Tuyên truyền bền bỉ và xử lý mạnh tay với ô nhiễm tiếng ồn

Đó là chỉ đạo của Đại tá Lê Ngọc Hai - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng đối với Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) và CA các quận huyện tại hội nghị sơ kết cao điểm ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn trên địa bàn Đà Nẵng vào ngày 26-12. Đại tá Lê Ngọc Hai cho rằng, những kết quả ban đầu của lực lượng đã góp phần để cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn, nhưng một bộ phận cơ sở sẽ tìm cách đối phó, né tránh, thậm chí là chống đối... Với nhiệm vụ được giao, lực lượng CA phải tăng cường công tác tuyên truyền và nắm vững luật để xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm.

Đại tá Lê Ngọc Hai tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cao điểm ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn.

Đại tá Lê Ngọc Hai tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 1 cá nhân có thành tích xuất sắc trong cao điểm ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn.

Phê bình lãnh đạo Công an các phường xã không dự hội nghị

Tại hội nghị, Đại tá Lê Ngọc Hai nghiêm khắc phê bình lãnh đạo CA các địa phương vắng mặt không có lý do. Đại tá Hai cho rằng đây là một trong những biểu hiện của việc thiếu quan tâm đối với nhiệm vụ mà Giám đốc CATP đang quyết liệt thực hiện. “Đừng nghĩ đấy là hội nghị đơn giản. Đây chính là hoạt động trong công tác phòng ngừa tội phạm. Vì tiếng ồn và sinh ra mâu thuẫn, ảnh hưởng đến ANTT, vì tiếng ồn mà đời sống người dân bị ảnh hưởng. Không quan tâm đến công tác triển khai, sơ kết, rút kinh nghiệm thì làm sao để tuyên truyền, phòng ngừa, xử lý. Lãnh đạo CA địa phương nào vắng mặt hôm nay, hoặc để người dân bức xúc vì tiếng ồn mà không xử lý được phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc”, Đại tá Lê Ngọc Hai quán triệt.

Kết quả ban đầu khiến người dân phấn khởi

Theo Thượng tá Phan Xong- Phó trưởng phòng CSMT CATP Đà Nẵng, sau gần 5 tháng triển khai mệnh lệnh của Giám đốc CATP, lực lượng đã tiến hành rà soát, lập danh sách 813 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm và tổ chức cho 787/813 tổ chức, cá nhân viết cam kết không vi phạm pháp luật về tiếng ồn. Sau thời gian này, lực lượng nghiệp vụ của Phòng và CA các quận, huyện đã huy động người, phương tiện đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Qua đó đã kiểm tra, nhắc nhở 816 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử lý 40 vụ/ 40 đối tượng, phạt tổng số tiền 326,6 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở là “Hoạt động quá giờ quy định” (NĐ 158/2013/NĐ-CP), “Vi phạm các quy định về tiếng ồn” (NĐ 155/2016/NĐ-CP) và “Vi phạm các quy định về sự yên tĩnh chung” (NĐ167/2013/NĐ-CP). Chính vì vậy, tình hình ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn Đà Nẵng đã được cải thiện. Đặc biệt tình trạng các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke, quán bar, pub, karaoke gia đình mở nhạc lớn, sử dụng loa kéo bán dạo đã được hạn chế, khắc phục. Nhận thức pháp luật về tiếng ồn của các cá nhân, tổ chức, nhân dân được nâng cao và tự giác chấp hành... đã góp phần lập trật tự trên địa bàn TP, được chính quyền và nhân dân thành phố ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng theo Thượng tá Xong, tình trạng các nhà hàng, quán nhậu, cửa hàng kinh doanh sử dụng loa công suất lớn để mở nhạc hay quảng cáo, các cá nhân sử dụng loa kéo di động để bán dạo vẫn còn nhiều hình thức vi phạm. Đáng chú ý vẫn còn tình trạng một số quán karaoke, quán bar, pub hoạt động quá giờ, dùng loa công suất lớn mở nhạc... trong khi lực lượng CSMT hạn chế về nhân lực, phương tiện khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tiếng ồn chưa thường xuyên, chưa thực sự sâu rộng nên chưa tác động mạnh vào nhận thức của người dân nên việc chấp hành chưa mang tính tự giác.

