Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra - Bài 4: Cần định hướng rõ sau bậc THCS

Đồng tình với việc trao quyền chủ động chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 THPT cho các địa phương, song PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, vấn đề không nằm ở việc công bố môn thi thứ 3 sớm hay muộn. Các bậc phụ huynh và học sinh cần vạch ra đường đi sắp tới của con em mình như thế nào.

Cùng đó, giữa trường THCS và trường THPT cần có sự kết nối thường xuyên, liên tục để học sinh có được định hướng rõ sau bậc THCS, nên chọn con đường nào và có đủ năng lực để đáp ứng nguyện vọng đó hay không.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

PV: Trong Dự thảo phương án thi vào lớp 10 THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang lấy ý kiến có một nội dung nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Đó là việc môn thi thứ 3 ngoài Toán và Ngữ văn là bắt buộc sẽ do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn trong số các môn còn lại thuộc Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Bà nhìn nhận thế nào về phương án này?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Trước hết, việc xây dựng phương án thi/ tuyển sinh vào lớp 10 phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng Chương trình GDPT 2018 với yêu cầu về mục tiêu của giáo dục THCS là đảm bảo giáo dục học sinh phát triển toàn diện, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Kỳ thi vào lớp 10 THPT ngoài mục tiêu tuyển sinh phải đảm bảo công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp một cách công bằng với các thí sinh có chung nguyện vọng học tiếp THPT. Với ý nghĩa đó, nếu các phương án xây dựng ra không đáp ứng được tiêu chí đó thì không phù hợp, sẽ khiến cho việc học tập ở THCS bị lệch theo.

Cùng đó, không thể nào dựa vào phương án bốc thăm môn thi thứ 3 (như dự kiến trước đó), bởi vì điều đó sẽ không mang lại tác động gì cho việc định hướng nghề nghiệp phân luồng sau THCS cũng như thúc đẩy việc học toàn diện.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Liên quan đến kỳ thi vào lớp 10, lâu nay Sở GDĐT TPHCM đã chủ động lựa chọn phương án thi 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Theo lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM, việc chủ động lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 xuất phát từ việc mỗi địa phương sẽ có chiến lược, định hướng phát triển giáo dục khác nhau, tùy vào điều kiện thực tế. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

- Cần phải nhìn nhận đề xuất này từ nhiều chiều. Áp lực thi đỗ lớp 10 THPT của học sinh ở mỗi một địa phương là khác nhau. Có những địa phương có rất nhiều học sinh có nhu cầu học tiếp lên THPT nhưng cũng có nơi, ngành giáo dục phải hỗ trợ để học sinh theo học được THPT. Ngay như tại Hà Nội hay ở TPHCM, sự phân luồng định hướng này tại mỗi địa bàn là khác nhau, áp lực tuyển sinh mang tính cục bộ. Vì vậy tùy từng địa phương có thể đề xuất phương án đặc thù để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của mình nhưng dù phương án đó là gì cũng phải hướng người học tới việc học tập suốt đời.

Cần có nghiên cứu dữ liệu cụ thể để khẳng định sự phù hợp của đề xuất đó với các địa phương khác. Do đó, trao quyền chủ động cho các địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quyết định phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý.

Có ý kiến đề xuất chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn để giảm áp lực cho học sinh trước một kỳ thi, thậm chí được đánh giá là căng thẳng hơn cả kỳ thi vào ĐH hiện nay. Điều này nên chăng, thưa bà?

- Với chương trình mới đòi hỏi phải đổi mới kỳ thi, không thể chỉ dựa trên phương thức thi cử truyền thống như trước vì sẽ ảnh hưởng đến việc phân loại và định hướng học toàn diện cho các học sinh. Tôi cho rằng nếu như các địa phương chưa thể thiết kế được bài thi vừa đảm bảo khả năng định hướng nghề nghiệp vừa đánh giá, phân loại được năng lực học sinh thì có thể sử dụng phương án tối giản này. Tuy nhiên, việc này liên quan đến quá trình học tập ở bậc THPT hoặc các em sẽ học nghề, học các khối ngành khác nhau, nên không thể chủ quan, nếu cố định phương án thi tuyển như vậy, sẽ dẫn đến tâm lý học lệch. Dù phương án thi 2 hay 3 môn thì các bài thi phải tôn trọng định hướng của Chương trình GDPT 2018 đó là đánh giá năng lực của học sinh chứ không phải chỉ dựa vào kiến thức. Điều này Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn, vấn đề là triển khai trong thực tế ra sao để đảm bảo yêu cầu đó, đặc biệt, giúp định hướng việc học tập tiếp theo của các học sinh ở bậc THPT.

