Ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí: Nhà đầu tư đối phó 'trốn' xả trạm?

Trong hai đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ và 30/4 - 1/5, tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí vẫn xảy ra. Để ứng phó với yêu cầu xả trạm, một số đơn vị quản lý tăng thêm cửa thu tiền mặt, bố trí thêm làn đường phía ngược chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tình huống ứng phó trái quy định.

Chiều 2/5, là ngày gần cuối dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng ô tô lưu thông hướng Hà Nội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng cao. Tại trạm thu phí KM6 phía cuối tuyến đường này đặt trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội, lượng xe phải xếp hàng dài hàng km trả phí qua trạm. Nguyên nhân chính do đây là tuyến cao tốc duy nhất từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố phía Bắc chưa áp dụng thu phí không dừng (ETC), dẫn đến tất cả ô tô qua đây phải dừng lại trả tiền mặt.

Đến 16h ngày 2/5, nhân viên trạm thu phí đã dỡ dải phân cách giữa, mở thêm các làn đường ở chiều đường đối diện để xe đi qua trạm, cùng với đó, bố trí thêm các cửa đưa vé, trả phí tiền mặt lưu động để phục vụ các làn đường mở thêm này.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (C08) - làm nhiệm vụ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết, trong các ngày từ 1 đến 2/5, lượng xe trên tuyến này tăng cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường, riêng tại trạm thu phí IC9 (Phú Thọ), do lượng xe tập trung đông và kéo dài trên 700 mét, nên ngày 1/5 Đội CSGT số 1 (C08) lập biên bản, yêu cầu đơn vị quản lý xả trạm gần 1 giờ.

“Ngày 2/5, tại trạm KM6 (Hà Nội) cũng xảy ra tình trạng xe tập trung đông để trả phí, tuy nhiên tại đây đơn vị quản lý đã đưa ra các hình thức thu phí có tính chất tình thế như bố trí thêm làn đường ở chiều đối diện, đưa vé, trả phí lưu động đã tránh được tình trạng ùn ứ kéo trên 700 mét trong chiều 2/5”, ông Thắng thông tin.

Xe xếp hàng dài trả phí tiền mặt qua trạm thu phí Nội Bài – Lào Cai dịp 30/4-1/5.

Xe xếp hàng dài trả phí tiền mặt qua trạm thu phí Nội Bài – Lào Cai dịp 30/4-1/5.

Một số chuyên gia giao thông và pháp lý cho rằng, đây chỉ là sự ứng phó để trốn xả trạm của nhà đầu tư, thậm chí còn trái với các quy định, chủ trương của Chính phủ.

Luật sư Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để tạo minh bạch và giảm tình trạng ùn tắc tại trạm thu phí Chính phủ đã yêu cầu từ năm 2019 tất cả các trạm thu phí đặt ở quốc lộ, cao tốc trên cả nước phải áp dụng thu phí công nghệ không dừng (ETC), vậy tại sao trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn chưa áp dụng, thậm chí khi ùn tắc còn nhân rộng làn thu phí bằng tiền mặt? Hơn nữa, theo ông Quyền, chiều đường đối diện của cao tốc được thiết kế để xe lưu thông thuận chiều, khi ùn tắc xảy ra đơn vị quản lý trạm lại cắt ra một đoạn để cho xe đi ngược chiều vừa sai thiết kế, vừa gây khó khăn cho phương tiện đi trên làn đường này.

Tổng Cty VEC đang “né” lắp ETC?

Ở tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, tuy đã áp dụng thu phí ETC ở một số làn, tuy nhiên việc bố trí các làn không hợp lý, đồng bộ khiến các dịp nghỉ lễ vừa qua, trạm thu phí Cao Bồ khu vực cuối tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Cụ thể, trạm cuối tuyến và mỗi chiều đường đang có từ 5 đến 7 làn thu phí nhưng tại đây chỉ được bố trí duy nhất 1 làn thu phí ETC, trong khi đó trạm vào đầu tuyến phía Hà Nội có tới 5 làn ETC. Tình trạng này làm cho tất cả xe dán thẻ ETC đi trên tuyến khi qua trạm Cao Bồ bị thắt nút cổ chai “xếp hàng” đi vào làn ETC. Trước tình trạng ùn tắc kéo dài, trong sáng 30/4, Cục CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường đã lập biên bản đơn vị quản lý và sau đó đã xả trạm.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết, là đơn vị trực thuộc nhà nước nhưng Tổng Cty VEC đang là đơn vị né, chậm trễ nhất trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước về ứng dụng công nghệ thu phí không dừng để tạo minh bạch, tránh ùn tắc.

Đại diện VATA cho rằng, thời điểm Chính phủ yêu cầu ứng dụng ETC trên các tuyến cao tốc, quốc lộ đã qua hơn 2 năm nhưng hiện 5 tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình là áp dụng công nghệ thu phí ETC, 3 tuyến còn lại gồm: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa thực hiện. Với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuy đã lắp đặt nhưng chỉ mang tính đối phó, khi toàn tuyến có tổng cộng 40 làn xe tại các trạm thu phí nhưng mới có 15 làn trong tổng số này có ETC, với trạm Cao Bồ thì chỉ có 1 làn duy nhất cho mỗi chiều đường.

“Trong khi đó ô tô dán thẻ thu phí không dừng đi lại trên đường được tính toán là trên 50% số lượng xe; với các trạm thu phí trên cao tốc khác số làn ETC cũng đã đáp ứng được 50%, riêng tuyến Hà Nội - Hải Phòng được yêu cầu 1/6 phải áp dụng thu phí ETC trên tất cả các làn”, đại diện VATA thông tin.

Lý giải về việc vì sao đến nay phần lớn các tuyến cao tốc do VEC xây dựng, quản lý vẫn chưa áp dụng thu phí không dừng, đại diện Tổng Cty VEC cho biết, hiện nay phương án tài chính qua thu phí của các dự án VEC triển khai chỉ được quy định để hoàn vốn dự án, không được trích để đầu tư cho công nghệ, hạ tầng thay đổi phương án thu phí. Do vậy, thời gian qua các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã bị chậm ứng dụng công nghệ. VEC đang đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ cho việc này.

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/un-tac-keo-dai-tai-cac-tram-thu-phi-nha-dau-tu-doi-pho-tron-xa-tram-post1435822.tpo