Tỷ giá tăng 'hầm hập', tác động hai chiều tới nền kinh tế Việt Nam?

Phân tích về các tác động của tỷ giá USD/VND tăng 'hầm hập' như thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc USD tăng mạnh khiến xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi nhập khẩu lại chịu tác động ngược lại.

Tỷ giá tăng "hầm hập"

Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND đã biến động rất mạnh, đặc biệt là tại thị trường tự do. Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với USD ngày 1/1/2024 là 23.866 đồng, tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại (23/3), tỷ giá trung tâm đã tăng lên 24.003 đồng, mức tăng tương đương 0,5%.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh, khoảng 2,3% - 2,5%, tùy từng ngân hàng. Hiện nay, tỷ giá giao dịch dao động trong khoảng 24.580 đồng/USD (mua vào) - 24.950 đồng/USD (bán ra). Như vậy, ở chiều bán ra, đồng USD sắp vượt ngưỡng 25.000 đồng, đây là mức cao chưa từng có.

 Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND đã biến động rất mạnh, đặc biệt là tại thị trường tự do. (Ảnh: TC)

Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND đã biến động rất mạnh, đặc biệt là tại thị trường tự do. (Ảnh: TC)

Tại thị trường chợ đen, mức 25.000 đồng/USD đã vượt qua từ lâu, ở quanh mức 25.524 – 25.584 đồng/USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích, USD đang tăng rất mạnh, nhất là tại thị trường tự do.

Nguyên nhân là do lãi suất tiết kiệm đang thấp, khiến nhiều người đổ xô đầu tư vào vàng và ngoại tệ, khiến giá tăng rất cao, rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, mức tăng chỉ mang tính tạm thời, tăng “xổi” không lâu dài và không có tính bền vững.

“Có thể USD trong nước chỉ tăng trong một vài tuần sẽ xuống vì nhiều khả năng sẽ có sự can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi, khi tăng quá cao sẽ tác động mạnh vào nền kinh tế, nên để giữ được tỷ giá ổn định, NHNN sẽ điều hành tỷ giá hối đoái nằm trong biên độ an toàn”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, một số ý kiến cho rằng, việc tỷ giá USD/VND ngày càng tăng cao, điều này chứng tỏ VND đang mất giá nhanh so với USD. Tuy nhiên, điều này khá bình thường.

Bởi lẽ, xu hướng quản lý lãi suất của Mỹ và Việt Nam khác nhau. Cụ thể, Mỹ có xu hướng tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi Việt Nam có xu hướng ngược lại, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thấp.

“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thời gian qua liên tục tăng lãi suất đã khiến đồng USD mạnh lên so với hầu hết các loại ngoại tệ khác, đương nhiên VND sẽ bị ảnh hưởng và mất giá nhất định so với đồng USD”, ông Phong nói.

TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng tích cực để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Về nguyên tắc, khi thực hiện chính sách như vậy sẽ tăng lượng tiền và lưu thông, tăng chênh lệch tỷ giá, làm giảm giá trị đồng tiền Việt Nam.

Tác động 2 chiều

Phân tích về các tác động của tỷ giá USD/VND tăng "hầm hập" như thời gian qua, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc USD tăng mạnh khiến xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi nhập khẩu lại chịu tác động ngược lại.

“Tuy nhiên, Việt Nam là nước có xu hướng xuất siêu, tăng xuất khẩu để bù nhập khẩu, nên có sự bù trừ giữa 2 chiều xuất - nhập khẩu, do đó tác động sẽ có nhưng không quá mạnh. Vì vậy, NHNN chủ động trong việc ổn định tỷ giá hối đoái”, ông Thịnh nói.

 Việc USD tăng mạnh khiến xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi nhập khẩu lại chịu tác động ngược lại. (Ảnh: MC)

Việc USD tăng mạnh khiến xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi nhập khẩu lại chịu tác động ngược lại. (Ảnh: MC)

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thép chia sẻ, một số ngành nông sản xuất khẩu, các ngành sản xuất gỗ, lâm sản, thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là du lịch sẽ được hưởng lợi từ việc USD tăng mạnh, vì các ngành này không phải nhập khẩu quá nhiều nguyên, vật liệu, máy móc cho sản xuất.

Tuy nhiên, với riêng ngành thép, việc tỷ giá hối đoái tăng cao không hẳn là tích cực đối với chiều nhập khẩu. Bởi vì, muốn sản xuất thép để xuất khẩu, doanh nghiệp này phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Hiện, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam cũng phản ánh tình trạng tương tự.

Bàn về giải pháp điều hành tỷ giá, hầu hết các chuyên gia cho rằng quá trình này rất khó, vì Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19. Nếu NHNN tăng lãi suất ở thời điểm này, có thể khiến VND mạnh lên, nhưng sẽ ảnh hưởng tới chiến lược tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Mới đây, NHNN đã công bố Dự bảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Trong đó, NHNN muốn thay đổi cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi theo hướng linh hoạt hơn. Cụ thể, tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận và phù hợp với quy định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành trong từng thời kỳ.

Đề xuất thay đổi của NHNN được giới chuyên môn đánh giá là nhằm tạo cơ sở để cơ quan này có thể linh hoạt, chủ động hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại tệ thông qua hoạt động mua, bán kỳ hạn USD với các ngân hàng; đồng thời thông qua giao dịch kỳ hạn ngoại tệ, NHNN cũng có thể tác động đến chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ty-gia-tang-ham-hap-tac-dong-hai-chieu-toi-nen-kinh-te-viet-nam-post288892.html