Tuyển sinh 2020: Hút thí sinh bằng ngành học mới
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến ngày 31/12 các trường ĐH - CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh của mình. Hiện nay, tuy chưa đầy đủ thông tin tuyển sinh từ các trường, nhưng thống kê và phân tích sơ bộ từ những trường đã công bố, có thể thấy xu hướng tuyển sinh năm nay có sự thay đổi lớn.
Nâng cao chất lượng nguồn tuyển
Điều dễ nhận thấy trong xu hướng tuyển sinh năm nay của các trường ĐH phía Nam chính là việc thay đổi tỉ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả xét học bạ THPT.
Phần lớn các trường đã công bố phương án tuyển sinh 2020 đều giảm tỉ lệ xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT, tăng tỉ lệ xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, cũng như vẫn xem trọng phương thức xét tuyển bằng điểm thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Theo ThS Phùng Quán, Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH KHTN TPHCM, đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh các trường ĐH đã và đang hướng đến việc thực hiện chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo đầu ra và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.
Bên cạnh sự thay đổi ở các phương thức xét tuyển, xu hướng tuyển sinh năm nay dễ nhận thấy là các trường chú trọng hơn vào chất lượng đầu vào nguồn tuyển. Song song đó là việc mở thêm ngành học mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thời đại 4.0 nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh.
Năm nay, Trường ĐH KHTN TPHCM xét tuyển theo 5 phương án. Trong đó, dành khoảng 40% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia 2020; 40% xét tuyển kết quả thi từ bài thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức. Các phương thức lại chiếm chỉ 20%.
ThS Phùng Quán
Không chỉ các trường ĐH công lập dịch chuyển xu hướng tuyển sinh theo hướng tăng chất lượng đầu vào, nhiều trường ĐH NCL cũng đang đi theo xu hướng ấy. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay chỉ dành 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ (kèm điều kiện tổng điểm cả năm lớp 10,11 và ĐTB HK1 năm lớp 12 đạt từ 18 trở lên), gia tăng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM và xét tuyển học sinh giỏi, đạt giải quốc tế lên 15% chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM vẫn xem kết quả Kỳ thi THPT quốc gia là bài test kiểm tra đầu vào với tân sinh viên nhà trường khi dành đến 80% xét tuyển theo phương thức này. Đồng thời, tăng chỉ tiêu xét tuyển theo bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM lên 10% tổng chỉ tiêu.
ThS Trần Nam, Trưởng phòng Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) nhìn nhận: Việc các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức học bạ THPT, cũng như gia tăng kết quả xét dựa trên bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM không gì khác là nhằm đón đầu xu hướng tuyển sinh vào năm 2021.
Xây dựng nhóm ngành nghề đa dạng hơn
Điểm dễ nhận thấy trong xu thế chuyển dịch của các trường ĐH tại phía Nam trong mùa tuyển sinh 2020 là số lượng nhóm ngành nghề mới các trường dự kiến mở khá nhiều.
Trường ít thì 2 ngành, trường nhiều 6 ngành. Tất cả đều là những ngành mới, một số ít được tách ra từ nhóm chuyên ngành cũ. Nhưng điểm chung là những ngành này đều hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai như: Khoa học dữ liệu, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật phần mềm; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu…
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM năm học 2020 dự kiến tuyển sinh 4 ngành mới, với xu thế đón đầu nhu cầu nhân lực trong tương lai gồm: Quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, logistics và quản trị chuỗi cung ứng (thuộc khối ngành kinh doanh, quản lý, du lịch, khách sạn); khoa học dữ liệu trong kinh doanh (khối ngành khoa học).
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tuyển sinh thêm 4 ngành mới gồm: Kỹ thuật phần mềm; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; Quan hệ quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Điểm đáng chú ý là không ít ngành học mới các trường thực hiện các chính sách khuyến học, khuyến tài rất hấp dẫn nhằm thu hút thí sinh.
Đơn cử như ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, mùa tuyển sinh năm 2020 là năm thứ hai trường tiếp tục xét tuyển thí sinh có điểm cao vào ngành Robot và trí tuệ nhân tạo. Những thí sinh trúng tuyển sẽ tiếp tục được ưu đãi đặc biệt về học phí.
Cụ thể, thí sinh có điểm thi THPT quốc gia năm 2020 từ 23 điểm trở lên, được xét tuyển thẳng vào ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, được miễn học phí. “Nhà trường dành khoảng 100 triệu/em/năm chi phí cho học tập, thí nghiệm, thực hành. Nhưng đây còn là chương trình đào tạo nhân tài cho đất nước nên chúng tôi vẫn quyết tâm làm” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.
Nhìn nhận về xu hướng tuyển sinh của các trường năm 2020, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho rằng: Xu hướng tuyển sinh có dịch chuyển nhưng chưa nhiều. Đặc biệt, với bối cảnh tuyển sinh hiện nay, các trường địa phương sẽ tiếp tục gặp khó bởi các trường lớn, các trường tại TP đều gia tăng nhiều phương thức tuyển sinh.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh, thí sinh giờ rất thông minh, thực tế mà còn rất biết nương mình theo xu thế. Họ không chỉ chọn trường có danh tiếng, mà còn có xu hướng chọn xét tuyển vào các trường có hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế tốt, có chương trình liên thông theo chương trình 2+2, 3+1 liên kết với nước ngoài, hoặc các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh bên cạnh các chính sách ưu đãi học phí, học bổng.
“Các trường muốn tuyển sinh tốt, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất còn phải có các sân chơi học thuật và giải trí giúp cho sinh viên phát triển toàn diện các kỹ năng, hướng đến chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ GD&ĐT” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh nói.