Tỷ giá hạ nhiệt, giảm 30 - 40 đồng/USD từ đỉnh
Chỉ số DXY rơi nhanh giúp hạ nhiệt đáng kể áp lực từ bên ngoài lên tỷ giá. Trong ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng hút tiền trở lại thông qua đấu thầu trên thị trường mở, dù giá trị chào bán tín phiếu NHNN khiêm tốn.
Chiều ngày 4/4, tỷ giá USD đồng loạt đảo chiều tại các ngân hàng, với mức giảm 30-40 đồng/USD từ đỉnh. Tại Vietcombank, phần lớn thời gian giao dịch, tỷ giá USD bán ra được yết ở mức 25.140 đồng/USD nhưng đã hạ nhiệt đáng kể ở nửa cuối phiên chiều. Tỷ giá USD tại nhà băng này đóng cửa hôm nay ở mức 24.740 VND/USD (mua vào) và 25.110 VND/USD (bán ra), giảm 30 VND/USD từ đỉnh. Tỷ giá tại Vietinbank cũng giảm về còn 24.700 VND/USD (mua vào) và 25.120 VND/USD (bán ra).
Tỷ giá thấp hơn đáng kể ở nhóm các ngân hàng có vốn tư nhân. Tại Eximbank, tỷ giá bán ra giảm còn 25.090 VND/USD, giảm tới 40 đồng so với cuối buổi sáng.
Áp lực USD mạnh vơi bớt phần nào cũng góp phần cho nhịp điều chỉnh của tỷ giá. Chỉ số US Dollar Index đo sức mạnh của đồng bạc xanh đã hạ nhiệt đáng kể, về còn 104,06 điểm. Một phần nhờ đồng EUR hồi phục sau khi rơi xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Hiện mỗi EUR đổi được 1,08 USD. Tỷ giá EUR/VND cũng ghi nhận biến động đáng chú ý trong tuần này. Cuộc họp quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào thứ Năm tuần sau đang được giới đầu tư chờ đợi, nhất là khi số liệu mới đây cho thấy lạm phát tại Eurozone giảm sâu hơn dự báo nhờ xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và đồ uống tiếp tục chững lại.
Đồng nội tệ của Việt Nam vẫn mất giá ít hơn đồng tiền của nhiều nước khác. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,4%; đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật cũng đã giảm giá 7,52%...
Một điểm tích cực khác có thể hỗ trợ cho sức mạnh của đồng nội tệ trong nhịp tăng mạnh mẽ của tỷ giá thời gian gần đây là các biện pháp từ cơ quan quản lý. Tại họp báo Chính phủ chiều 3/4, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói cơ quan này có đủ công cụ điều hành để ổn định thị trường ngoại hối.
"Tỷ giá là chỉ dấu điều hành kinh tế vĩ mô quan trọng, ảnh hưởng tới sức mua đồng tiền Việt Nam, các chính sách kinh tế khác. Vì thế, NHNN xác định sẽ điều hành linh hoạt, đảm bảo tỷ giá lên xuống phù hợp", Phó Thống đốc cho hay.
Ngoài các công cụ điều chỉnh tỷ giá bằng chính sách tiền tệ, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào, tới cuối 2023 khoảng 100 tỷ USD. Trường hợp cần thiết, Phó thống đốc cho biết cơ quan này sẽ can thiệp để ổn định.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ty-gia-ha-nhiet-giam-30---40-dongusd-tu-dinh-d212362.html