Tuyên Quang xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)

Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Từ năm 1950, Pháp liên tục cho máy bay ném bom, bắn phá dữ dội vào các cơ sở kinh tế, các công binh xưởng, khu đông dân cư, cầu phà và các trục đường giao thông quan trọng, gây nhiều thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, dưới sự nâng đỡ, xúi giục của Pháp, các tổ chức phản động đội lốt tôn giáo (ở thị xã Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, huyện Yên Bình...), bọn thổ phỉ, đặc vụ ở các huyện vùng cao (Nà Hang, Chiêm Hóa) và bọn gián điệp ráo riết hoạt động gây nhiều khó khăn đối với trật tự an ninh xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

Nhằm bảo vệ vững chắc quê hương, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng và làm tròn nhiệm vụ của hậu phương chi viện chiến trường, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Liên khu Việt Bắc về nhiệm vụ tác chiến và xây dựng lực lượng trong giai đoạn mới, tỉnh Tuyên Quang đề ra chủ trương: “Phát triển dân quân mạnh mẽ. Củng cố tổ chức dân quân. Xây dựng bộ đội địa phương vững mạnh. Rèn luyện đào tạo cán bộ, chấn chỉnh cơ quan lãnh đạo phong trào. Xây dựng Đảng trong dân quân”.

Cuối năm 1951, Tiểu đoàn 48, bộ đội địa phương tỉnh được thành lập, gồm 749 người, biên chế thành 4 đại đội (C220, C210, C215, C79) và 1 trung đội trợ chiến. Mặc dù rất cố gắng nhưng bộ đội địa phương Tuyên Quang vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và mọi công tác bảo đảm trong việc tổ chức xây dựng và huấn luyện. Trước tình hình đó, Tỉnh đội Tuyên Quang đã chủ động củng cố mối quan hệ Quân - Dân - Chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm thực hiện phương châm chỉ đạo của Tỉnh ủy đề ra tại Hội nghị Đảng bộ lần thứ 5 là: “Biến nhân lực thành vật lực”, vận động nhân dân các dân tộc cày ruộng nuôi quân. Mỗi xã trồng giúp bộ đội địa phương một nương sắn, mỗi giới cứu quốc phụ trách một phần sản xuất đảm bảo thu hoạch số ruộng nuôi quân, v.v..

Cán bộ, nhân viên Bộ Kinh tế tăng gia sản xuất tại Làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) năm 1953.

Cán bộ, nhân viên Bộ Kinh tế tăng gia sản xuất tại Làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) năm 1953.

Qua một thời gian vận động, mỗi xã đã cấy được từ 2 đến 4 mẫu ruộng. Cuối năm 1950, tổng diện tích ruộng cấy lúa nuôi quân lên đến 700 mẫu và 300 mẫu sắn. Với số lương thực thu hoạch được, có thể bảo đảm nuôi 1.500 người trong 6 tháng. Huyện Sơn Dương là huyện tiêu biểu trong phong trào “cấy ruộng nuôi quân”, không những đã cung cấp đầy đủ lương thực cho đại đội bộ đội địa phương huyện, mà còn cung cấp đủ lương thực để nuôi được một trung đội bộ đội tỉnh. Cán bộ công nhân viên chức các cơ quan tỉnh đã tiết kiệm được gần 2.000 kg gạo. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chiêm Hóa đã lấy củi bán được gần 5.000 đồng để góp quỹ nuôi dưỡng bộ đội địa phương.

Tỉnh đội thành lập Ban cung cấp gồm các bộ phận: nông binh, mổ trâu, mổ bò, thuộc da, dệt chiếu se, nhuộm vải, may quần áo... cung cấp trang bị cho bộ đội.

Những khó khăn về kinh tế của bộ đội dần dần được giải quyết. Bộ đội địa phương Tuyên Quang thành lập thêm được 2 đại đội, bảo đảm đầy đủ trang bị, dụng cụ cấp dưỡng và các phụ phí sinh hoạt khác.

Sau khi ổn định tổ chức, bộ đội địa phương được phân tán xuống các xã trọng điểm để luyện tập phòng thủ và chi viện cho các tỉnh bạn. Đại đội 215 lập được nhiều thành tích trong việc phối hợp với quân và dân vùng tây nam Phú Thọ khi chống càn, được Ban chỉ huy chiến dịch khen thưởng.

