Tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt giảm nhưng tỷ lệ tăng thưởng tăng

Số liệu khảo sát của Talentnet-Mercer cho thấy tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt giảm từ 6,7% (2023) xuống còn 6,3% (2024), nhưng tỷ lệ tăng thưởng lại tăng từ 19,2% lên 20,3%.

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Công ty tư vấn giải pháp nhân sự Talentnet và đối tác Mercer đã công bố “Báo cáo khảo sát lương, thưởng, phúc lợi 2024 tại Việt Nam”.

Báo cáo có sự tham gia của 594 doanh nghiệp nước ngoài và 59 doanh nghiệp trong nước, khảo sát 3.481 vị trí từ hơn 551.380 người lao động trên khắp Việt Nam.

Khảo sát đánh dấu 5 năm liên tiếp báo cáo tăng trưởng về số doanh nghiệp tham gia, chứng tỏ sự quan tâm đầu tư ngày càng gia tăng của doanh nghiệp đối với chiến lược nguồn nhân sự.

Gen Z sẽ chiếm hơn 1/4 lực lượng lao động vào năm 2025

Thông tin tổng quan về thị trường lao động, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc Bộ phận Giải pháp nhân sự, Talentnet cho biết, Gen Z sẽ chiếm hơn 1/4 lực lượng lao động vào năm 2025 (khoảng 28,4%) và trở thành lực lượng nòng cốt trên thị trường lao động trong 5 năm tới.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc Bộ phận Giải pháp nhân sự, Talentnet trình bày Báo cáo khảo sát lương, thưởng, phúc lợi Việt Nam 2024.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Giám đốc Bộ phận Giải pháp nhân sự, Talentnet trình bày Báo cáo khảo sát lương, thưởng, phúc lợi Việt Nam 2024.

Tiếp đó, 10 năm nữa họ sẽ là lực lượng quản lý mới và 15 năm nữa họ sẽ trở thành quản lý cấp cao. Với dữ kiện trên, doanh nghiệp cần lên kế hoạch đào tạo, phát triển để Gen Z đón đầu, sẵn sàng nắm giữ những vị trí quan trọng trong tổ chức trong giai đoạn tới.

Thứ hai, bà Quỳnh Phương chỉ ra tình trạng “lạm phát” chuyên gia đang xuất hiện trong nhiều ngành nghề. Lý do là doanh nghiệp muốn sử dụng chức danh này như một hình thức thăng tiến, giữ chân những nhân sự có kinh nghiệm và hiểu biết về ngành nghề, nhưng chưa đủ khả năng hoặc không muốn trở thành quản lý. Lấy thí dụ trong lĩnh vực Thương mại, số chuyên gia trong báo cáo năm 2023 chỉ chiếm 7%, nhưng đã tăng vọt lên 15% trong năm 2024.

“Chức danh “chuyên gia” thường tồn tại ở các bộ phận, khối chức năng đòi hỏi kiến thức sâu như nghiên cứu phát triển, pháp lý,... nhưng trong năm 2024 lại gia tăng rất nhanh ở những lĩnh vực như thương mại, cung ứng, tài chính - bảo hiểm. Doanh nghiệp nên có quy định rõ ràng, tránh tình trạng lạm phát “chuyên gia” diễn ra”, bà Phương lưu ý.

Vấn đề tiếp theo được chỉ ra từ báo cáo của Talentnet-Mercer là có 7,3% doanh nghiệp có dự định cắt giảm nhân viên trong năm tới. So với năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm số lượng nhân sự tăng hơn 6%.

Số lượng công ty dự đoán không có thay đổi trong cơ cấu nhân sự tăng từ 39% năm 2023 lên 45,9% năm 2024, trong khi số công ty chưa đưa ra quyết định đã giảm từ 23% năm ngoái xuống còn 5,4% trong năm nay.

Điều này cho thấy sự chắc chắn của các doanh nghiệp về kế hoạch tuyển dụng năm tới, trong bối cảnh nền kinh tế được dự đoán sẽ tiếp tục trải qua giai đoạn ảm đạm.

