UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kiểm tra, đánh giá an toàn công trình trong khai thác, sử dụng

UBND tỉnh vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá an toàn công trình, đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng.

Cầu Kiểu, huyện Yên Định (Ảnh minh họa).

Cầu Kiểu, huyện Yên Định (Ảnh minh họa).

Theo đó, công văn nêu rõ: Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn chịu lực, chủ động phòng tránh các sự cố và có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời đối với các công trình xây dựng cũ, nguy hiểm, đặc biệt để ứng phó với các biến đổi bất thường của thời tiết (bão, mưa, lũ,...), UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chủ sử hữu hoặc người quản lý, sử dụng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, thi công xây dựng; về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình xây dựng; đảm bảo kịp thời phát hiện hạng mục công trình, công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng để chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Về bảo trì công trình xây dựng, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định; công trình, hạng mục công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng phải được bảo trì nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế. Quy trình bảo trì phải được lập, phê duyệt phù hợp với mục đích sử dụng, loại và cấp công trình, hạng mục công trình, thiết bị được xây dựng và lắp đặt vào công trình. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo các quy định về bảo trì công trình xây dựng.

Đối với các công trình xây dựng đã đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng, có thể tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng làm cơ sở để lập quy trình bảo trì công trình xây dựng nếu cần thiết.

Về thực hiện đánh giá định kỳ an toàn công trình xây dựng, yêu cầu các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng phải được tổ chức đánh giá định kỳ trong quá trình vận hành và sử dụng. Thời điểm và tần suất đánh giá an toàn công trình được quy định như sau: Đối với công trình đập, hồ chứa nước, lần đầu thực hiện trong năm thứ 3 kể từ ngày tích nước đến mực nước dâng bình thường hoặc trong năm thứ 5 kể từ ngày tích nước. Định kỳ 5 năm kể từ lần kiểm định gần nhất đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn và vừa.

Đối với các công trình còn lại, lần đầu được thực hiện sau thời gian 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật. Đối với lần đánh giá tiếp theo, việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo tần suất 5 năm/lần.

Về kiểm tra công trình khi có mưa, bão, đối với công trình giao thông, yêu cầu thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14182:2024, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Trong đó, đối với hạng mục công trình cầu, kiểm tra trước mùa mưa bão là kiểm tra mố trụ, chân khay 1/4 nón mố, nền đường sau mố, các công trình điều tiết dòng chảy lòng sông, lòng suối và các công trình phòng hộ khác. Phải phát hiện kịp thời để sửa chữa ngay những hư hỏng để ngăn ngừa, giảm thiểu sự cố do mưa lũ gây ra.

Kiểm tra sau mùa mưa bão là kiểm tra những diễn biến như sạt lở, xói rỗng chân móng của mố, trụ cầu có thể làm nghiêng lệch mố trụ dẫn đến nghiêng lệch dầm cầu, lún nứt mố trụ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình và an toàn vận tải; kiểm tra sự thay đổi dòng chảy so với trước mùa mưa bão tạo nên sự bồi, lở xung quanh mố trụ cầu.

Đối với công trình xây dựng dân dụng, kiểm tra trước mùa mưa bão để thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn; các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, cửa kính, bồn chứa nước trên cao... phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường. Đối với kết cấu dạng cột, trụ, tháp trong các công trình viễn thông, truyền hình, truyền tải điện, hệ thống kiểm soát lưu thông trên sông biển phải tổ chức kiểm tra và tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn.

Sau mùa mưa bão cần kiểm tra tình trạng kết cấu công trình xây dựng, tháo dỡ, sửa chữa các hạng mục, kết cấu hư hỏng, mất ổn định. Đặc biệt đối với các công trình trường học, bệnh viện, chung cư, công trình tập trung đông người cần kiểm tra, rà soát tình trạng cửa, lan can, vật treo, neo trên cao, tường vách, mái, hệ thống kỹ thuật điện, cơ điện, hệ thống cấp nước, thoát nước... xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn khai thác sử dụng.

Các công trình đập, hồ chứa nước phải kiểm tra thường xuyên, quan sát trực quan tại hiện trường để nắm bắt kịp thời hiện trạng đập, hồ chứa nước. Trước mùa mưa hằng năm, phải kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Sau mùa mưa hằng năm, phải kiểm tra nhằm phát hiện các hư hỏng; theo dõi diễn biến các hư hỏng của đập, hồ chứa nước; rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai; đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp. Ngay sau khi có mưa, lũ lớn trên lưu vực hoặc động đất mạnh tại khu vực công trình phải kiểm tra đánh giá hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước. Trường hợp phát hiện đập, hồ chứa nước có hư hỏng đột xuất, phải báo cáo ngay cho chủ sở hữu, chủ quản lý đập, hồ chứa nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời phải thực hiện ngay biện pháp xử lý để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Một tòa chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa. (Ảnh minh họa).

Một tòa chung cư trên địa bàn TP Thanh Hóa. (Ảnh minh họa).

UBND tỉnh cũng yêu cầu, các chủ đầu tư tổ chức lập quy trình bảo trì; thẩm định, phê duyệt đảm bảo tuân thủ theo các quy định hiện hành. Các đơn vị quản lý, sử dụng công trình xây dựng thực hiện bảo trì và đánh giá an toàn công trình theo quy định hiện hành; kiểm tra, đánh giá công trình trước, trong và sau mùa mưa bão như hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Trong quá trình thực hiện, đặc biệt lưu ý đến các kết cấu chịu lực chính của công trình như: Hệ khung chịu lực chính, các kết cấu có khẩu độ lớn, khán đài sân vận động, ống khói, si lô, cầu, trụ, tháp...

Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý, sử dụng công trình xây dựng thực hiện việc lập, thực hiện bảo trì, đánh giá an toàn công trình theo quy định. Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về xây dựng, yêu cầu hồ sơ phải có quy trình bảo trì (nếu bắt buộc) theo quy định. Kiểm tra đột xuất nội dung về thực hiện bảo trì, kiểm tra an toàn công trình đối với các công trình thuộc lĩnh vực theo dõi, đặc biệt là các công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng như: Nhà chung cư, công trình có nhịp lớn, kết cấu phức tạp, các công trình sắp hết thời hạn sử dụng... kịp thời báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.

Công văn của UBND tỉnh cũng đề cập đến tình trạng hiện trên cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng vẫn còn tồn tại công trình xây dựng được xây dựng từ lâu, chất lượng bị xuống cấp. Một số công trình đã bị hư hỏng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng và trên thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản (điển hình như vụ việc cầu Phong Châu tại Km18+200 Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ bị gãy trụ và sập 2 nhịp do ảnh hưởng của cơn bão số 3). Nguyên nhân một phần là do việc quản lý, sử dụng cũng như công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực để thực hiện bảo trì, sửa chữa, khắc phục và xử lý đối với các công trình này chưa được kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ubnd-tinh-yeu-cau-tang-cuong-kiem-tra-danh-gia-an-toan-cong-trinh-trong-khai-thac-su-dung-225838.htm