Ukraine phản ứng về việc Mỹ ủng hộ Israel 'không giới hạn'

Mỹ trong tuần này đã triển khai một hệ thống phòng không và 100 binh sĩ để bảo vệ Israel trước nguy cơ bị Iran tấn công, nhưng không hỗ trợ Ukraine với mức tương đương.

Mỹ ngày 13/10 cho biết sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Israel và cử một đội ngũ của Mỹ để vận hành hệ thống này. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Mỹ ngày 13/10 cho biết sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Israel và cử một đội ngũ của Mỹ để vận hành hệ thống này. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo tờ Politico ngày 16/10, Mỹ trong tuần này đã triển khai một hệ thống phòng không và 100 binh sĩ để bảo vệ Israel trước nguy cơ bị Iran tấn công, nhưng không hỗ trợ Ukraine với mức tương đương, mặc dù nước này hàng ngày phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV), tên lửa và bom của Nga.

Politico cho rằng ở Ukraine, điều đó bị coi là "tiêu chuẩn kép". “Nếu các đồng minh cùng nhau bắn hạ tên lửa trên bầu trời Trung Đông, tại sao vẫn chưa có quyết định bắn hạ UAV và tên lửa trên bầu trời Ukraine?”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đã đặt câu hỏi.

Khi các hệ thống phòng không cùng máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh giúp bắn hạ hàng trăm tên lửa của Iran vào ngày 1/10 vừa qua, Bộ ngoại giao Ukraine đã tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi các đồng minh của Ukraine bảo vệ không phận Ukraine với quyết tâm tương tự và không do dự trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga".

Các nước đồng minh của Israel cũng đã can thiệp vào tháng 4 năm nay để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ Iran. Politico giải thích lý do Mỹ hành động mạnh mẽ ở Israel và thận trọng ở Ukraine là rõ ràng: Nga có vũ khí hạt nhân còn Iran thì không.

“Câu trả lời rõ ràng mà Ukraine có thể không thích nghe nhưng thật không may là sự thật là chúng ta có thể chấp nhận rủi ro bắn hạ tên lửa Iran trên bầu trời Israel mà không gây ra chiến tranh trực tiếp với Tehran. Sẽ có nhiều rủi ro hơn khi thử làm điều đó với Nga vốn có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân”, một trợ lý cấp cao của Thượng viện Mỹ chuyên về chính sách với Ukraine nói với Politico. Hai quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, phát biểu với điều kiện giấu tên về vấn đề này, đã đưa ra quan điểm tương tự.

Việc cử lực lượng Mỹ đến Ukraine để bắn hạ tên lửa của Nga có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Trong khi đó, ở Trung Đông, Mỹ có thể bắn hạ tên lửa trên bầu trời Israel mà không gây ra chiến tranh với đối thủ có vũ khí hạt nhân. Iran có thể đã tinh chế vật liệu hạt nhân đến mức gần đạt tới cấp độ vũ khí nhưng chưa thử chế tạo bom nguyên tử.

Ukraine đang tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các đồng minh và đối tác phương Tây trong việc bảo vệ không phận của mình, không chỉ từ Mỹ mà còn từ các quốc gia khác trong NATO. Các quan chức Ukraine đã kêu gọi Ba Lan và Romania can thiệp tích cực để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, nhưng hai quốc gia này vẫn tỏ ra thận trọng, không muốn hành động mà không có sự đồng thuận từ toàn bộ liên minh NATO.

“Có một cuộc thảo luận sôi nổi về vấn đề này, cả ở Ba Lan và NATO”, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski cho biết, nhưng nhấn mạnh rằng sự ủng hộ từ Washington vẫn chưa đủ để thuyết phục Warsaw hành động.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng họ nhận thức được sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Ukraine, nhưng cho rằng họ đang nỗ lực hết sức để cung cấp những trang thiết bị cần thiết nhằm tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. “Chúng tôi thực sự tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine mọi thứ có thể để giúp họ tự vệ”, một quan chức Mỹ nói.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ukraine-phan-ung-ve-viec-my-ung-ho-israel-khong-gioi-han-20241016163047207.htm