Theo phản ánh của CA các địa phương, do hạn chế về phương tiện, con người nên việc thu thập chứng cứ bằng những con số định lượng để xử lý các trường hợp vi phạm là rất khó khăn. Các nhà hàng, quán nhậu thường lấy lý do kinh doanh, phát triển kinh tế hoặc bao biện kiểu “chỗ kia làm được thì chỗ tôi cũng làm được”, các cơ sở nằm cạnh nhau thì không thể rạch ròi âm lượng gây tiếng ồn quá mức là do từ đâu phát ra. Vấn nạn dùng loa kéo để hát karaoke trong khu dân cư, các hộ gia đình vẫn luôn là nỗi bức xúc của người dân nhưng có xử lý thì hầu hết cũng ở mức độ nhắc nhở. Nhiều trường hợp bị tịch thu loa máy thì bỏ luôn, hôm sau lại sắm loa khác...

CSMT và lực lượng chuyên môn của Sở TN-MT thực hiện đo âm lượng của một quán cà-phê nhạc sống trong khu dân cư.

CSMT và lực lượng chuyên môn của Sở TN-MT thực hiện đo âm lượng của một quán cà-phê nhạc sống trong khu dân cư.

Còn nhiều bức xúc

Đại tá Lê Ngọc Hai cho rằng, những kết quả mà lực lượng CSMT đạt được trong quá trình thực hiện Kế hoạch chuyên đề của Giám đốc CATP là rất tích cực và được nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, so với những bức xúc hàng ngày của người dân thì đây vẫn còn là thành quả khiêm tốn, thậm chí ngay cả những trường hợp đã xử lý vẫn có thể tìm cách tái phạm vì mục đích kinh doanh. Hàng ngày, tại các diễn đàn, trên mạng xã hội, người dân vẫn liên tục phản ánh cuộc sống bị ảnh hưởng vì tiếng ồn. Bên cạnh đó, với một TP du lịch như Đà Nẵng, việc mọc lên các loại hình giải trí như vũ trường, bar, pub là một tất yếu.

Cái vướng là sự mập mờ ranh giới giữa các loại hình này sẽ khiến việc vận dụng quy định của pháp luật để xử lý khi có vi phạm khó khăn hơn. Chính vì vậy việc nắm vững các kiến thức chuyên môn, hiểu rõ bản chất các cơ sở kinh doanh là yêu cầu bắt buộc của lực lượng làm nhiệm vụ. “Xử lý tiếng ồn không phải đơn giản. Muốn cơ sở tâm phục khẩu phục thì phải có quá trình trinh sát, có con số, hình ảnh cụ thể. Đến khi xử lý người ta còn tìm cách để trốn tránh, đối phó với mình. Vì vậy mình phải nghiên cứu kỹ về luật, quy định. Khi tuyên truyền thì không chỉ là cơ sở phát ra âm thanh mà cần cả sự cộng tác của người dân. Nhận thức có tốt thì hành động mới đúng. Đến giai đoạn lập biên bản xử lý thì phải đủ thuyết phục, đủ cương quyết”, Đại tá Lê Ngọc Hai nhấn mạnh.

Về lý do “thúc đẩy phát triển kinh tế đêm”, Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng khẳng định các cơ quan quản lý Nhà nước tất nhiên là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm. Dĩ nhiên đó là những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ các quy định của pháp luật. Còn doanh nghiệp cố tình tìm mọi cách để vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm, cố tình tái phạm thì lập hồ sơ đề nghị rút giấy phép kinh doanh. Không thể lấy lý do vì phát triển kinh tế để bao biện cho các hành vi cố tình vi phạm pháp luật được. Vì phát triển kinh tế là quan trọng nhưng bảo vệ cuộc sống của người dân là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng CA.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_218209_tuyen-truyen-ben-bi-va-xu-ly-manh-tay-voi-o-nhiem-.aspx