Tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Trường công lập không phải là cánh cửa duy nhất
Sở GD&ĐT đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018 của 106 trường THPT công lập ở Hà Nội.
Trong số hơn 76.000 thí sinh dự thi năm nay, chỉ gần 51.000 em có cơ hội học trường công, do đó, để không mất cơ hội trúng tuyển, phụ huynh và thí sinh cần lưu ý thời hạn, thủ tục nộp hồ sơ cũng như quyền được rút hồ sơ nếu có trường hạ điểm chuẩn.
Lưu ý thời điểm nộp hồ sơ
Năm nay điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường khá cao, thậm chí điểm vào một số trường còn nhỉnh hơn so với năm trước. Cụ thể, các trường top đầu như THPT Chu Văn An có điểm chuẩn cao nhất là 55,5 điểm (năm trước 55 điểm); THPT Kim Liên 53 điểm (năm trước 52,5); THPT Yên Hòa 52,5 điểm (năm trước 51 điểm); THPT Việt Đức 52 điểm. Các trường THPT có mức điểm chuẩn từ 50 - 51,5 khá nhiều và đa số nằm ở các quận nội thành: THPT Phan Đình Phùng (51,5 điểm); THPT Nhân Chính, THPT Trần Phú, THPT Lê Quý Đôn (51 điểm)... Các trường có mức điểm chuẩn thấp trong danh sách đều ở ngoại thành: THPT Bất Bạt (23 điểm), THPT Lưu Hoàng, Đại Cường, Minh Quang (22 điểm)...
Sau khi công bố điểm, từ ngày 27 - 29/6, các trường THPT công lập bắt đầu nhận hồ sơ trúng tuyển của học sinh (HS). Thời điểm này, phụ huynh, HS lưu ý, bám sát thông tin trường hạ điểm chuẩn để có quyết định chọn trường phù hợp. Như năm 2016, Hà Nội đã duyệt điểm chuẩn đợt 2 với danh sách 40 trường THPT công lập hạ điểm chuẩn, trong đó có nhiều trường thuộc tốp đầu như Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Yên Hòa… Do vậy, HS, phụ huynh HS cần lưu ý, thời hạn nộp hồ sơ trúng tuyển vào các trường chỉ kéo dài 3 ngày (các trường chuyên nhận hồ sơ trúng tuyển từ 26 - 28/6, trường không chuyên nhận hồ sơ từ 27 - 29/6).
Cảnh giác với tuyển sinh “chui”
Chỉ có khoảng 70% trong số hơn 76.000 HS dự thi vào lớp 10 được học trường công, vậy 30% HS còn lại sẽ học tập ở đâu là câu hỏi khá hóc búa khiến phụ huynh đau đầu. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, việc lựa chọn vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất.
Hiện, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với dạy nghề, nhiều trung tâm trong số này đang được HS lựa chọn, đặc biệt là huyện ngoại thành do mô hình hoạt động dạy và học ở đây phù hợp với mục tiêu của HS cũng như nhu cầu thị trường lao động. “HS cũng học 3 năm, nhưng chỉ học 7 môn văn hóa thay vì 11 môn như ở trường THPT. Bên cạnh đó, các trung tâm này sẽ kết hợp việc dạy nghề cho HS với các trường trung cấp chuyên nghiệp. Kết thúc 3 năm học, HS thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT như theo học chương trình phổ thông bình thường, đồng thời có thêm bằng học nghề” - ông Minh cho biết.
Và bên cạnh các trường nghề, còn khá nhiều trường ngoài công lập để phụ huynh lựa chọn. Theo quy định của Sở GD&ĐT, các trường ngoài công lập nhận hồ sơ trúng tuyển từ 26/6 - 2/7. Tuy nhiên, nếu lựa chọn các trường ngoài công lập, phụ huynh và HS cần chú ý để không rơi vào trường hợp tuyển sinh “chui” hoặc tuyển sinh không đúng quy định (tuyển sinh không đúng thời hạn, tuyển sinh bằng các tiêu chí tự đặt ra). Bởi ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT khẳng định, những trường ngoài công lập vi phạm trong tuyển sinh đều không được công nhận.
“Với khối ngoài công lập, phụ huynh, HS nên cân nhắc kỹ, chọn những trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh và có địa chỉ cụ thể. Phụ huynh, HS cần căn cứ vào tài liệu chính thức của Sở GD&ĐT để lựa chọn những trường hoạt động đúng quy định, được cấp phép” - ông Chất lưu ý. Cụ thể chỉ tiêu các trường ngoài công lập được tuyển sinh năm nay đã được công bố công khai trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2017 - 2018”. Trong đó, có một số trường ngoài công lập không được giao chỉ tiêu tuyển sinh vì không đảm bảo các yêu cầu về quy mô, chất lượng đào tạo.
HS trúng tuyển lớp 10 đã nộp hồ sơ vào trường THPT (công lập hoặc ngoài công lập), trung tâm giáo dục thường xuyên, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, nhà trường phải tạo điều kiện để HS rút hồ sơ. Trường hợp HS có nguyện vọng chuyển trường sang tỉnh, TP khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường nhưng không được xóa tên HS trong danh sách trúng tuyển, còn các trường hợp khác phải xóa tên HS trong danh sách trúng tuyển.
Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục