Úc: Mũi vắc xin tăng cường giúp giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Sydney, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

Các kết quả phân tích mới nhất ở Úc cho thấy các bang có tỉ lệ tiêm mũi vắc xin tăng cường cao hơn có tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn rõ rệt tính trên bình quân đầu người.

Hiện bang Tây Úc là địa phương có tỉ lệ tiêm chủng tăng cường cao nhất ở Úc là 80,2%, tiếp theo là Vùng Thủ đô (ACT) đạt tỉ lệ 79,3%, bang Nam Úc, 68,4%, bang Victoria 68,1%, bang New South Wales 64,1%, và bang Queensland 58,1%.

Tính từ ngày 8/2 đến nay, các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng tăng cường cao nhất ghi nhận tỉ lệ tử vong thấp nhất.

ACT có tỉ lệ tử vong thấp nhất là 11/100.000 người, trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở Tây Úc là 15/100.000 người, chỉ bằng gần một nửa so với New South Wales và Victoria, hai bang có tỉ lệ tử vong là 27/100.000. Các bang Nam Úc và Queensland có tỉ lệ tử vong lần lượt là 24/100.000 và 20/100.000.

Theo chuyên gia dịch tễ học Catherine Bennett của Đại học Deakin, mối tương quan rõ ràng giữa liều vắc xin tăng cường và tỉ lệ tử vong là một minh chứng về khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể chống lại tình trạng bệnh nặng và tử vong nhờ tiêm mũi thứ ba.

Giáo sư Bennett cho biết: “Đó là một trong những điều chúng ta mong đợi. Hiệu quả của vắc xin chống lại bệnh nặng là rất đáng chú ý".

Mặt khác, để tăng cường khả năng phòng chống đại dịch COVID-19, Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng Úc (ATAGI) đã chỉ định tiêm mũi thứ 4 cho một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm những người trên 65 tuổi, những người sống trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoặc khuyết tật, những người bị suy giảm miễn dịch nặng, và thổ dân Úc từ 50 tuổi trở lên.

Tuy nhiên, với các bằng chứng ngày càng rõ ràng hơn cho thấy chế độ tiêm chủng 3 liều có khả năng cung cấp đủ khả năng miễn dịch cho người dân cho đến mùa đông sang năm, một số chuyên gia cho rằng tiêm liều vắc xin thứ 4 có thể sẽ không cần thiết trong một năm tới.

Ông Terry Nolan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin và tiêm chủng tại Viện Doherty và là cựu chủ tịch ATAGI, cho rằng liều thứ 4 cần thiết cho người cao tuổi nhưng không mang lại nhiều lợi ích cho người trẻ.

Chia sẻ đánh giá trên, ông Tony Cunningham, nhà virus học và chuyên gia vắc xin của Đại học Sydney cho biết thêm khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, đặc biệt là ở những người trẻ, sẽ kéo dài ít nhất 12 tháng sau khi tiêm liều thứ 3 mặc dù các kháng thể do vắc xin tạo ra giảm dần theo thời gian.

Hãng dược phẩm Moderna gần đây đã công bố kết quả thử nghiệm một loại vắc xin đặc biệt nhằm vào chủng Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng cần có các loại vắc xin phòng COVID-19 mới hàng năm, khi các chủng mới xuất hiện, và có thể tiêm kết hợp với vắc xin phòng cúm.

Tại Mỹ, ngày 17/6, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vắc xin ngừa COVID-19 do Pfizer và Moderna (cùng của Mỹ) sản xuất cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi - nhóm tuổi cuối cùng đang chờ được tiêm chủng ngừa COVID-19 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, FDA đã phê duyệt sử dụng loại vắc xin 2 liều của Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi, trong khi phác đồ tiêm vắc xin do Pfizer bào chế đối với trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi là 3 mũi.

Trong một tuyên bố, Giám đốc FDA Robert Califf cho biết: "Nhiều bậc phụ huynh, người bảo trợ và các nhân viên y tế đã chờ đợi có được loại vắc xin (ngừa COVID-19) cho lứa trẻ nhỏ tuổi này và quyết định phê duyệt sẽ giúp bảo vệ các em nhỏ từ 6 tháng tuổi trước nguy cơ dịch bệnh. Chúng tôi hy vọng rằng các loại vắc xin này có thể giúp bảo vệ các em trước những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của COVID-19, chẳng hạn như nhập viện và tử vong".

Theo quy trình, sau khi FDA cấp phép sử dụng vắc xin của Pfizer và Moderna cho trẻ em từ 6 tháng tuổi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị về các loại vắc xin này trước khi triển khai tiêm chủng.

Các khuyến nghị này sẽ được CDC Mỹ công bố sau cuộc họp của một ủy ban cố vấn gồm các chuyên gia khoa học trong thời gian sắp tới.

Mặc dù vậy, Chính phủ Mỹ cho biết ngay sau khi FDA đưa ra quyết định trên, 10 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna đã lập tức được điều phối trên toàn quốc, trong khi hàng triệu liều tiếp theo cũng đã sẵn sàng triển khai.

Cả hai loại vắc xin trên đều được bào chế theo công nghệ mRNA và đã được thử nghiệm đối với hàng nghìn trẻ em.

Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin có thể gây ra các phản ứng phụ ở mức độ nhẹ, trong khi cũng sản sinh kháng thể đối với cơ thể trẻ từ 6 tháng tuổi, tương tự như ở các nhóm tuổi lớn hơn.

Theo các nhà khoa học, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm cao hơn khi tiêm vắc xin của Pfizer - khoảng 80%, trong khi ở Moderna là 51% đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi và 37% đối với trẻ từ 2-5 tuổi.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/277848/uc--mui-vac-xin-tang-cuong-giup-giam-ti-le-tu-vong-do-covid-19.html