Tuyên truyền sâu rộng, gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện

Năm 2022, những tác động của hậu COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và kinh tế của người dân. Cùng với đó là từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tăng thêm đã tác động khá nhiều đến số lượng người tham gia mới cũng như đối tượng tái tục trên địa bàn. Trước thực tế đó, ngành BHXH đã linh hoạt các biện pháp tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện vững chắc trên địa bàn.

Tuyên truyền lưu động về các chính sách bảo hiểm.

Tuyên truyền lưu động về các chính sách bảo hiểm.

Chị Trần Thị Mai, xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư) là lao động tự do, buôn bán tạp hóa tại nhà. Thu nhập không cố định, mỗi tháng chắt chiu lắm cũng chỉ được 5-6 triệu đồng. Chồng làm nghề thợ xây, thu nhập cao hơn một chút, mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Gia đình 4 người, gồm 2 vợ chồng, thêm 2 con ăn học, rồi đối nội đối ngoại..., tháng nào chi cho tháng ấy cơ bản không còn dư giả. Nhưng chị Mai có suy nghĩ, chồng thì đi làm cho công ty xây dựng, được đóng BHXH, về già còn có chế độ để đảm bảo cuộc sống. Còn bản thân mình, sau này không thể lao động được, lấy gì lo cho bản thân, trông chờ vào con cái thì không ổn... Do đó hơn 4 năm nay, chị Mai trích số tiền mỗi tháng hơn 300 nghìn đồng trong tổng thu nhập của bản thân mình để tham gia BHXH tự nguyện.

"Phương thức đóng BHXH tự nguyện hiện nay cũng linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia. Nếu có tiền dư dả thì đóng theo năm, theo quý, theo tháng... nhưng cái chính là tôi thấy yên tâm và tự tin hơn hẳn cho tương lai về già. Bởi dù sao mình cũng có mức lương hưu tối thiểu lo cho cuộc sống riêng, rồi được chăm sóc sức khỏe bằng thẻ BHYT miễn phí", chị Mai chia sẻ.

Làm nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT của Bưu điện huyện Hoa Lư được hơn 6 năm, chị Ngô Thị Thảo, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Ninh Xuân cho biết, việc tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của người dân để họ tin tưởng, tham gia BHXH tự nguyện không dễ. Bởi đối tượng này là những lao động làm nghề tự do, làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, nên khi tham gia BHXH tự nguyện, họ thường rất lăn tăn, tìm hiểu kỹ càng, nhưng lại hay bị chi phối bởi các quyền lợi trước mắt của các loại hình bảo hiểm thương mại đang có nhiều trên thị trường.

"Tôi hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn của từng người, bởi hầu như họ là người quen, cùng làng cùng xã, có người là anh em họ hàng với tôi... Tôi nắm bắt rõ từng trường hợp, hoàn cảnh gia đình của từng đối tượng, làm nghề gì, mức thu nhập khoảng bao nhiều...., để tư vấn, tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, tôi nắm bắt cụ thể, nhanh chóng những thay đổi của các chính sách bảo hiểm để khi đến các hộ dân tuyên truyền, phân tích, giúp họ nắm được những quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện hiện nay và sau này. Đến nay, tôi đã tuyên truyền và có trên 100 lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện..." - chị Thảo cho biết thêm.

Tuyên truyền về BHXH tự nguyện cho lao động tự do.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh có 142.112 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 92,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; có 16.663 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 62% kế hoạch giao. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân số người tham gia và số thu BHXH tự nguyện đạt chậm là do tác động của việc tăng mức chuẩn nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ đã làm ảnh hưởng lớn đến việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, đã có trên 1 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo đã dừng tham gia, nhưng chưa tham gia lại vì số tiền phải đóng tăng lên gấp đôi, đối tượng chưa có nguồn thu nhập bổ sung để tham gia tái tục.

Thời gian qua, ngành BHXH tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị trong ngành giao chỉ tiêu khai thác người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến từng điểm thu, từng nhân viên thu, đồng thời theo dõi đôn đốc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu khai thác. Chỉ đạo BHXH huyện, thành phố phối hợp với Tổ dịch vụ thu, UBND xã, phương, thị trấn tổ chức các hội nghị khách hàng, hội nghị tuyên truyền, phố biến chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người chưa tham gia BHXH, BHYT để các đối tượng hiểu rõ mục đích và ý nghĩa, từ đó tích cực và tự nguyện tham gia.

BHXH tỉnh cũng đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã và giao chỉ tiêu người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho từng xã, phường, thị trấn. Tính đến hết tháng 8/2022, có 143/143, đạt 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập BCĐ và ban hành quy chế hoạt động.

Bà Đàm Thị Nhàn, Phó Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, BHXH tỉnh cho biết: Hiện nay, mức đóng thấp nhất với người thuộc hộ nghèo là 231.000 đồng/người/tháng; người thuộc hộ cận nghèo là 247.500 đồng/người/tháng; người thuộc hộ khác còn lại là 297.000 đồng/người/tháng. Như vậy, người thuộc hộ nghèo chỉ phải bỏ ra 7.700 đồng/người/ngày; người thuộc hộ cần nghèo chỉ phải bỏ ra 8.250 đồng/người/ngày và người thuộc hộ khác chỉ phải bỏ ra 9.900 đồng (chưa đến 10 nghìn đồng/ngày) là người dân đã có thể tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân mình, sau này được hưởng chế độ hưu trí và các chế độ BHXH khác.

Trong khi, người dân có nhiều quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện như: Được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ điều kiện; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu; lương hưu được điều chỉnh theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tham gia; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Đồng thời, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và trợ cấp tuất khi người tham gia qua đời. Trong trường hợp không tiếp tục tham gia, nếu đủ điều kiện và có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần tính theo số năm đã đóng BHXH.

Như vậy, BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lực chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. BHXH tự nguyện được ví như "của để dành" cho người lao động tự do. Do đó, mỗi người dân là lao động tự do, làm nông nghiệp, trong độ tuổi lao động, nên tham gia BHXH tự nguyện để có thể chủ động cho cuộc sống sau này của mình và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tuyen-truyen-sau-rong-gia-tang-nguoi-tham-gia-bhxh-tu/d20221216144831535.htm