Đổi mới thi cử không chỉ nằm ở phương án thi, môn thi mà về nội dung, cấu trúc bài thi cũng cần có những thay đổi để đảm bảo mục tiêu đánh giá năng lực của học sinh thay vì chỉ đánh giá kiến thức. Những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn, Toán của TPHCM trong tuyển sinh vào lớp 10 nhận được nhiều sự ủng hộ vì được xây dựng theo hướng này. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng kịp thời có những thay đổi này?

- Thực tế ngay khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GDĐT đã có quy định về yêu cầu cần đạt và tiêu chí phân hóa cho phù hợp với năng lực, điều kiện học tập của học sinh rồi. Về bản chất, đó vẫn là chuẩn mực của chương trình để các trường, các địa phương áp dụng vào. Cụ thể về xây dựng đề thi, đề kiểm tra đánh giá có phương pháp kỹ thuật riêng. Trong đó, chuẩn hóa đề thi vẫn là một thử thách bởi vì yêu cầu tính chuyên nghiệp cao. Ở đây không chỉ đơn giản là khâu ra đề thi mà phải là một bộ máy vận hành với các nghiệp vụ chuyên nghiệp mới làm ra được sự chuẩn hóa đó.

Muốn vậy, các Sở GDĐT phải được hỗ trợ, phải có được chiến lược giúp họ nâng cao năng lực của bộ phận đảm bảo chất lượng, khảo thí chứ không đơn giản chỉ là vấn đề nội dung câu hỏi, đề thi như thế nào.

Theo dự thảo Thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đang lấy ý kiến, môn thi thứ 3 vào lớp 10 sẽ được công bố trước ngày 31/3 hàng năm. Tuy nhiên, tâm lý phụ huynh và học sinh đều mong muốn công bố càng sớm càng tốt để học sinh có thêm thời gian học và ôn tập kỹ hơn cho môn học này. Bà có đồng tình?

- Tôi chia sẻ nỗi lo lắng của phụ huynh và học sinh trước một kỳ thi quan trọng nhưng phải nhìn nhận rõ, dù môn thi được công bố sớm hay muộn thì học sinh vẫn học tập bình thường ở trên lớp theo kế hoạch chương trình đã được quy định từ đầu năm để đảm bảo sự phát triển của các em. Và đề thi không thể vì thế mà gây ra ảnh hưởng học lệch. Hơn nữa, tỷ lệ đỗ vào lớp 10 THPT công lập của các địa phương dù theo phương án thi nào cũng đã được xác định không thay đổi. Khi phân luồng đã là một trong những tiêu chí cố định của kỳ thi thì phương án thi nào cũng khó có thể làm hài lòng được tất cả các phụ huynh. Nhưng dù có học tiếp bậc THPT hay rẽ hướng sang học nghề thì trong quá trình học và thi, các em đều phải được đối xử công bằng để phát triển năng lực của bản thân.

Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề không nằm ở việc công bố môn thi thứ 3 sớm hay muộn là các bậc phụ huynh và học sinh cần vạch ra đường đi sắp tới của con mình như thế nào. Ngay cả những học sinh sẽ tiếp tục học lên bậc THPT thì cũng cần được định hướng tốt để chọn trường, chọn môn học và nghề nghiệp phù hợp sau này. Giữa trường THCS và THPT cần có sự kết nối thường xuyên, liên tục để học sinh có được định hướng rõ sau THCS nên chọn con đường nào và có đủ năng lực để đáp ứng nguyện vọng đó hay không. Đó là điều ngành giáo dục và truyền thông cần tập trung tuyên truyền thay vì chúng ta cứ chạy theo áp lực của dư luận phải công bố sớm trong khi chưa nghiên cứu, lấy ý kiến sâu rộng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đang đề nghị bổ sung lựa chọn nguyện vọng 4 là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bên cạnh 3 nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 trong hệ thống tuyển sinh do ngành giáo dục vận hành. Điều này có hợp lý không, thưa bà?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này và cho rằng câu chuyện nên được khuyến khích trong điều kiện các đơn vị như Bộ GDĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… có thể phối kết hợp với nhau. Còn hiện nay, các trường nghề đang phụ thuộc vào đơn vị chủ quản của mình rất đa dạng, chứ không phải trường nghề nào cũng thuộc Sở GDĐT tạo của một địa phương. Vì vậy, sáng kiến này rất thiết thực. Tuy nhiên, để thực hiện hữu ích thì phải cẩn trọng tính toán để đảm bảo được sự phối hợp giữa các bên liên quan, tránh gây ra những khó khăn về quản lý.

Trân trọng cảm ơn bà!

(Còn nữa)

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-lop-10-dam-bao-dau-vao-va-nang-chat-dau-ra-bai-4-can-dinh-huong-ro-sau-bac-thcs-10292957.html