Ukraine tuyên bố bắn hạ chiếc chiến đấu cơ Su-35 đầu tiên của Nga, bắt sống phi công
Trên Twitter đang lan truyền hình ảnh cho thấy một máy bay chiến đấu Su-35 của Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ gần Kharkov. Su-35 là chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Nga, chỉ đứng sau tiêm kích tàng hình Su-57.
Theo ông Anton Gerashchenko, một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine (có nguồn nói là Bộ trưởng Nội vụ), đăng tải bài viết và hình ảnh lên Twitter cho biết, chiếc Su-35của Nga đã bị bắn rơi ở Izyum, gần Kharkov ngày 3/4, viên phi công đã phóng ra thành công nhưng sau khi tiếp đất đã bị phía Ukraine bắt làm tù binh. Đây là chiếc Su-35 đầu tiên của Nga bị bắn rơi tại Ukraine và cũng là chiếc Su-35 đầu tiên bị bắn rơi trong khi tham gia chiến đấu thực tế.
Su-35 Flanker-E là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Nga, đơn giá lên tới 50 triệu USD/chiếc. Được biết đến với cái tên "Ultimate Flanker", Phòng thiết kế hàng không Sukhoi coi Su-35 làm nền tảng nghiên cứu và phát triển các thiết bị hàng không tiên tiến như hệ thống điện tử hàng không, radar, động cơ và vectơ cổng xả. Nước Nga coi Su-35 là máy bay chiến đấu "thế hệ thứ 4 ++" hoặc "thế hệ thứ 4 rưỡi" và tuyên bố rằng hiệu suất của Su-35 mạnh hơn hẳn các loại F-15E, F-16C và F/A-18E của Mỹ.
Hình ảnh được cho là viên phi công Nga bị bắt do Bộ Quốc phòng Ukraine công bố.
Về ngoại hình, Su-35 thoạt trông rất giống với Su-27 và Su-30. Người ta chỉ có thể phân biệt đó là Su-35 bởi hai đặc điểm là tiêm kích này là loại một chỗ ngồi và phần mũi không có ống không tốc.
Giới quan sát quân sự quốc tế nhận xét, vụ Su-35 bị bắn rơi này một lần nữa cho thấy Quân đội Nga vẫn chưa thể hoàn toàn chiếm được ưu thế trên không ở Ukraine như họ tuyên bố chỉ ít ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu.
Theo các hãng tin nước ngoài, chiếc máy bay chiến đấu Su-35 đã bị bắn rơi gần Izium, cách thành phố Kharkov phía bắc lớn thứ hai Ukraine 120 km về phía đông nam. Quân đội Ukraine hôm 3/4 đã công bố ảnh viên phi công lái chiếc Su-35 bị bắt với vết máu trên đầu. Trên Twitter cũng lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh chiếc Su-35 bị trúng hỏa lực phòng không và rơi từ xa, nhưng hiện nó vẫn chưa được phía Nga chính thức xác nhận.
Chiếc ghế phi công được phóng ra khi phi công nhảy dù.
Sau khi tin tức được đưa ra, những người hâm mộ quân sự đã lần lượt đưa ra phân tích. Có người chỉ ra rằng theo các bức ảnh, từ một số đặc điểm về mảnh vỡ của chiếc máy bay chiến đấu rơi có thể khẳng định đó là chiếc máy bay chiến đấu Su- 35, như "mũi máy bay không có ống không tốc", và "dải sơn chống chói màu đen", "mang thùng tác chiến điện tử Khibiny-M trên đầu cánh", "tấm kim loại chắn nhiệt bằng hợp kim titan" ở mặt trước của bộ ổn định ngang thay vì sơn ngụy trang, và cuối cùng là “Ống tiếp nhiên liệu trên không lộ đầu ra ngoài và các đèn đội hình ở phía bên dưới”.
Trang Facebook “Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga" cũng chỉ ra rằng một số đặc điểm mà chỉ Su-35 mới có trong các bức ảnh, vỏ ống chụp bên ngoài radar rất nhọn và không có ống không tốc; có hai phần nhô ra bất thường ở phần đầu phía trước của động cơ, là các cổng xả phía trên của động cơ phụ trợ; phần thứ hai là cấu trúc nơi mép đầu của cánh gần nhất với thân máy bay và cánh là vị trí của loại ăng-ten nhận dạng đa năng 4383.
Máy bay Su-35 của Không quân Nga.
Theo một nguồn tin, chiếc tiêm kích bị bắn rơi là Su-35S,bản nâng cấp của Su-35, có bán kính chiến đấu 3.400 km và có thể mang theo 12 tên lửa hoặc bom. Tạp chí chuyên nghiệp hàng không "Aviation Week" cũng phân tích, có thể nhìn thấy tấm chắn nhiệt độc đáo của chiếc máy bay chiến đấu qua các bức ảnh chụp hiện trường máy bay rơi để xác định đó là xác một chiếc Su-35S.
Chiếc Su-35 đầu tiên được cải tiến từ Su-27M/T10-24 bay thử lần đầu vào ngày 28/6/1988, được đưa vào trang bị chiến đấu từ 12/2/2014. Tính đến nay đã có 88 chiếc Su-35S và 24 chiếc Su-35SK được xuất xưởng.
Hiện nay không quân Nga có 78 chiếc Su-35S, Không quân Trung Quốc có 24 chiếc Su-35SK. Không quân Ai Cập đã đặt mua 24 chiếc Su-35K, nhưng mới nhận được 5 chiếc vào năm 2020. Indonesia năm 2015 đã đặt mua 16 chiếc Su-35 để thay thế loại F-5 cũ của Mỹ, năm 2018 lại đặt mua tiếp 11 chiếc Su-35SK, nhưng bị Mỹ ngăn cản quyết liệt. Năm 2021 Indonesia tuyên bố kế hoạch mua sắm mới, đối tượng là F-15EX của Mỹ và Rafale của Pháp, chính thức gác lại kế hoạch mua F-35 của Nga. Tháng 2/2022, Indonesia đã kí hợp đồng mua 42 chiếc Rafale của Pháp trị giá 8,1 tỷ USD.
Trên thế giới hiện mới chỉ có Không quân Nga, Không quân Trung Quốc và Ai Cập được trang bị Su-35.
Một số thông số kỹ thuật của Su-35: máy bay dài 22,2m, sải cánh: 15,15m, cao 6,43m, diện tích cánh 62m2. Trọng lượng rỗng: 17.500kg; trọng lượng cất cánh 25.700kg; trọng lượng cất cánh tối đa 34.000kg.
Tốc độ lớn nhất: Mach2, tốc độ hành trình: Mach 0,95; tốc độ leo 230m/s. Trần bay thực tế 18.000m. Bán kính chiến đấu 4.000km. Vũ khí: 1 pháo hàng không GSh-30 với 150 viên đạn, 12 mấu treo tên lửa và bom, có thể mang 8 tấn vũ khí gồm các loại tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, tên lửa không đối hạm, tên lửa không đối đất điều khiển bằng laser (Kh-29T/L) tên lửa hành trình và bom hàng không thông thường.
Hình ảnh được cho là chiếc Su-35 của Nga bị hỏa lực phòng không của Ukraine bắn rơi gần Khackov .