UBTVQH tán thành việc nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa với vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực

UBTVQH tán thành việc nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực nhưng cần cân nhắc kỹ, làm rõ các yêu cầu nêu trên; rà soát việc sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội vừa thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp 42 vừa qua.

Thông báo của Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBTVQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này để khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phiên họp thứ 42 của UBTVQH (Ảnh: Quốc hội)

Phiên họp thứ 42 của UBTVQH (Ảnh: Quốc hội)

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng bổ sung làm rõ thực trạng thi hành pháp luật, các bất cập, vướng mắc, căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của dự thảo Luật và bổ sung đánh giá tác động chi tiết, cụ thể hơn đối với từng chính sách được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật; bảo đảm việc sửa đổi có cơ sở thực tiễn, khoa học và chỉ sửa đổi những nội dung đã rõ, được tổng kết, đánh giá đầy đủ.

UBTVQH tán thành việc nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực nhưng cần cân nhắc kỹ, làm rõ các yêu cầu nêu trên; rà soát việc sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện của từng chức danh với giá trị nhất định, phù hợp, không nhất thiết phải tương thích với thẩm quyền phạt tiền trong mọi trường hợp; quy định rõ hơn về điều kiện, yêu cầu để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật đối với việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, thông báo nêu rõ, quy định “ngừng cung cấp điện, nước” là biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ đối với các trường hợp vi phạm hành chính mà trong đó điện, nước là điều kiện để thực hiện hành vi vi phạm. Không quy định biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” vì không phù hợp với tính chất của biện pháp này và không tương xứng với nghĩa vụ phải thi hành.

Về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cần rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với đối tượng là người nghiện ma túy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ việc quản lý người nghiện ma túy trong thời gian vừa qua để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng bộ với quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện cũng đang được nghiên cứu sửa đổi.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ubtvqh-tan-thanh-viec-nghien-cuu-nang-muc-phat-tien-toi-da-vo-i-vi-pha-m-ha-nh-chi-nh-trong-mot-so-linh-vuc-180952.html