Đến cuối năm 1953, tỉnh đã hoàn chỉnh việc biên chế lại lực lượng bộ đội địa phương theo quy định của Liên khu.

Cùng với vấn đề tổ chức biên chế, giải quyết về quân số, Tỉnh đội Tuyên Quang thường xuyên chú trọng củng cố chất lượng cho lực lượng bộ đội chủ lực tỉnh, huyện.

Thực hiện phương châm tác chiến của trên là “phát triển chiến tranh du kích lên cao độ”, lực lượng du kích được kiện toàn, tổ chức biên chế sắp xếp lại cho phù hợp khả năng và trình độ tác chiến trên từng địa bàn; cuối năm 1951, lực lượng này đã tăng 250%. Mỗi xã có 1 tiểu đội dân quân du kích, mỗi thôn, bản có từ 1 tổ đến 1 tiểu đội du kích. Nhờ sự giúp đỡ của bộ đội địa phương, các lực lượng dân quân du kích đã được huấn luyện cơ bản và được bồi dưỡng về cách đánh địa lôi, đánh mìn, bẫy lựu đạn và trinh sát.

Để có lực lượng bổ sung cho bộ đội chủ lực đạt chất lượng mà trên yêu cầu, Tỉnh đội Tuyên Quang mở trường huấn luyện tân binh mỗi khóa hai tháng. Nhưng do gặp khó khăn về lương thực và quần áo, nên sau đó, tỉnh đã thay đổi phương thức huấn luyện, căn cứ vào số dân quân du kích đã được chuẩn bị đi tòng quân của các xã để biên chế thành tiểu đội, trung đội dự bị. Mỗi huyện thành lập một đại đội dự bị, huấn luyện tại địa phương từ 7 đến 10 ngày, lương thực do cá nhân tự túc. Số anh em thuộc các đơn vị dự bị được chuẩn bị về mặt tư tưởng, được miễn trừ nghĩa vụ dân công, sẵn sàng nhập ngũ khi có lệnh. Nhờ vậy, Tuyên Quang luôn có quân số nhập ngũ vượt chỉ tiêu trên giao.

Thành tích mới nổi bật của dân quân du kích lúc đó là công tác phòng gian bảo mật, bảo vệ cầu đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1954, trong 5 huyện (trừ Nà Hang) có 1.734 đội viên du kích, trung bình mỗi xã có 1 tiểu đội biên chế 10 người. Việc động viên tòng quân, huấn luyện tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực có nhiều sáng tạo, kết quả tốt, điển hình là việc xây dựng các “Đại đội dự bị” - một hình thức bổ sung quân vừa nhanh, vừa tiết kiệm ngân sách. Năm 1952, tỉnh bổ sung cho quân đội được 525 người. Năm 1954, tuyển quân được 581 người, trong đó bổ sung cho lực lượng chính quy được 349 người.

Trường quân chính của tỉnh được thành lập, làm nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ xã đội, các trung đội và tiểu tổ, bổ sung cán bộ cho địa phương và các đơn vị. Mỗi khóa có từ 40 đến 60 học viên.

Sau khi có nghị quyết của Tổng Quân ủy (tháng 3-1953) về chỉnh huấn chính trị trong toàn quân, công tác phát triển và củng cố lực lượng vũ trang địa phương của Tuyên Quang được đẩy mạnh. Nhờ sự giúp đỡ và chỉ đạo của Liên khu Việt Bắc, từ tháng 7-1953, lực lượng vũ trang Tuyên Quang tiến hành chỉnh huấn chính trị. Tính đến tháng 1-1954, tổng số cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang địa phương tham gia chỉnh huấn chính trị là 326 đồng chí.

Tỉnh đội đã hoàn thành việc biên chế theo quy định của trên, bộ đội địa phương tỉnh gồm 1 tiểu đoàn (4 đại đội) và một trung đội trợ chiến. Các cơ sở dân quân, du kích cũng được sắp xếp lại với số lượng đông hơn trước. Mỗi xã thành lập một trung đội dân quân du kích, mỗi thôn, bản đều có một tổ hoặc một tiểu đội dân quân du kích vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ làng.

(Còn nữa)

Theo Địa chí Tuyên Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tuyen-quang-xay-dung-hau-phuong-chi-vien-tien-tuyen-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-1945-1954!-200340.html