Ðưa Nghị quyết 04 đến với ngư dân

Thời gian qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau tích cực thực hiện nhiều biện pháp để ngư dân chấp hành tốt Nghị quyết số 04/2024/NQ-HÐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Theo đó, các đồn biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương thông tin nhanh nhất, sớm nhất đến người dân khu vực biên giới biển, đặc biệt là ngư dân, thuyền trưởng, chủ phương tiện nắm được nội dung cơ bản, cốt lõi nhất của nghị quyết, không để tình trạng người dân vi phạm do thiếu hiểu biết pháp luật.

Các đơn vị thuộc BÐBP Cà Mau tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở khu vực biên giới biển; nhất là trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đang nỗ lực chung tay gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản Việt Nam. Nhờ đó, các vụ vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản trên biển, tình trạng khai thác IUU giảm đáng kể; ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, đồng lòng, sát cánh cùng BÐBP và các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ Đồn BP Khánh Hội đến tận nhà dân để tuyên truyền nội dung Nghị quyết 04.

Cán bộ Đồn BP Khánh Hội đến tận nhà dân để tuyên truyền nội dung Nghị quyết 04.

Ðể nâng cao kiến thức pháp luật cho ngư dân, BÐBP Cà Mau tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của từng đối tượng, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng nội dung, xác định hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.

BÐBP tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành hàng ngàn tờ rơi về các hành vi vi phạm trong khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; các quy định trong phòng, chống khai thác IUU; khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt.

Cùng với đó, tiến hành niêm yết các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, được hướng dẫn trong Nghị quyết số 04 tại đồn, trạm kiểm soát biên phòng, cảng cá, bộ phận một cửa các xã, thị trấn ven biển.

Ðội ngũ báo cáo viên, cán bộ làm công tác vận động quần chúng, đảng viên Ðồn Biên phòng tham gia cấp ủy địa phương, HÐND các cấp, sinh hoạt chi bộ ấp, khóm và phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển... tuyên truyền, vận động ngư dân, các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủy sản tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

BÐBP Cà Mau cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao 6 huyện ven biển; trạm truyền thanh 23 xã, thị trấn phát nội dung tuyên truyền vào các khung giờ cao điểm; duy trì thường xuyên, hiệu quả chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau; đưa nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, phát loa tuyên truyền tại khu vực đông dân cư, chợ, bến, bãi, cảng cá...

Ngoài phát trên loa truyền thanh, các đơn vị còn tích cực phối hợp tuyên truyền các nội dung Nghị quyết 04 cho ngư dân tại các trạm kiểm soát Biên phòng.

Ngoài phát trên loa truyền thanh, các đơn vị còn tích cực phối hợp tuyên truyền các nội dung Nghị quyết 04 cho ngư dân tại các trạm kiểm soát Biên phòng.

Thiếu tá Trần Thanh Ngoan, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết: “Trong nỗ lực chung của toàn tỉnh nhằm chống khai thác IUU một cách triệt để, cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, các chủ phương tiện, Ðồn Biên phòng Sông Ðốc đã và đang triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát hoạt động tàu cá trên biển; tiếp tục phát huy có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tại trạm kiểm soát biên phòng, phần mềm kiểm soát lưu thông tàu cá và số hóa IUU”.

Ngoài tuyên truyền ngư dân không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, cán bộ Ðồn Biên phòng Sông Ðốc còn trực tiếp kiểm tra hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trước khi tàu cá ra khơi.

Ngoài tuyên truyền ngư dân không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, cán bộ Ðồn Biên phòng Sông Ðốc còn trực tiếp kiểm tra hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trước khi tàu cá ra khơi.

Ðội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, tranh thủ thời gian tàu cập bến để phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu tuyên truyền; trực tiếp trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý giúp ngư dân, chủ phương tiện nắm rõ quy định về khai thác hải sản trên biển, thấy được “bài toán được - mất” nếu không gỡ được “thẻ vàng”, để họ tự giác chấp hành nghiêm; đồng thời vận động các chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Ðại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy BÐBP Cà Mau, thông tin: Xác định vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 04/2024/NQ-HÐTP đối với công tác phòng, chống khai thác IUU, ngay khi nghị quyết này vừa ban hành và chính thức có hiệu lực, Ðảng ủy BÐBP tỉnh đã tổ chức quán triệt, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động đổi mới, sáng tạo các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phát huy hiệu quả các mô hình vận động quần chúng, “Dân vận khéo”, thu hút đông đảo Nhân dân trên địa bàn tham gia hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả.

Hoàng Tá

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dua-nghi-quyet-04-den-voi-ngu-dan-a34751.html