Tuyên Quang: Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh

Để chủ động phòng ngừa hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai gây ra trên địa bàn, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành văn bản Số: 1792/UBND-KT, về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Mưa lớn gây sạt lỡ trên địa bàn xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương

Mưa lớn gây sạt lỡ trên địa bàn xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương

Trong những ngày gần đây trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và mưa đá: Cấp 1.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành văn bản Số: 1792/UBND-KT, về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Văn bản yêu cầu, Chủ tịch UBND huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh; Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời tới người dân chủ động các biện pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở để sẵn sàng phương án ứng phó, chủ động di chuyển nhân dân tại nơi có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Kiểm tra rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình giao thông, thủy lợi (đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước, cầu, ngầm, tràn, đê, kè, cống dưới đê); bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đồng thời, bố trí lực lượng Thường trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra; khi có thiên tai xảy ra phải chủ động sử dụng ngân sách dự phòng cấp huyện để khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống sản xuất; báo cáo, đề xuất kịp thời với UBND tỉnh các trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh có phương án bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu; tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa lũ và chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thiên tai để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các cầu, ngầm tràn khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục nhanh sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

Đài Khí tượng, Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ để các địa phương biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản và tính mạng của người dân.

Các Sở, ban ngành, thuộc tỉnh theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố, trong việc thực hiện chỉ đạo tại văn bản này, báo cáo, đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với UBND tỉnh./.

Thanh Tùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tuyen-quang-chu-dong-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-tren-dia-ban-tinh-post448171.html