Tuyên Quang: Đổi mới hoạt động chăm lo nạn nhân da cam - Bài 2: Vượt lên từ tinh thần người lính
Các cơ sở hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm sáng tạo huy động sự vào cuộc của cộng đồng chăm lo cuộc sống nạn nhân chất độc da cam. Đây thực sự là động lực để các nạn nhân vươn lên, vượt qua khó khăn, thể hiện bản lĩnh người lính Cụ Hồ.
Bài 1: Xã hội hóa chăm sóc nạn nhân da cam
Bài 3: Khát vọng cống hiến
Trái tim “người vác tù và…”
Cùng với một số tỉnh như Điện Biên, Sơn La… Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tuyên Quang chưa được công nhận là hội đặc thù. Bởi vậy, gần 200 cán bộ cơ sở hội cấp xã trên địa bàn không có lương và phụ cấp. Nhưng điều đó không làm nản tấm lòng nhân hậu, bao dung của họ với cuộc sống nạn nhân chất độc da cam. Những người cán bộ ấy đã tình nguyện đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để động viên, chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho các nạn nhân. Họ là người “vác tù và hàng tổng” trọn vẹn tấm lòng vì đồng đội và những người cùng cảnh ngộ.
Đa số cán bộ hội, chi hội cấp cơ sở đã tuổi cao, mang trong mình nhiều căn bệnh do ảnh hưởng của chất độc hóa học. Ông Hoàng Minh Phúc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thôn Đình Lộng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) tâm sự: “Hiện toàn hội có 25 hội viên. Để làm được công tác hội, người cán bộ phải lấy niềm vui sẻ chia, giúp đỡ đồng đội để làm động lực. Mỗi khi gặp nhau, kể lại những câu chuyện đời lính, niềm vui lan tỏa, nỗi đau da cam như vơi đi phần nào”.
Năm nay đã 72 tuổi, thế nhưng ông La Đức Can, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) vẫn cần mẫn bên quán sửa xe đạp. Đối với ông đó là “nguồn quỹ” cung cấp tiền xăng xe đi lại phục vụ hoạt động của hội. 7 năm gắn bó với công tác hội, ông đã cống hiến hết mình, cùng ban chấp hành xây dựng tổ chức. Ông nói: “Dù còn nhiều khó khăn như không có quỹ hoạt động, cán bộ làm việc không có phụ cấp nhưng bản thân tôi không trông chờ hỗ trợ mà tự tạo nguồn thu nhập, trích một phần nhỏ để tham gia hoạt động hội”. Người dân Xuân Quang từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh ông Can cần mẫn đến từng nhà hội viên để thăm hỏi, động viên kịp thời lúc ốm đau hoạn nạn. Nhiều lần vợ con cũng can ngăn, khuyên ông nghỉ ngơi vì tuổi cao rồi, sức khỏe giảm sút. Ông cười hiền va bảo, được gặp những người bạn lính là cả động lực để sống vui, sống khỏe mỗi ngày. Vậy nên, dẫu bước chân ông đã mỏi những vẫn lặn lội về mỗi xóm làng thăm hỏi đồng đội bị nhiễm chất độc hóa học, coi đó là bổn phận với đồng đội của mình.
Ông Hà Hữu Độ, thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang cho biết: “Bản thân tôi bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu, ít khi đi lại được. Ông Can thường xuyên đến nhà, gọi điện thăm hỏi tình hình sức khỏe. Vừa qua, gia đình tôi cũng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã hỗ trợ vay vốn để mua cây giống trồng rừng”.
Nhờ những đóng góp thầm lặng đó, 198 cán bộ hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại các xã, phường, thị trấn đã trở thành “cánh tay đắc lực” kết nối, xây dựng phong trào hoạt động hội ở cở sở. Từ đó tạo điểm tựa vững chắc cho trên 3.000 hội viên vươn lên trong cuộc sống. Trong 5 năm qua, đã có 1.490 lượt hội viên được hướng dẫn làm thủ tục giám định sức khỏe để hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Nhà nước; trong đó đã có 1.132 người đã được công nhận và được hưởng các chế độ dành cho nạn nhân da cam như chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, làm nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế….
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) thăm hỏi hội viênNguyễn Văn Dục (bên trái).
