Tuyên Quang: Không đánh đổi tài nguyên rừng để phát triển du lịch
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Tuyên Quang luôn xác định, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng.
Hơn 2000 tổ, đội bảo vệ rừng phát huy hiệu quả
Tỉnh Quyên Quang có nguồn tài nguyên rừng quý giá với nhiều hệ động thực vật phong phú, rất thuận lợi cho việc khai thác và phát triển du lịch. Hiện địa phương này có tổng diện tích rừng trên 426 nghìn ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng trên 45,5 nghìn ha, diện tích rừng phòng hộ trên 115 nghìn ha, còn lại là diện tích rừng sản xuất.
Trên địa bàn Tuyên Quang có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên thuộc huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên. Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp giáp với Vườn quốc gia Tam Đảo. Với khoảng hơn 2.000 loài động, thực vật, trong đó một số loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới như: Vọc đen má trắng, Vọc mũi hếch. Các loài gỗ quý như nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, nhiều loài lan và hàng trăm loại cây thuốc quý…
Để thực hiện tốt công tác quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua UBND tỉnh Tuyên Quang đã tích cực thực hiện các giải pháp khác nhau như phát triển rừng, bảo vệ rừng đặc dụng kết hợp với phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình được giao đất trồng rừng vừa mang lại thu nhập ổn định vừa có tác dụng bảo vệ rừng. Toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 2000 tổ đội bảo vệ rừng với gần 20 nghìn thành viên. Đây là cánh tay nối dài hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm bảo vệ rừng.
Năm 2022, thực hiện Quyết định số 1623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp trọng tâm như nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Phấn đấu đưa du lịch rừng trở thành ngành kinh tế trọng điểm
Nghị quyết số 36 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái và cây dược liệu dưới tán rừng. Tuyên Quang đã ban hành nhiều kế hoạch, chính sách cơ chế để phát huy thế mạnh lâm nghiệp của địa phương không chỉ phát triển quy mô sản xuất còn tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh phát triển lâm nghiệp bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế từ đó giảm các hành vi khai thác động, thực vật rừng.
Mới đây, ngày 16/4/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ giai đoạn 2021-2030 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang, với mục tiêu phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2024-2030, trên toàn bộ diện tích rừng và đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang đang quản lý, tại địa bàn các xã: Sinh Long, Năng Khả và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, với tổng kinh phí thực hiện trên 47,7 tỷ đồng. Đề án hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gắn với bảo tồn, phát huy bền vững các hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời thu hút, kêu gọi đầu tư để thực hiện công tác phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2027, thu hút được từ 2 nhà đầu tư trở lên để liên doanh, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang quản lý. Thu hút được khoảng 10.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó số lượng khách quốc tế chiếm khoảng 5%, tỷ lệ du khách lưu trú qua đêm chiếm 20% tổng số du khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 12 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, tiếp tục mở rộng, nâng cấp các hạng mục, công trình phục vụ khai thác du lịch tại các điểm, tuyến du lịch; thu hút được 15.000 lượt khách du lịch/năm; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của Đề án, sẽ có 7 điểm với 3 tuyến du lịch được ưu tiên phát triển, gồm các tuyến: Cạm Bẻ - Thủy điện Tuyên Quang - Nà Mỏ; Hang Nà Chao - Nà Noong - Pù Nà Làng - Thủy điện Tuyên Quang; Đảo Con Thỏ - Thủy điện Tuyên Quang - Nậm Đường. Các loại hình du lịch được phát triển gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Du lịch khám phá mạo hiểm; Du lịch lưu trú, ẩm thực.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định, phát triển du lịch, trong đó có sinh thái rừng là tất yếu. Phát triển du lịch cần tận dụng nguồn tài nguyên rừng nhưng cần đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế, phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển rừng.
Loại hình du lịch sinh thái từng bước sẽ trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của Tuyên Quang. Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng được môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Cho nên Tuyên Quang đã có một chiến lược phát triển du lịch phù hợp, có sự quản lý theo hệ thống để khai thác tốt, bền vững và hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên.