Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 đến tận nương, rẫy

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều phương pháp tuyên truyền hiệu quả đến bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách triệt để. Trong đó, việc tuyên truyền bằng loa di động đến từng người dân đang là mô hình, bảo đảm công tác phòng, chống dịch được sâu rộng, thông suốt.

Loa di động của Bộ đội Biên phòng Kon Tum đến từng ngóc ngách của từng thôn, từng làng để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Loa di động của Bộ đội Biên phòng Kon Tum đến từng ngóc ngách của từng thôn, từng làng để tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

NDĐT - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều phương pháp tuyên truyền hiệu quả đến bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách triệt để. Trong đó, việc tuyên truyền bằng loa di động đến từng người dân đang là mô hình, bảo đảm công tác phòng, chống dịch được sâu rộng, thông suốt.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Vượt gần 120 km đường đi khó khăn, hiểm trở, chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum trong cao điểm dịch Covid-19. Đại úy Cao Anh Quốc, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Đăk Long, cho biết: Đồn Biên phòng Đăk Long quản lý 10 cột mốc với 27,1 km đường biên giới tiếp giáp với bản Xản-xay, tỉnh Attapư, Lào. Để ngăn chặn, phòng, chống dịch Covid-19 không lây lan, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Long chủ động phối hợp chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, để bà con nhân dân nâng cao ý thức, nhận thức phòng dịch. Chúng tôi thường xuyên trao đổi công tác hằng ngày, hằng tuần giữa Ban Chỉ huy Đồn với lãnh đạo chính quyền xã, phối hợp phương án xử lý. Trước đặc thù xã Đăk Long là địa bàn biên giới, có cửa khẩu phụ Đăk Long - Văn Tắc, chúng tôi tham mưu cho chính quyền địa phương tuyệt đối không để bà con tự ý vượt biên sang Lào trong thời điểm này. Tuyên truyền để bà con tạm dừng các hoạt động thăm người thân nhất là những mối quan hệ thân tộc giữa bà con nhân dân xã Đăk Long với nước bạn đối diện. Bên cạnh đó phối hợp giữa xã và Đồn Biên phòng tại các chốt cũng đã thực hiện một cách quyết liệt trong việc ngăn chặn bà con vượt biên sang Lào làm ăn trái phép.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đồn Biên phòng Đăk Long và chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân công tác phòng, chống dịch tại các khu vực tập trung, các buổi sinh hoạt thôn tại nhà rông. Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng về cách ly xã hội thì Đồn Biên phòng Đăk Long đã thay đổi phương pháp chuyển sang tuyên truyền nhỏ, lẻ nhằm giúp người dân hiểu được vấn đề từ đó tự nhận thức, tự phòng bệnh cho mình và phòng bệnh cho người nhà trong gia đình mình. Thói quen, tập quán từ xa xưa của người dân vùng sâu, vùng xa là hay sinh hoạt tập trung, nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy người dân đã hiểu được nguyên nhân của việc lây lan dịch bệnh qua tiếp xúc và tiếp xúc gần nên bà con tự giác mang khẩu trang, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc, hạn chế tập trung đông người.

Người dân dừng việc nương rẫy để lắng nghe cách phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân dừng việc nương rẫy để lắng nghe cách phòng, chống dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, đồng chí A Thai, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, cho biết: "Ngay từ đầu, chúng tôi xác định dịch Covid-19 rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Chúng tôi tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, rồi đi từng nhà, gõ từng cửa để người dân tiếp cận thông tin, để biết phòng tránh dịch bệnh cao nhất ở mọi gia đình, ở mọi người trong địa bàn xã. Lúc đầu có khó khăn, nhưng về sau bà con tiếp cận nhiều thông tin của từ hệ thống chính trị của xã, đặc biệt là từ Đồn Biên phòng nên bà con trên địa bàn nhận thức đầy đủ về căn bệnh nguy hiểm này. Chúng tôi tuyên truyền bằng hai mô hình. Thứ nhất, chúng tôi tăng tầng suất phát loa truyền thanh không dây. Thứ hai, chúng tôi phối hợp nhịp nhàng với Đồn Biên phòng mang loa di động đi từng thôn, làng, ngõ ngách để bà con tiếp cận được thông tin. Chính mô hình dùng loa đi tận nơi làm cho bà con dễ tiếp cận hơn, dễ nắm được thông tin kịp thời và chính xác hơn, chính vì thế bà con nêu cao được tinh thần, trách nhiệm đối bản thân, gia đình và cộng đồng".

Tuyên truyền đến tận nương rẫy

Thượng tá Nguyễn Văn Ngự, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long, huyện Đăk Glei, cho biết: Với quan điểm là phòng, chống, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn, trong thời gian qua cấp ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Long đã phối hợp Đảng ủy, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nắm được tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch. Chúng tôi sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như tuyên truyền qua hệ thông loa truyền thanh của xã, hệ thống loa truyền thanh của Đồn, tuyên truyền tại các tổ chốt… Qua triển khai thực tế, chúng tôi nhận thấy tuyên truyền bằng loa truyền thanh của xã thì tương đối ổn định và rộng khắp trong toàn xã, nhưng chưa phát huy sức mạnh vai trò của nó bằng loa kéo tay. Chúng tôi đã sử dụng loa kéo tay có gắn USB, với nội dung tuyên truyền được cơ quan cấp trên cung cấp bằng hai thứ tiếng Việt và Dẻ Triêng, để tuyên truyền thường xuyên tới từng nhà, tới từng ngõ, thậm chí lên từng khu rẫy bà con đang sản xuất. Loa kéo tay luôn gây được sự chú ý của người dân. Mặc dù người dân đang làm bất cứ việc gì, nhưng khi thấy có xe loa đến đều tập trung lắng nghe. Qua tuyên truyền như vậy thì bà con nhận thức được rất là tốt, nhận biết được cách phòng, chống dịch. Đặc biệt nơi thờ tự tôn giáo đã dừng các hoạt động tập trung cầu nguyện, đọc kinh.

Bộ đội Biên phòng Đồn Đăk Long kết hợp việc tuyên truyền bằng loa di động với việc phát khẩu trang, xà phòng đến bà con vùng biên giới để phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ đội Biên phòng Đồn Đăk Long kết hợp việc tuyên truyền bằng loa di động với việc phát khẩu trang, xà phòng đến bà con vùng biên giới để phòng, chống dịch Covid-19.

Là một trong những người đầu tiên tham gia Tổ tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của xã Đăk Long, chị Y Chơm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Đăk Long, cho biết: Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không tụ tập đông người, chính quyền địa phương đã phối hợp Đồn Biên phòng mang loa đài "đi từng ngõ, gõ từng nhà", đi cả buổi sáng lẫn buổi chiều, tuyên truyền nhắc nhở bà con khi đi ra đường phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, không tụ tập đông người, cách ly nhà với nhà, thôn với thôn, xã với xã. Các quán cà-phê, quán ăn đều thực hiện rất tốt theo sự hướng dẫn của địa phương. Phương pháp tuyên truyền trên trong thời gian qua rất hiệu quả, bà con rất dễ hiểu từ đó tự giác chấp hành nghiêm.

Có thể thấy vai trò của loa di động đang phát huy hiệu quả rất cao trong công tác tuyên truyền tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bà con nghe và tiếp thu rất là dễ. Thông tin được phát cả bằng tiếng Việt và tiếng Dẻ Triêng với những nội dung chắt lọc, cô đọng về tác hại của dịch bệnh và cách thức phòng, chống. Đơn giản như hiện nay, 10 bước chân bà con cần thực hiện thì bà con nghe rất ngắn gọn nhưng dễ hiểu, từ đó bà con tiếp thu rất là nhanh, hiệu quả. Một người tiếp thu được thì họ sẽ khuyên người trong gia đình, người này khuyên người kia thì việc phòng, chống dịch Covid-19 được lan truyền nhanh, rộng.

Ông A Viết, làng Bêng Bloong, xã Đăk Long, chia sẻ: Nhờ Đồn Biên phòng hằng ngày dùng loa tuyên truyền cho dân hiểu biết sự nguy hiểm của dịch Covid-19. Loa tuyên truyền rất hay, gây sự chú ý, tập trung của bà con, từ đó bà con đã biết cách phòng, chống Covid-19 bằng cách không tụ tập đông người, đi ra đường đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc.

Thượng tá Phạm Văn Lâm, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum, cho biết: Cùng với việc triển khai 58 tổ, chốt ngăn chặn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên biên giới, Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo cơ quan chính trị triển khai cho các đội, tổ tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng tỉnh và các Đồn Biên phòng chuẩn bị nội dung, xây dựng kịch bản, thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền. Cụ thể là thông qua hệ thống pa-nô, áp-phích, tranh ảnh, băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan; xây dựng các băng video, clip ca nhạc có lồng ghép những hình ảnh về phòng, chống Covid-19. Đồng thời thành lập 1 đội, 13 tổ trên 13 xã biên giới tuyên truyền được hơn 1.092 lượt từ ngày 28-3 bằng hệ thống loa di động, đến từng ngõ, gặp từng nhà, từng người để giúp cho bà con nhận thức, hướng dẫn cho bà con cách thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả nhất, sát thực nhất. Đồng thời, hỗ trợ, cấp phát khẩu trang, một số thiết bị y tế để bà con phòng, chống dịch hiệu quả nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả trên, dịch Covid-19 sẽ không xâm nhập được vào địa bàn tỉnh Kon Tum.

PHÚC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44158702-tuyen-truyen-phong-chong-dich-covid-19-den-tan-nuong-ray.html