Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III (vòng 2) được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 25-3-1961.

Từ ngày 19 đến ngày 20-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự, chỉ đạo Đại hội và thăm tỉnh. Người đã đến thăm Trung đoàn 246, Nông trường Sông Lô, Trường Thiếu nhi vùng cao; nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh và đại biểu các gia đình ân nhân cách mạng, đại biểu các huyện; nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc và về thăm Tân Trào, nơi Người cùng Trung ương ở, làm việc, lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sự quan tâm sâu sắc và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự động viên, cổ vũ lớn lao đối với đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Năm 1961, qua hai đợt tập trung củng cố phong trào hợp tác xã, đã huấn luyện nghiệp vụ cho 3.460 ủy viên ban quản trị, kế toán hợp tác xã, huấn luyện 766 cán bộ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và 498 y tá, hộ sinh cho các hợp tác xã. Phong trào thi đua với Đại Phong, “Sông Lô nổi sóng, chiến thắng toàn diện”, “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp” diễn ra sôi nổi. 232 hợp tác xã đăng ký thi đua vượt Đại Phong. Các hợp tác xã đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật, đầu tư 715.200 ngày công để làm mới, sửa chữa 8.814 công trình thủy lợi. Sau khi một số hợp tác xã được sáp nhập, mở rộng quy mô, toàn tỉnh có 756 hợp tác xã, thu hút 88,44% tổng số hộ nông dân, quản lý 83,2% diện tích đất canh tác nông nghiệp, 44% tổng số trâu của toàn tỉnh. Trong số 21.111 hộ xã viên có 8.419 hộ của 239 hợp tác xã bậc cao. 437 hợp tác xã thực hiện ba khoán. Công tác quản lý, đặc biệt là quản lý lãnh đạo có tiến bộ. Xã viên đảm bảo ngày công trong năm, chấp hành tốt chính sách thuế, nghĩa vụ với Nhà nước. Đã có 198 hợp tác xã đạt loại khá, được công nhận là hợp tác xã bốn tốt (đoàn kết tốt, sản xuất tốt, quản lý tốt, chấp hành các chính sách tốt).

Năm 1962, tỉnh đưa 701 cán bộ của tỉnh, huyện và trường trung cấp nông - lâm về giúp các xã củng cố, phát triển hợp tác xã. Đến cuối năm 1962, có 704 hợp tác xã được củng cố, 46 hợp tác xã đang trong quá trình xây dựng, 16 hợp tác xã khai hoang, 4 hợp tác xã chuyên nghề cá và hoa màu, 92,1% số hộ nông dân toàn tỉnh đã tham gia hợp tác xã. Việc mở rộng quy mô hợp tác xã bước đầu thu được kết quả tốt, với 126 hợp tác xã liên thôn, bản và 3 hợp tác xã toàn xã là Thanh La, Hào Phú, Hồng Lạc (Sơn Dương), đại đa số thực hiện hai khoán hoặc ba khoán. Trong năm 1964, tỉnh tiến hành đợt 1 cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trong 14 xã thuộc huyện Yên Sơn.

Năm 1965, toàn tỉnh có 871 hợp tác xã, với 28.687 hộ xã viên (chiếm 93% số hộ), trong đó có 13 xã 100% nông dân vào hợp tác xã. Các nông trường quốc doanh: Sông Lô, Tháng Mười, Tân Trào vừa chăn nuôi, trồng trọt, đảm bảo tự túc một phần lương thực, thực phẩm, vừa trồng cây công nghiệp chiến lược là cây chè. Toàn tỉnh đã có trên 20 công trình trung thủy nông. Việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực công, thương nghiệp... cũng được đẩy mạnh. Năm 1961, tỉnh có 94 cửa hàng mua bán, 84 trạm thu mua và 27.018 xã viên hợp tác xã mua bán. Năm 1962, tỉnh tiến hành cải tạo xong 99,9% các hộ tiểu thương, thành lập 52 hợp tác xã và tổ mua bán với 559 xã viên; 160/161 xã thành lập hợp tác xã tín dụng.

Năm 1964, về cơ bản Tuyên Quang hoàn thành cải tạo thủ công nghiệp; 90% thợ thủ công nghiệp ở thị xã, các thị trấn đã qua cải tạo xã hội chủ nghĩa, tham gia sản xuất trong các hợp tác xã. Tỉnh thành lập 30 hợp tác xã thủ công nghiệp, 23 tổ sản xuất thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp, thu hút 1.057 xã viên. Tỉnh có 19 cơ sở công nghiệp quốc doanh địa phương và đơn vị sản xuất mang tính công nghiệp với đội ngũ công nhân 2.377 người. Quan hệ sản xuất mới được củng cố, từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi lớn cho tỉnh tập trung xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển sản xuất.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tổng chi cho kiến thiết kinh tế là 13.260.900đ, chiếm 45,51% chi ngân sách, tăng hơn 2,5 lần. Trong 5 năm (1961 - 1965), tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản trong công nghiệp đạt 2.503.600 đồng, chiếm 22,86% tổng số vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản của tỉnh.

Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/tuyen-quang-xua-va-nay/tuyen-quang-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-va-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-1954-1975!-121382.html