Ukraine bác lời kêu gọi 'giương cờ trắng' của Giáo hoàng

Giới chức Ukraine từ chối lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis về việc 'giương cờ trắng' để bắt đầu đàm phán chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3 với Nga.

Giáo hoàng Francis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tại Vatican, ngày 13/5/2023. Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Francis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tại Vatican, ngày 13/5/2023. Ảnh: Reuters

“Quốc kỳ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đây là lá cờ mà chúng tôi sẽ luôn sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương bất kỳ lá cờ nào khác”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 10/3, theo Reuters.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngày 23/2. Ảnh: Getty Images

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngày 23/2. Ảnh: Getty Images

Ông Kuleba cho biết: “Khi nói đến cờ trắng, chúng ta biết chiến lược này của Vatican từ nửa đầu thế kỷ XX”. Nhà ngoại giao Kiev dường như ám chỉ chính sách trung lập mà Giáo hoàng Pius XII theo đuổi trong Thế chiến II. Ông cũng kêu gọi Vatican “tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và tiếp tục hỗ trợ Ukraine cũng như người dân nước này”.

Bình luận của Ngoại trưởng Ukraine được đưa ra, sau khi Giáo hoàng Francis nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 với đài truyền hình Thụy Sĩ Radio Télévision Suisse (RTS) được công bố hôm 10/3, rằng Kiev nên “can đảm giương cờ trắng” và đàm phán với Nga.

Trong cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình Lorenzo Buccella đã hỏi Giáo hoàng Francis về những người “kêu gọi lòng can đảm đầu hàng và treo cờ trắng” cũng như những người cho rằng việc đầu hàng sẽ hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực trên trường quốc tế.

“Đó là một cách giải thích. Nhưng tôi nghĩ rằng người mạnh mẽ nhất là người nhìn thấy được tình hình, nghĩ đến người dân và có dũng khí giương cờ trắng và là người đàm phán,” Giáo hoàng nói.

Giáo hoàng Francis, ngày 10/3. Ảnh: Vatican Media

Giáo hoàng Francis, ngày 10/3. Ảnh: Vatican Media

Ông giải thích rằng: “Khi bạn thấy mình đối mặt với thất bại, mọi việc không diễn ra suôn sẻ, bạn phải có can đảm để đàm phán. Người ta có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng cuộc chiến sẽ kết thúc với bao nhiêu người thiệt mạng? Hãy đàm phán kịp thời, tìm một quốc gia để làm trung gian hòa giải”.

Giáo hoàng nhấn mạnh thêm rằng “đàm phán không có nghĩa là đầu hàng, mà chính là lòng dũng cảm để không dẫn đất nước đến bờ vực diệt vong”. Ông cho biết, có nhiều quốc gia, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - muốn giúp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ 3 giữa Nga và Ukraine.

Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng đóng vai trò hòa giải hay không, Giáo hoàng khẳng định: “Tôi luôn sẵn sàng”.

Theo Reuters, dường như đây là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis sử dụng những cụm từ “cờ trắng” hay “thất bại” khi bình luận về cuộc chiến tại Ukraine, mặc dù trước đây ông đã từng nói về sự cần thiết phải đàm phán. Người phát ngôn Vatican Matteo Bruni giải thích, Giáo hoàng Francis đã sử dụng cụm từ “cờ trắng” của phóng viên nhằm thể hiện mong muốn các bên “chấm dứt sự thù địch và đạt được thỏa thuận ngừng bắn thông qua dũng khí đàm phán”.

Trong video đăng tải hằng đêm cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không đề cập trực tiếp đến Giáo hoàng Francis hay những bình luận của ông, nhưng đã nói về các nhân vật tôn giáo đang giúp đỡ Ukraine.

“Họ ủng hộ chúng tôi bằng lời cầu nguyện, bằng cuộc thảo luận và bằng hành động. Đây mới là vai trò của một nhà thờ đối với người dân. Không phải là sự hòa giải ảo giữa những người muốn sống và những người muốn tiêu diệt bạn ở nơi cách đây 2.500 km, một nơi nào đó,” ông Zelensky nói.

Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Nghi thức Đông phương với 5 triệu tín đồ ở Ukraine, cũng bác bỏ quan điểm của Giáo hoàng. “Tin tôi đi, không ai có ý định đầu hàng cả,” ông Shevchukg cho biết.

Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics đã viết trên X: “Người ta không được đầu hàng trước cái ác, người ta phải chiến đấu và đánh bại nó, để cái ác giương cờ trắng và đầu hàng”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng cần phải “động viên Nga rút quân khỏi Ukraine”.

Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Giáo hoàng Francis.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ kể từ tháng 4/2022, sau khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Nga trong cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 3/2022, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước phái đoàn Nga - Ukraine tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, ngày 29/3/2022. Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước phái đoàn Nga - Ukraine tại cuộc đàm phán hòa bình ở Istanbul, ngày 29/3/2022. Ảnh: Reuters

Ông David Arakhamia - nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tới Kiev và thuyết phục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rút khỏi đàm phán. Tuy nhiên, ông Johnson phủ nhận vai trò trong việc này.

Vào tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Ông cũng đã công bố “Công thức hòa bình 10 điểm” của Ukraine, trong đó yêu cầu quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine, từ bỏ 4 vùng tuyên bố sáp nhập, cũng như bán đảo Crimea (được sáp nhập vào Nga từ năm 2014).

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ kế hoạch hòa bình này, nhấn mạnh rằng những đề xuất từ Ukraine cần tính đến "tình hình thực tế" của liên quan đến lãnh thổ Nga (bao gồm các vùng được sáp nhập). Mặt khác, Moscow đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Kiev không có thái độ tương tự.

Trong cuộc họp báo ngày 3/3 ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không từ bỏ ý tưởng đàm phán hòa bình với Kiev nhưng nhận thấy Ukraine và các nước phương Tây không có mong muốn thực sự về điều này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán thì các cuộc đàm phán sẽ không giống như trước, vì Kiev sẽ phải chấp nhận “thực tế mới” về lãnh thổ.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ukraine-bac-loi-keu-goi-giuong-co-trang-cua-giao-hoang-post32470.html