Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) (tiếp theo)

Đánh bại quân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947)

Thu - Đông năm 1947, Pháp mở cuộc tiến công lớn lên căn cứ địa Việt Bắc, với mục đích tóm gọn cơ quan lãnh đạo tối cao của ta, tiêu diệt bộ đội chủ lực, phá tan căn cứ kháng chiến.

Ngày 7 và 8-10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn (Bắc Kạn); đồng thời cho binh đoàn bộ binh Bôphrê từ Lạng Sơn kéo lên Cao Bằng, Bắc Kạn bao vây Việt Bắc từ phía đông và phía bắc, binh đoàn hỗn hợp lính thủy đánh bộ và bộ binh thuộc địa Commăngđô từ Hà Nội ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, bao vây Việt Bắc từ phía tây.

Lực lượng dự bị của địch sẵn sàng nhảy dù xuống những nơi mà chúng phát hiện được cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta. Với quân đông, trang bị mạnh 1, địch hình thành hai gọng kìm lớn, tiến công vào tứ giác Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Kạn, Thái Nguyên (3.600km2). Bộ chỉ huy quân Pháp cho rằng, kế hoạch tiến công lên Việt Bắc là hoàn hảo, có khả năng đi tới kết thúc chiến tranh. Xalăng dự tính “chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”.

Nhân dân Tuyên Quang chở bộ đội qua sông Lô truy kích địch trong Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947.

Nhân dân Tuyên Quang chở bộ đội qua sông Lô truy kích địch trong Chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947.

Ngày 8-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi chiến sĩ, đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Ngày 15-10-1947, Trung ương Đảng ra chỉ thị Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp, nêu rõ nhiệm vụ của chúng ta lúc này là phải làm cho địch thiệt hại nặng nề để không gượng dậy được sau chiến dịch này.

Từ mọi hướng, các cánh quân của địch đều lấy Tuyên Quang làm hợp điểm. Địa bàn Khu X, sông Lô, trong đó có Tuyên Quang sẽ nằm trong hướng tiến công từ phía tây của địch.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài lực lượng dân quân tự vệ và du kích tại chỗ, ở Tuyên Quang có 2 tiểu đoàn chủ lực của Trung đoàn 112, một đại đội cảnh vệ. Về tương quan lực lượng, địch chiếm ưu thế về số lượng, vũ khí kỹ thuật và kinh nghiệm tác chiến; song chúng cũng vấp phải khó khăn là phải hành quân trên địa bàn rừng núi trải rộng, xa căn cứ.

Những vùng địch có thể hành quân qua hoặc tiến công, nhân dân đều rút vào các lán trại bí mật trong rừng. Thị xã Tuyên Quang đã triệt để tiêu thổ kháng chiến. Tại cuộc họp giữa Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Trung đoàn 112, một kế hoạch phối hợp tác chiến đã được vạch ra. Các đơn vị của Trung đoàn 112 chịu trách nhiệm vận động bám sát các hướng hành quân của địch, tổ chức những trận đánh lớn tiêu diệt chủ lực chúng.

Lực lượng cảnh vệ và du kích, tự vệ của tỉnh một phần lo bảo vệ cơ quan lãnh đạo địa phương, giúp nhân dân sơ tán, một phần làm công tác phục vụ chiến đấu; bộ phận khác bám chốt tại chỗ tiến hành đánh du kích, quấy nhiễu buộc quân địch phải dàn mỏng đối phó, tạo kẽ hở để ta tiêu diệt. Hệ thống báo động, các trạm quan sát theo dõi và nắm tình hình địch từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đến thị xã Tuyên Quang được thiết lập.

Bộ Tư lệnh Khu X đã điều Trung đoàn 112 triển khai, bố trí đội hình từ thị xã Tuyên Quang đến Chiêm Hóa, một tiểu đoàn tăng cường do Trung đoàn trưởng Bế Xuân Cương chỉ huy, giấu quân từ Tuyên Quang đến Bến Bợ (Hàm Yên), một tiểu đoàn khác bố trí từ Bến Bợ đến Chiêm Hóa, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Thùy. Các trung đội pháo binh của Khu X di chuyển bố trí trận địa ở những nơi hiểm yếu dọc hai bên sông Lô, sẵn sàng đón đánh tàu địch.

Ngày 11-10-1947, dưới sự yểm trợ của máy bay, đoàn tàu địch gồm 4 chiếc LTC, LCM, LCVP và 3 ca nô chở một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 43 và một số đơn vị trợ chiến do Commuynan (Communal) chỉ huy, sau khi vượt qua Việt Trì, Đoan Hùng, đoàn tàu rầm rộ rẽ sóng tiếp tục vượt sông Lô tiến về Tuyên Quang. Ngày 12-10-1947, đoàn tàu chiến của quân Pháp tiến tới bến Bình Ca (Tuyên Quang).

Lúc 16 giờ ngày 12-10-1947, tốp tàu chiến đầu tiên của quân Pháp đi vào khu vực Bình Ca. Tổ badôca của tiểu đội trưởng Trần Chất do Trung đội trưởng Vũ Phương chỉ huy nổ súng. Hai phát đạn bắn vào hai chiếc tàu đi đầu bị chệch mục tiêu. Khi tốp tàu thứ hai lọt vào trận địa, phát đạn badôca thứ ba đã phóng chính xác, trúng vào thân một chiếc LCVP. Đây là tàu đổ bộ loại nhỏ dài 11m, trọng tải 15 tấn, chở được một trung đội, được trang bị 1 pháo 20ly. Tàu địch nghiêng ngả, bốc cháy, cố vượt lên được khoảng 1km thì bị chìm. Đó là chiếc tàu địch đầu tiên bị bắn chìm trên sông Lô.

