Ukraine kỳ vọng UAV có thể làm 'thay đổi cuộc chơi' trong xung đột với Nga

Ukraine đang đẩy mạnh sản xuất và cải tiến các máy bay không người lái (UAV) để phục vụ chiến trường, với hi vọng sẽ tạo ra 'yếu tố thay đổi cuộc chơi' với Nga khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba.

Yếu tố thay đổi cuộc chơi

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Washington đang chuẩn bị gói tài trợ 800 triệu USD để sản xuất máy bay không người lái của Ukraine. Giới chức Ukraine và một số người ủng hộ phương Tây nhận định rằng các cuộc tấn công tầm xa có thể là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" buộc Tổng thống Vladimir Putin phải ngồi vào bàn đàm phán.

Trong ba tháng qua, Ukraine đã nhiều lần điều động các phi đội máy bay không người lái (UAV) vượt hàng trăm cây số vào lãnh thổ Nga để tấn công các cơ sở lưu trữ tên lửa, kho nhiên liệu chiến lược, sân bay quân sự và nhà máy quốc phòng của nước này. Tại một số thời điểm, có tới 150 UAV tham gia vào cuộc tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: FutureMedia News

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: FutureMedia News

Cho đến nay, các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine đã vươn tới tận bờ biển Bắc Cực của Nga ở phía Bắc và các khu vực giáp biên giới Kazakhstan ở phía Đông. Đa số các UAV tham chiến đều được sản xuất trong nước và được cải tiến để phù hợp với tình hình thực địa. Ngoài máy bay không người lái, Kiev cũng đã nhắm mục tiêu vào Nga bằng tên lửa hành trình Neptune do chính nước này sản xuất, mặc dù với số lượng ít hơn nhiều. Tổng thống Zelensky gần đây tuyên bố rằng Kiev đã phát triển tên lửa đạn đạo nhưng có vẻ như chúng vẫn chưa được "tung" ra chiến trường.

Trong khi đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sát biên giới Nga với mục đích tự vệ, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn nhiều lần từ chối yêu cầu từ phía Kiev về việc mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí viện trợ, chẳng hạn như không kích vào sân bay quân sự của Moscow bằng tên lửa ATACMS hoặc Storm Shadow.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần này, cho biết các cuộc tấn công ATACMS bên trong nước Nga sẽ không thay đổi được tiến trình của cuộc chiến vì Nga đã di chuyển máy bay phóng bom lượn ra khỏi tầm bắn của những tên lửa này. Thay vào đó, ông Austin ca ngợi khả năng cải tiến và sử dụng máy bay không người lái "có hiệu quả cao" trong chiến đấu của Ukraine.

Mặc dù không thể so sánh với ATACMS hay Storm Shadow về tốc độ và hỏa lực, vũ khí tầm xa của Ukraine đã liên tục được cải tiến nhằm mở rộng phạm vi triển khai và tăng cường hiệu quả tấn công, chuyển từ công dụng "tung hỏa mù" sang thực hiện các đòn bẩy chiến lược trên chiến trường. Đây là một sự thay đổi lớn so với năm đầu tiên của cuộc chiến, khi Nga tấn công các mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa mà gần như không phải chịu phản ứng đáng kể nào từ Kiev.

“Khi chỉ riêng Nga có khả năng tấn công sâu vào cơ sở hạ tầng hậu cần và quân sự, trong khi Ukraine chỉ giới hạn ở việc tấn công các mục tiêu tiền tuyến, thì điều đó rõ ràng là bất lợi cho Kiev. Vì vậy, Kiev buộc phải thay đổi để giành được thế chủ động”, ông Mykola Bielieskov, một thành viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Ukraine, cho biết.

Ukraine nỗ lực khiến Nga bị thiệt hại về kinh tế

Ukraine đang phát triển vũ khí tấn công tầm xa vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Lực lượng Nga, với lợi thế về nhân lực và đạn dược, tiếp tục tiến chậm nhưng chắc ở khu vực Donbas thuộc phía Đông Ukraine và đang thăm dò khả năng phòng thủ của Ukraine ở khu vực phía Nam Zaporizhzhia.

Niềm tin ngày càng lớn ở Kiev và từ nhiều nhà quan sát rằng Ukraine buộc phải tìm hướng đi khác để chấm dứt cuộc xung đột với Nga: gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương.

