Tỷ lệ tái chế chất thải tại Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 10%

Mỗi ngày tổng lượng chất thải rắn tại Việt Nam hơn 67.800 tấn, song tỷ lệ tái chế chỉ khoảng 10%. Sự bùng nổ trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa kéo theo đó là nhu cầu phát triển các ngành xử lý chất thải, nước thải hướng đến bảo vệ môi trường…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thống kê cho thấy hiện nay, Việt Nam có khoảng 1.000 nhà máy cấp nước với tổng công suất khoảng 13,2 triệu m3/ngày đêm và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 1,79 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ cung cấp dịch vụ đạt 94% với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày...

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nhiệm vụ đặt ra đối với quản lý và phát triển cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, Việt Nam cần đổi mới cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức, hoạt động doanh nghiệp nhằm phát huy tính chủ động, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ.

Tại Triển lãm về ngành Cấp thoát nước, Công nghệ Lọc nước và Xử lý nước thải tại Việt Nam – Vietwater 2024 và Triển lãm về Xử lý Chất thải và Công nghệ Môi trường tại Việt Nam – WETV 2024 do Công ty Informa Markets Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 6 - 8/11, ông Ben Wong, Tổng Giám Đốc, Informa Market Vietnam, cho biết Việt Nam đang bùng nổ quá trình phát triển, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh nhu cầu phát triển ngành xử lý nước thải, chất thải và môi trường.

Chia sẻ vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam thông tin, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2023, tổng lượng chất thải rắn của toàn Việt Nam là 67.877 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị là 38.143 tấn/ngày, tỷ lệ tái chế chất thải hiện nay chỉ khoảng 10%.

“Công tác xử lý chất thải hiện nay đang gặp những khó khăn như công nghệ xử lý, tái chế chất thải chậm phát triển; công tác xử lý, tái chế chưa thật hiệu quả, do thiếu cơ chế chính sách quản lý hỗ trợ đầu tư, vận hành. Đồng thời, thiếu công nghệ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, thiếu quy hoạch quản lý chất thải mang tính thiết thực cho vùng và địa phương”, ông Nhựt cho biết.

Mặt khác, công tác quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ. Đáng chú ý, lĩnh vực đấu thầu công tác quét, thu gom, vận chuyển, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cũng theo ông Nhựt, việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệp, hợp tác quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý, xử lý nước thải, chất thải và môi trường tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Vân Nga, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, cho biết đây là thời điểm rất quan trọng để chúng ta cùng nhau tìm kiếm những giải pháp thông minh, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện tại và đồng thời bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau.

Bộ Công Thương đánh giá cao và luôn ủng hộ các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc và xử lý nước thải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Vietwater 2024 & WETV 2024 diễn ra từ ngày 6 - 8/11 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn quy tụ hơn 450 doanh nghiệp là nhà sản xuất, phân phối thiết bị, máy móc và công nghệ phục vụ ngành cấp thoát nước, lọc và xử lý nước thải; công nghệ thu gom, vận chuyển phế thải, phân loại, tái chế, quản lý và xử lý chất thải và các công nghệ giám sát, đo lường môi trường. Các doanh nghiệp này đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Việt Nam và Ý.

Thanh Thủy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ty-le-tai-che-chat-thai-tai-viet-nam-con-thap-chi-khoang-10.htm