Tỷ giá lại 'nổi sóng', áp lực có kéo dài?

Tỷ giá đang chịu tác động kép từ thế giới lẫn trong nước. Chuyên gia dự báo 'sóng' tỷ giá có thể duy trì trong tháng 10 và 11, sang tháng 12 sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, việc tỷ giá chỉ tăng 3% trong năm như kế hoạch đề ra xem ra sẽ khó đạt được.

Đồng USD "nổi sóng" trở lại sau thời gian "êm đềm" từ tháng 8 và 9. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng 1.030 đồng, tương đương mất giá 4,2%, gần mức hồi tháng 5.

Tỷ giá “nổi sóng” trong tháng 10

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, diễn biến tỷ giá rất khó lường khiến nhà điều hành chịu sức ép rất lớn để giữ được điểm cân bằng tỷ giá, lãi suất. Điển hình là vào tháng 5, VND đã mất giá hơn 5% so với USD, có lúc lên tới 25.500 đồng/USD. Sau đó, tỷ giá “hạ nhiệt”, đến tháng 8 thì mức tăng chỉ còn khoảng 2,3%.

Từ đầu tháng 10 đến nay, tỷ giá đi lên liên tiếp. Với đà tăng nhanh chóng, giá USD tại các ngân hàng hiện ở mức tiệm cận thị trường tự do. Trong phiên giao dịch sáng 23/10, các điểm thu đổi ngoại tệ mua bán USD ở mức 25.460 - 25.560 đồng.

Tỷ giá đã tăng 1.030 đồng, tương đương VND mất giá 4,2% so với đầu năm nay.

Tỷ giá đã tăng 1.030 đồng, tương đương VND mất giá 4,2% so với đầu năm nay.

Ngày 23/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm 22.250 đồng, tăng 10 đồng so với ngày trước đó. Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng giá USD lên mức trần. Như vậy, giá USD ngân hàng đã tăng 680 đồng, tương đương 2,8% so với đầu tháng và tăng 4,2% so với đầu năm.

Theo giới phân tích, tỷ giá trong nước chịu áp lực do đồng USD mạnh lên đáng kể. Đồng bạc xanh đã tăng trong 3 tuần liên tiếp, tăng 2,4% từ đầu tháng 10, vượt 104 điểm khi một loạt dữ liệu kinh tế tích cực khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về quy mô lẫn tốc độ cắt hạ lãi suất từ Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong khi đó, tại Việt Nam, trong những thời điểm tháng 10 hàng năm, nhu cầu mua USD để nhập khẩu phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm cho dịp lễ Noel và năm mới của phương tây. Do vậy, tỷ giá tháng 10 thường tăng cao.

Cùng với đó, thời điểm cuối năm, nhu cầu USD tăng cao để hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế. Chỉ tính riêng tháng 10, Kho bạc Nhà nước đã có 4 đợt mua ngoại tệ với tổng cộng 700 triệu USD. Theo các chuyên gia, nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến giá ngoại tệ tăng nhanh gần đây.

Các chuyên gia nhận xét chưa bao giờ tỷ giá khó dự đoán như năm nay và gây bối rối cho doanh nghiệp và người dân, vì các năm qua, họ đã quen với "tỷ giá êm đềm", năm cao nhất VND cũng mất giá không quá 3%.

Tại họp báo quý III mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài, đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh tỷ giá mạnh lên, NHNN đã có động thái hút tiền trở lại thông qua phát hành tín phiếu, nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất USD/VND, ổn định tỷ giá. Sau khoảng 2 tháng tạm dừng, từ ngày 18-22/10, NHNN hút ròng tổng cộng 3 phiên lên khoảng 44.000 tỷ đồng.

Sau khi NHNN phát hành tín phiếu trở lại, lãi suất liên ngân hàng tăng rút ngắn khoản khách giữa lãi suất VND và USD.

Tỷ giá sẽ “êm” trở lại?

Dù tỷ giá có biến động tăng kể từ đầu tháng 10 trở lại đây và áp lực vẫn còn, nhưng giới chuyên môn cho rằng, xu hướng tăng tỷ giá không kéo dài. Dự báo giá USD/VND cả năm nay dao động 2,5 - 3%, tức USD/VND vẫn trở lại "êm đềm" sau cú tăng sốc đầu năm.

Những yếu tố hỗ trợ tỷ giá hạ nhiệt cuối năm đó là Fed dự kiến còn 2 lần hạ lãi suất trong tháng 11, tháng 12 và nguồn ngoại tệ cuối năm dồi dào đến từ kiều hối, FDI và xuất siêu.

Mới đây, Tổng cục Hải quan công bố tổng kim ngạch xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 10 (tính đến ngày 15/10) đạt 16,15 tỷ USD, nâng lũy kế tính từ đầu năm lên 315,9 tỷ USD (tăng 15,3% so với cùng kỳ). Đơn hàng xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước tăng khá đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào trong kỳ 1 đạt gần 15,8 tỷ USD, lũy kế hết 15/10, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD (tăng 17,5% so với cùng kỳ). Như vậy, tính đến ngày 15/10, cán cân thương mại thặng dư 21,24 tỷ USD.

Theo Ngân hàng UOB, thời gian tới, áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của VND. Đà tăng thêm của tỷ giá khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự quý III. Tỷ giá sẽ dao động quanh mức 24.500 đồng trong quý IV.

Ở góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng "sóng" USD có thể duy trì trong tháng 10 và 11, qua tháng 12 sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, việc tỷ giá chỉ tăng 3% trong năm như kế hoạch đề ra xem ra sẽ khó.

“Bước vào những tháng cuối năm, nhập khẩu tăng cao nên từ đó nhu cầu ngoại tệ cũng gia tăng. Lượng ngoại tệ như kiều hối dù có về nhiều cũng không thể cân đối, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cao", ông Huân nói.

Mặc dù cuối năm sẽ có những biến động trên thị trường quốc tế, nhưng ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá với nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, cần có "bộ đệm giảm sốc" đến mức tối đa với các thay đổi đó.

“Để tỷ giá ổn định thì tỷ giá trung tâm phải ổn định trên cơ sở các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam như dòng vốn, tăng trưởng kinh tế, cán cân thanh toán, vốn đầu tư nước ngoài… bên cạnh USD Index. Đó chính là "bộ đệm giảm sốc"”, ông Phước nhấn mạnh.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/ty-gia-lai-noi-song-ap-luc-co-keo-dai-1103195.html