“Một cuộc chiến tranh tiêu hao ở miền Nam và miền Đông không phải là cuộc chiến mà về lâu dài, Ukraine có thể chiến đấu và giành chiến thắng. Vì vậy, họ phải tìm ra cách thay đổi những tính toán của Nga”, Jason Crow - một cựu chiến binh Quân đội Mỹ, cho biết, đồng thời khẳng định Ukraine "có quyền tự vệ" và để làm như vậy, "họ phải tấn công vào bên trong nước Nga, nhắm mục tiêu vào các nơi trú ẩn an toàn, các căn cứ và trung tâm hậu cần quân sự của đối phương”.

Thượng nghị sĩ Roger Wicker của Mississippi (Mỹ), thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã phàn nàn trong một lá thư gửi Tổng thống Biden tháng này rằng Washington đang "làm tê liệt" khả năng quân sự của Ukraine. Ông Wicker cũng thúc giục Tổng thống Biden cân nhắc áp đặt các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng ATACMS dựa trên "các loại mục tiêu, thay vì khoảng cách từ biên giới mà Nga thậm chí còn không công nhận".

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng UAV tấn công các mục tiêu Nga ở Kharkov. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng UAV tấn công các mục tiêu Nga ở Kharkov. Ảnh: Reuters

Những nỗ lực nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng đã được đẩy mạnh sau các cuộc tấn công có hệ thống của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga và một số nhà máy điện lớn của Nga vào đầu năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình nhà nước Nga hồi tháng 9, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Sergei Shoigu cho biết Tổng thống Putin đã chấp nhận đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn với Ukraine trên Biển Đen; song ông Zelensky đã từ chối ý tưởng này. Các cuộc đàm phán gián tiếp thông qua một bên trung gian dường như "đã trật bánh" do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự của Kiev tại Kursk, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Trong khi đó, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Ukraine sở hữu nhiều nhà máy sản xuất máy bay lớn trước cả khi xung đột với Nga nổ ra hồi năm 2022, với các công ty toàn cầu như công ty máy bay Antonov và nhà sản xuất động cơ máy bay Motor Sich. Hiện tại, hơn 20 công ty khác nhau của Ukraine đã cho ra đời nhiều loại UAV bao gồm các phiên bản mới của máy bay Palianytsia, với động cơ phản ứng gần giống với tên lửa dẫn đường.

Phương Tây đã tài trợ một phần lớn cho quá trình sản xuất của Ukraine. Một sĩ quan Ukraine tham gia vào các cuộc tấn công tầm xa cho biết, các nước đồng minh cũng thường xuyên tham gia vào việc kiểm định máy bay, đồng thời đặt ra nhiều quy tắc nghiêm ngặt trong khâu sản xuất nhằm tránh gây thương vong cho dân thường.

Sau làn sóng tấn công gần đây vào các sân bay, kho vũ khí và kho dự trữ nhiên liệu, sự chú ý của Kiev đang chuyển sang các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga. Một số nhà máy quốc phòng đã bị tấn công trong những tuần gần đây.

"Nếu Nga bắt đầu mất các dây chuyền sản xuất, nếu công nhân Nga ở đó bắt đầu nghĩ rằng họ có thể bị tấn công bất cứ khi nào họ đi làm thì điều đó có thể có tác động chiến lược đến khả năng tiếp tục chiến sự của Nga", ông Anatoli Khrapchynski, Giám đốc điều hành cấp cao tại một nhà sản xuất quốc phòng của Ukraine cho biết.

Trong khi phá hủy các nhà máy lọc dầu, Kiev cũng đã kiềm chế không nhắm vào các cơ sở xuất khẩu dầu thô của Nga, một nguồn tài chính quan trọng của Điện Kremlin, mặc dù một phần đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu này đi qua Biển Đen và rất dễ tiếp cận. Nguyên nhân của sự kiềm kế này một phần đến từ mối lo ngại của Nhà Trắng về khả năng giá dầu tăng đột biến trước ngày bầu cử 5/11. Tuy nhiên, nếu cảm thấy áp lực hơn trên chiến trường trong những tháng tới, "rất có khả năng Ukraine sẽ phá rào như cách họ đã làm ở Kursk", ông Khrapchynski nhận định.

Ông Serhiy Sternenko, một nhà gây quỹ người Ukraine đang cung cấp máy bay không người lái cho quân đội, chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu dầu của Nga không được thực thi đúng cách và việc bán dầu cho các quốc gia như Ấn Độ cũng mang về cho Moscow nguồn lợi nhuận đáng kể. Nhà gây quỹ cũng cho biết các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà ga xuất khẩu dầu thô của Nga có thể được coi là một hình thức trừng phạt kinh tế khác từ Kiev.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/ukraine-ky-vong-uav-co-the-lam-thay-doi-cuoc-choi-trong-xung-dot-voi-nga-post1131105.vov