Tuyên Quang: Nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới

Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh Tuyên Quang có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, chiếm 60,65%.

Chung tay xây dựng nông thôn mới

Trong những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới với mong muốn thay đổi diện mạo nông thôn, đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển và giữ vững vai trò chủ đạo, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Ảnh minh họa

Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Ảnh minh họa

Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang các huyện, thành phố đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung cụ thể trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo hoàn thành mục tiêu được giao.

Trước đó, năm 2021 toàn tỉnh có 54/122 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 44,2%); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 50,82%); 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí bình quân trên đạt 15,16 tiêu chí/xã (08 xã mục tiêu năm 2022 hiện đang thẩm định); TP. Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2023, phấn đấu triển khai thực hiện kế hoạch mục tiêu xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tiêu chí bình quân trên xã toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã.

Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 74/122 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, chiếm 60,65%. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định công nhận 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt bình quân đạt 15,80 tiêu chí/xã. Ngày 05/10/2021, TP. Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 1666/QĐ-TTg. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm huyện Hàm Yên, huyện Sơn Dương hoàn thành xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, tính đến hết tháng 4/2024, có tới 45/62 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không duy trì được 19/19 tiêu chí. Trong đó, 12/14 xã của huyện Yên Sơn; 10/12 xã thuộc huyện Chiêm Hóa; 8/11 xã thuộc huyện Hàm Yên; 7/13 xã của huyện Sơn Dương; 3/3 xã thuộc huyện Lâm Bình... TP.Tuyên Quang cũng có đến 2/5 xã không duy trì được đủ tiêu chí.

Mặt khác, nguồn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; đời sống người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao... Một số địa phương ưu tiên chú trọng đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Các tiêu chí theo các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cao hơn nhiều so với các tiêu chí theo các Bộ tiêu chí của giai đoạn trước. Giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, các xã đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí của giai đoạn trước cần phải đạt chuẩn theo các tiêu chí quy định của giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, sau thời gian đạt chuẩn, nhiều tiêu chí khó khăn trong việc duy trì và cần phải củng cố, như: Giao thông, trường học, y tế, môi trường, thu nhập, nghèo đa chiều...

Nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh minh họa

Nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh minh họa

Cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình nông thôn mới được ban hành khá nhiều nhưng nguồn lực hạn chế, chỉ tập trung các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới; tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách tỉnh còn hạn chế, khó khăn trong cân đối nguồn vốn đối ứng. Đối với xã đã về đích nông thôn mới, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển còn khá thấp chưa đảm bảo yêu cầu đầu tư nâng chuẩn và duy trì tính bền vững các tiêu chí; công tác khảo sát thực tế trước khi đầu tư chưa được quan tâm đúng mức; thiếu kiểm tra, giám sát. Đa số các công trình cấp nước sạch được đầu tư và quản lý theo Chương trình nông thôn mới quy mô nhỏ, mô hình quản lý chưa phát huy hiệu quả...

Ông Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang lý giải, việc nhiều địa phương không duy trì được 19/19 tiêu chí là do Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí được bổ sung nội dung, điều chỉnh mức độ đạt cao hơn. Cụ thể, tăng từ 49 lên 59 chỉ tiêu (tăng 10 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 – 2020).

Điều này đòi hỏi các địa phương phải có sự tập trung chỉ đạo thực hiện với sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng. Đơn cử, như: Chỉ tiêu về thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương; chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử 50% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn từ 30% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 12% trở xuống nay là tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều dưới 13% (bao gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo)…

Nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí, đặc biệt là hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí hiện hành.

Yêu cầu các ngành, địa phương chủ động rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo đáp ứng theo quy định của Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025...

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua báo cáo khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh. Sớm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có giải pháp cụ thể duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.

Cùng với đó, quan tâm đầu tư nguồn lực cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí làm nền tảng để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng bền vững. Bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các huyện còn thiếu từ năm 2022, 2023.

Quan tâm đầu tư cho phát triển sản xuất; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tiêu chuẩn hóa, nâng hạng các sản phẩm OCOP, đưa những sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh tham gia triển lãm, trưng bày, giới thiệu tại một số hội chợ, chương trình kết nối lớn trên cả nước; kết nối đưa nông sản của tỉnh vào các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

"Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang cần nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác để việc phân loại, xử lý rác trên toàn tỉnh đảm bảo vệ sinh môi trường. Tổ chức nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế; đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện chính sách giải quyết việc làm sau đào tạo nghề...", ông Nguyễn Thế Giang nhấn mạnh.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuyen-quang-nang-cao-chat-luong-cac-tieu-chi-dat-chuan-nong-thon-moi-328185.html