp xã, hiện các địa phương đang thực hiện gọi số công dân để khám tuyển NVQS (điều khám) theo tỷ lệ 4/1 chỉ tiêu tuyển quân được giao (chỉ tiêu lấy 1 thì điều khám 4). Lý giải về việc để tuyển một người thì ít nhất địa phương cần điều khám 4 người, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển quân cho biết, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ngày càng khó khăn về nguồn, do cả khách quan và chủ quan.

Diện công dân tạm hoãn thực hiện NVQS trong độ tuổi từ 18 đến 22 hiện rất lớn, bởi hầu hết số này đi học cao đẳng, đại học. Hiện tại, diện tạm hoãn gọi nhập ngũ bình quân trên cả nước lên đến 56%, TP Hồ Chí Minh là 72%, TP Hà Nội là 66,1% so với tổng số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ theo Luật NVQS. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có diện miễn, tạm hoãn cao vì có nhiều trường cao đẳng, đại học. Tại nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, đa số thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ đi làm xa nhà, dài ngày; một số học nghề và được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tình hình trên đã gây không ít khó khăn trong công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ. Nhiều công dân thuộc diện nhập ngũ có mặt tại địa phương nhưng lại là lao động chính trong gia đình, có việc làm, thu nhập ổn định nên không muốn nhập ngũ. Thực tế này đã dẫn đến số lượng công dân né tránh thực hiện NVQS có dấu hiệu ngày càng gia tăng, nhất là trong những năm gần đây.

Tình trạng phổ biến là công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS không đăng ký di chuyển NVQS. Theo quy định, công dân đã đăng ký NVQS khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập phải làm thủ tục chuyển đăng ký NVQS. Công dân tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng phải đăng ký di chuyển NVQS về địa phương hoặc nơi làm việc mới. Nhưng hiện nay, công tác này tại các trường cao đẳng, đại học chưa thành nền nếp, thậm chí bị “bỏ quên”. Trước tình trạng đó, năm 2022, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã kiểm tra việc chấp hành Luật NVQS và đăng ký NVQS tại nhiều trường trên địa bàn như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học FPT... để chấn chỉnh. Thượng tá Phạm Thanh Cương, Chỉ huy trưởng Ban CHQS quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Do các trường thực hiện không tốt việc di chuyển NVQS nên đợt tuyển quân năm 2023, Ban CHQS quận Tây Hồ đã phải gửi công văn đến 120 trường đại học, cao đẳng để xác minh các trường hợp công dân trên địa bàn quản lý. Dù mất thời gian, công sức nhưng đơn vị đã xác minh được các trường hợp sai phạm”.

Thượng tá Ngô Văn Cơ, Trưởng ban Quân lực, Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa) dẫn chứng, thực tế chỉ có 5-7% số công dân sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng có di chuyển NVQS gửi về địa phương. Số không di chuyển NVQS xuất phát từ nhiều lý do: Thanh niên sau khi học xong đi làm ngay; nhà trường có cấp giấy di chuyển đăng ký NVQS nhưng cá nhân không nộp về; thời gian học kéo dài do học theo tín chỉ, nợ môn, học liên thông... Chính vì vậy, việc tuyển chọn công dân có trình độ cao vào Quân đội gặp nhiều khó khăn bởi sau khi ra trường, chỉ vài năm là họ hết tuổi thực hiện NVQS.

Một khó khăn khác được Trung tá Đỗ Ngọc Minh, Trưởng ban Quân lực, Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình) đề cập, đó là sau khi Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, người đi làm ăn xa, học tập xa chỉ cần xuất trình căn cước công dân nơi tạm trú, không cần xin giấy tạm vắng nhằm thuận tiện cho công dân, nhưng địa phương lại khó khăn trong quản lý như việc đăng ký khám NVQS, gọi nhập ngũ. Ngoài ra, việc đăng ký di chuyển nơi ở hiện nay thuận tiện hơn thông qua cổng dịch vụ công, nhưng việc này cũng gây ra nhiều khó khăn cho quản lý nguồn nhập ngũ trong thời gian khám tuyển sức khỏe NVQS, gọi nhập ngũ, nhất là khoảng thời gian từ ngày 1-11 đến 31-12 hằng năm.

Một vấn đề khác cũng đang ảnh hưởng đến công tác tuyển quân, đó là công dân đi xuất khẩu lao động. Nhiều địa phương có chỉ tiêu cứng về đưa người đi xuất khẩu lao động. Tiêu chí để công dân đủ sức khỏe, phẩm chất đi xuất khẩu lao động có một số trùng với tiêu chí tuyển quân. Hoặc vấn đề phát sinh như thanh niên đã hoàn thiện thủ tục đi xuất khẩu lao động nhưng lại thuộc diện trúng tuyển NVQS. Những trường hợp này chưa có quy định cụ thể về tạm hoãn NVQS, nếu gọi thì họ sẽ mất trắng một số tiền lớn đã nộp để làm các thủ tục đi xuất khẩu lao động, nếu không gọi thì rất có thể địa phương không hoàn thành chỉ tiêu giao quân.