Sáng tạo nguồn Quỹ tự lập
Trong phong trào giúp đỡ nạn nhân da cam vươn lên tại tỉnh Tuyên Quang thì Quỹ tự lập của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các xã, phường, thị trấn như "bà đỡ". Đây là cách làm sáng tạo, phát huy nội lực của chính các hội viên. Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ, từ nhu cầu thực tế, nhiều hội viên có mong muốn phát triển kinh tế nhưng hoàn cảnh khó khăn chưa có nguồn vốn, Hội đã chủ trương thành lập Quỹ tự lập để tạo điều kiện cho từng hội viên. Tên gọi Quỹ tự lập trước tiên để khẳng định tính độc lập của quỹ cũng như những người thành lập quỹ. Tự lập còn là sự cố gắng vươn lên tự chủ của những mảnh đời da cam, là điểm tựa gắn kết vững vàng của những người không may bị tổn thương, khiếm khuyết về sức khỏe, tinh thần do chất độc hóa học dioxin. Từ đó nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, làm chủ cuộc sống.
Được biết, năm 2013, Quỹ tự lập được đồng loạt thành lập ở nhiều cơ sở hội thuộc huyện Yên Sơn với nhiều tên gọi khác nhau như Quỹ tình thương, Quỹ đồng đội… Số tiền đóng góp ban đầu chỉ từ 100 đến 200 nghìn đồng/hội viên. Tuy không nhiều nhưng cũng đã phần nào động viên anh em, đồng chí đồng đội lúc bệnh tật, ốm đau hay khi khó khăn hoạn nạn. Năm 2017, BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh quyết định thành lập đồng loạt các quỹ tại hội cấp cơ sở và thống nhất lựa chọn tên gọi chung là Quỹ tự lập. Số quỹ thu được được sử dụng luân chuyển bằng cách cho hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở trong thời hạn từ 3-5 năm. Đến nay, 100% các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập được quỹ với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng, cho trên 250 lượt hội viên vay vốn.
Các cơ sở Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Chiêm Hóa đều thực hiện hiệu quả Quỹ tự lập, tiêu biểu như xã Yên Nguyên và xã Xuân Quang… Từ số tiền quỹ đóng góp được, nhiều nạn nhân đã được giúp đỡ để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Hoàng Tiến Vượng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Yên Nguyên chia sẻ, Quỹ tự lập của hội được thành lập năm 2014, ban đầu mỗi hội viên tham gia đóng góp 200 nghìn đồng/năm. "Tích tiểu thành đại”, đến nay hội có 54 hội viên với tổng số quỹ là 74 triệu đồng. Quỹ đã cho 15 lượt hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, sửa chữa nhà ở.
Ông Nguyễn Đình Tinh, thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chia sẻ, vừa qua ông đã được vay 28 triệu đồng từ nguồn Quỹ tự lập để sửa chữa nhà ở. Nay ông đã được sống trong ngôi nhà khang trang hơn để dưỡng bệnh và cùng con cái chăm lo phát triển sản xuất.
Từ nguồn Quỹ tự lập, nhiều hội viên đã được tạo điều kiện, có động lực để thoát nghèo, trở thành hộ khá giả. Điển hình như ông Trần Xuân Trường, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tứ Quận (Yên Sơn). Năm 2016, ông được vay 10 triệu đồng từ nguồn “Quỹ tự lập” của hội để phát triển kinh tế. Hiện ông trồng được 150 cây bưởi da xanh đã cho thu quả. Với thu nhập từ 120-150 triệu/năm, gia đình ông đã vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
Những hội viên được vay vốn chỉ phải trả mức lãi suất rất thấp để các cơ sở hội có thêm đồng vốn để thăm hỏi hội viên khi đau ốm, điều trị dài ngày tại bệnh viện, tặng quà hội viên nhân dịp Kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10-8, các ngày lễ, Tết, góp phần gắn kết tình cảm giữa các hội viên trong từng chi hội. Ông Nguyễn Tiến Bảo, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, mỗi lần phải nằm viện điều trị bệnh do di chứng nhiễm chất độc da cam/dioxin, đại diện chi hội đều trực tiếp đến viện hỏi thăm, động viên ông, giúp ông thêm yên tâm điều trị. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với ông để ông vượt qua nỗi đau da cam.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Quỹ tự lập đã trở thành địa chỉ tin cậy để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần duy trì hiệu quả các phong trào, hoạt động của tổ chức hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Hoạt động hội có mạnh thì mới có điều kiện giúp đỡ hội viên nhiều hơn, đó là mục tiêu xuyên suốt mà những người lính Cụ Hồ tâm niệm thực hiện, những mong cuộc sống của đồng đội no đủ, đầm ấm hơn.