Ở mặt tích cực, tỷ lệ công ty tuyển dụng thêm tăng từ 37% năm 2023 lên 41,4% năm 2024.

Lương trung bình doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn so với Hà Nội

Theo khảo sát của Talentnet-Mercer, so với năm 2023, mức lương trung bình của mọi khu vực trên toàn quốc giảm, thể hiện xu hướng chung của thị trường.

Dù trung vị lương cơ bản tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm nhẹ 2%, đây tiếp tục là khu vực có mức lương trung bình cao nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng cách về mức trả lương cao hơn Hà Nội đến 17% và cao hơn Đà Nẵng đến 25%. Nếu tính tổng thu nhập, chênh lệch được rút hẹp lần lượt còn 16% và 21%.

Quang cảnh sự kiện.

Quang cảnh sự kiện.

Đáng chú ý, các khu vực khác ở miền bắc và miền trung có tỷ lệ giảm lương cơ bản khá cao so với năm 2023, lần lượt là 7% và 9%.

Về lương thưởng, số liệu khảo sát cho thấy tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt giảm từ 6,7% (2023) xuống còn 6,3% (2024), nhưng tỷ lệ tăng thưởng lại tăng từ 19,2% lên 20,3%.

“Nếu nhìn vào những thông số như mức trả lương trên toàn quốc đều giảm, việc tỷ lệ tăng lương chỉ giảm nhẹ cho thấy các doanh nghiệp vẫn rất nỗ lực đồng hành cùng người lao động trong giai đoạn kinh tế khó khăn”, bà Quỳnh Phương phân tích.

Giám đốc Bộ phận Giải pháp nhân sự Talentnet cho biết, nỗ lực từ doanh nghiệp được thể hiện qua tỷ lệ tăng thưởng. Đây cũng là cách để doanh nghiệp khích lệ nhân viên lao động, tạo ra kết quả.

Cũng theo báo cáo, danh sách các ngành tăng lương nhiều và ít nhất có sự thay đổi đáng kể giữa năm 2024 và 2023. Nếu Top 3 các ngành tăng lương nhiều nhất trong năm 2023 lần lượt là công nghệ cao (8,3%), thương mại (7,7%) và năng lượng tái tạo (7,7%) thì năm 2024, Top 3 bao gồm năng lượng tái tạo (7,2%), hóa học (7,0%) và cung ứng (7,0%).

Tỷ lệ tăng lương trong ngành công nghệ cao sụt giảm vì ngành này đã đối mặt với nhiều thách thức trong cân đối ngân sách lương thưởng sau sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Với các ngành tăng lương ít nhất, tài chính ngân hàng (5,9%) thế chỗ của bất động sản trong danh sách năm 2023 để lọt vào Top 3 của năm 2024, bên cạnh tài chính phi ngân hàng (5,6%) và dầu khí & khai khoáng (4,8%).

Xuyên suốt bài chia sẻ, bà Quỳnh Phương cũng dựa trên những số liệu để đem đến một cái nhìn cận cảnh hơn về hình thức trả lương linh hoạt (pay agility). Theo đó, sự linh hoạt của hình thức trả lương còn rất mới tại thị trường Việt Nam cần gắn liền với 4 yếu tố, gồm: Tính đồng nhất với thị trường (Market Alignment), Khả năng thúc đẩy hiệu suất (Driving result), Được cá nhân hóa (Personalization), Truyền thông minh bạch (Transparency).

Khảo sát của Talentnet-Mercer là khảo sát lương, thưởng lớn nhất Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu lương lớn và đáng tin cậy, được thực hiện với phương pháp luận chuẩn quốc tế của Mercer – áp dụng trên 200 quốc gia.

Với những khám phá mới nhất trên toàn cầu và thực tế chi trả lương, thưởng tại Việt Nam, tài liệu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra những quyết định phù hợp định hình chính sách phúc lợi bền vững.

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ty-le-tang-luong-cua-doanh-nghiep-viet-giam-nhung-ty-le-tang-thuong-tang-post837153.html