Cần cái nhìn khách quan, đúng bản chất

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu và tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Việc tuyển quân hằng năm đủ chỉ tiêu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tổ chức biên chế của các đơn vị và quân số thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở chưa sâu sát, sự phối hợp, hiệp đồng của các ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ. Cán bộ làm công tác tuyển quân ở một số địa phương cấp xã, huyện thực hiện chưa đúng quy trình, quy định, có biểu hiện tiêu cực. Những hạn chế này cần phải nghiêm túc nhìn nhận để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Trước vấn đề một số ý kiến cho rằng, có tình trạng lạm dụng gọi nhiều, tuyển ít để rung dọa không? Đại tá Nguyễn Quốc Hải, Trưởng phòng Quân số Chính sách, Cục Quân lực giải thích: Việc gọi công dân khám tuyển là căn cứ theo luật chứ không phải làm tùy tiện. Theo Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ Quốc phòng về “Quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ” thì “việc phát lệnh gọi khám sức khỏe NVQS phù hợp với từng địa phương; chỉ tiêu nhập ngũ một người được gọi khám sức khỏe không quá 4 người”... Chúng ta đang thực hiện gọi khám/chỉ tiêu 4/1 là đúng quy định. Nhiều người chưa hiểu rõ các khâu, các bước trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ nên có thể hiểu nhầm. Về bản chất, cần phân biệt rõ các bước trong tuyển quân. Bước đầu tiên là rà soát nguồn nhằm sàng lọc số thuộc diện miễn, hoãn, số đến tuổi nhập ngũ... Tiếp theo là sơ tuyển. Bước tiếp theo nữa mới là gọi khám tuyển (đây là bước gọi khám theo tỷ lệ 4/1 như đã đề cập). Sau đó mới đến bước phát lệnh gọi nhập ngũ. Có người không hiểu đã nhầm lẫn bước rà soát nguồn thành gọi khám tuyển nên cho rằng đó là rung dọa, hiểu như vậy là không đúng. Tất nhiên, không loại trừ tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Một thực trạng nổi cộm đó là nhận thức của nhiều công dân không đúng, không tìm hiểu, nắm bắt những quy định về thực hiện NVQS. Cứ đến khi các cơ quan chức năng tiến hành công tác tuyển quân thì nhiều gia đình “vận hành” các mối quan hệ để con em không phải thực hiện NVQS. Điều này dẫn đến một số đối tượng nảy sinh lòng tham, tung tin là “có thể chạy chọt” để né tránh việc nhập ngũ và họ có thể đã nhận tiền của người khác. Khi một số thanh niên đúng là thuộc diện tạm hoãn, miễn theo quy định thì các đối tượng nêu trên đương nhiên sẽ chiếm đoạt số tiền đã nhận. Nếu thanh niên đó vẫn thuộc diện nhập ngũ thì họ có thể trả lại tiền. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến công tác tuyển quân mà còn tạo dư luận xấu trong xã hội.

Hơn nữa, theo quy định của Luật NVQS, hội đồng NVQS các cấp thì chủ tịch hội đồng NVQS là chủ tịch UBND các cấp tương ứng; chỉ huy trưởng cơ quan quân sự cấp tương đương là phó chủ tịch thường trực, ngoài ra, còn các thành viên khác là công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thanh niên, y tế... Vai trò, nhiệm vụ của hội đồng và các thành viên được quy định rất rõ. Điều này cho thấy, công tác tuyển quân hết sức quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì thế, quan niệm công tác tuyển quân, nhất là liên quan tới các tiêu cực phát sinh, thuộc trách nhiệm của cơ quan quân sự là không đúng bản chất. Nhìn thẳng vào vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Hải, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu Quân khu 1 thẳng thắn chỉ ra: “Thực tế này phần nào xuất phát từ công tác tham mưu của cơ quan quân sự một số địa phương còn hạn chế, do ngại va chạm. Nếu tham mưu tốt sẽ giúp người đứng đầu địa phương có chỉ đạo hay ban hành nghị quyết, văn bản nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp trong công tác tuyển quân, nhất là với đội ngũ cán bộ thì chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tiêu cực”.

Quy trình các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo Luật NVQS năm 2015 và các quyết định, thông tư, hướng dẫn như sau: 1/ Rà soát công dân thực hiện NVQS. 2/ Sơ tuyển công dân thực hiện NVQS. 3/ Xét duyệt và bình cử gọi công dân khám sức khỏe NVQS. 4/ Khám sức khỏe NVQS. 5/ Phúc tra các tiêu chuẩn và bình cử gọi công dân nhập ngũ. 6/ Quy trình các bước hoàn thiện, thẩm tra hồ sơ; nghiên cứu, chốt quân số, bàn giao hồ sơ. 7/ Phát lệnh gọi công dân nhập ngũ. 8/ Giao nhận quân. 9/ Bù đổi.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tuyen-quan-nhung-bat-cap-can-phai-thao-go-721658