Khi quân Pháp đổ bộ lên bến Bình Ca, chúng lọt vào trận địa phục kích của ta. Quân ta giật mìn, ném lựu đạn và đồng loạt nổ súng, tiêu diệt 20 tên địch, số sống sót hoảng sợ vội nhảy xuống sông bơi ra tàu. Từ đây, quân địch tiến quân dè dặt và thận trọng hơn.

Ngày 13-10-1947, sau khi cho máy bay ném bom, bắn phá dữ dội, quân Pháp tiến công đánh chiếm thị xã Tuyên Quang. Được bọn Việt gian dẫn đường, chúng chiếm núi Cố. Tự vệ vừa chiến đấu vừa rút dần ra khỏi thị xã đến cây số 2, phá sập cầu Đen để ngăn bước tiến của địch. Ngày hôm sau, quân Pháp đánh rộng ra chiếm cầu Chả, đồn điền Canh Nông (Nông Tiến), Đền Thượng, khu núi Thổ Sơn, chùa Trùng Quang, Km 5 (đường Tuyên Quang - Đoan Hùng).

Mặc dù không vấp phải sự đánh trả lớn của ta, song trước cảnh thị xã hoang tàn đổ nát, cây cối ngổn ngang trên các đường phố, quân địch không dám nghênh ngang. Sau khi chiếm được trung tâm thị xã, quân Pháp tràn ra lùng sục các vùng ven. Chúng gây ra nhiều tội ác: giết người, cướp của, phá hoại đền, chùa, miếu mạo... Không tìm thấy bộ đội chủ lực ta, chúng bắt dân thường để dọa dẫm, đánh đập, bắn giết; nhưng đồng bào ta một mực trung thành, không khai báo với địch. Để thực hiện hội quân theo kế hoạch, Commuynan chia quân thành 2 mũi: một theo đường số 2 tiến sâu vào Việt Bắc; một theo đường sông Lô, sông Gâm tiến lên Đài Thị.

Bộ chỉ huy Khu X tổ chức bộ đội thành các đại đội độc lập, các đội vũ trang tuyên truyền và dựa vào nhân dân địa phương bày thế trận đánh địch. Dân quân tự vệ Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực liên tiếp đột nhập thị xã, quấy rối các vị trí địch; tổ chức các trận đánh những toán quân địch đi lẻ.

Sáng 15-10-1947, quân Pháp cho một đại đội vượt ghềnh Quýt tiến lên Yên Lĩnh. Nhưng vừa mới ra khỏi thị xã, chúng đã lọt vào trận địa phục kích, bộ đội Trung đoàn 112 đã tiêu diệt và làm bị thương gần 30 tên. Địch buộc phải rút về đền Thượng.

Bến Bình Ca.

Bến Bình Ca.

Bị quân và dân ta chặn đánh liên tục trên sông Lô và Quốc lộ 2, lực lượng của binh đoàn Commuynan bị tổn thất lớn. Quân Pháp tiếp tục tăng viện cho mũi tiến công phía tây. Ta chặn đánh địch từ Đoan Hùng, Phủ Đoan, Phan Dư, Khoan Bộ (Phú Thọ) đến Bình Ca (Tuyên Quang), tiêu diệt nhiều tên, bắn cháy và bắn chìm một số ca nô, tàu chiến địch.

Từ ngày 15 đến ngày 18-10-1947, theo đường bộ và đường thủy (sông Lô, sông Gâm), một bộ phận quân Pháp đã tới được Chiêm Hóa, định lên Đài Thị để hội quân với cánh quân phía đông từ Bắc Kạn kéo xuống. Trước tình hình đó, sau khi để lại một bộ phận tiếp tục đánh địch xung quanh thị xã Tuyên Quang, một bộ phận lớn lực lượng của ta được điều gấp lên Chiêm Hóa phối hợp cùng Tiểu đoàn 718 (thuộc Trung đoàn 112) từ Hà Giang về đánh chặn địch.

Ngày 18-10-1947, Trung đoàn 79 gồm các học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (ngày nay là Trường Sĩ quan lục quân) và đội du kích Ngọc Hội (xã Phú Bình), đã phục kích chặn đánh mũi tiến quân của quân Pháp từ huyện lỵ Chiêm Hóa qua Bản Heng để tiến lên Bản Thị.

Trận phục kích của Trung đoàn nằm bên phải đường Bản Thị đi Đầm Hồng, cách Bản Heng 200m về phía tây, trên lưng chừng đồi Nà Hang, xung quanh là rừng cây rậm rạp. Quân ta gồm 3 trung đội, 1 đội trợ chiến 7 người và đội hậu cần 5 người, đã tiêu diệt được 38 tên Pháp, trong đó có một đại úy và làm bị thương 42 tên khác. Trung đoàn 79 có đồng chí Vũ Hải Đường bị hy sinh. Chiến thắng Bản Heng đã góp phần bẻ gãy cuộc hành quân phía tây của địch.

(Còn nữa)
Theo Địa chí Tuyên Quang

-----------------

1- Lực lượng quân Pháp chừng 1.500 quân: 7 trung đoàn bộ binh và dù, 4 tiểu đoàm công binh, pháo binh; 1 tiểu đoàn cơ giới 800 xe; 2 phi đội máy bay gồm 40 chiếc; 1 thủy đội xung kích 40 tàu, xuồng

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tuyen-quang-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-1945-1954-tiep-theo-198817.html