Ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nói gì về Bắc Kinh?
Ngày 20/10, ứng cử viên của Tổng thống Joe Biden cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns khẳng định, Washington nên 'tin tưởng vào sức mạnh của chúng ta' khi đối phó với sự trỗi dậy của Bắc Kinh, một quốc gia mà ông nói rằng Mỹ và các đồng minh có thể chế ngự.
Nhà ngoại giao kỳ cựu với quan điểm cứng rắn
Nicholas Burns, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và là nhà ngoại giao với hàng chục năm kinh nghiệm ở Washington và ở nước ngoài, đã có buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng chuyển hướng sự tập trung ở nước ngoài sang việc quản lý cạnh tranh với Trung Quốc.
Chức vụ Đại sứ tại Trung Quốc là một trong những vị trí quan trọng nhất đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Sự quyết đoán của Bắc Kinh về mặt quân sự, ngoại giao và kinh tế trong khu vực và hơn thế nữa dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ngày càng làm dấy lên những cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Nhiều người đã nhắc đến một cuộc chạy đua vũ trang, với cảnh báo về việc Trung Quốc đang đe dọa vượt qua Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, thương mại, công nghệ quân sự và các lĩnh vực khác nhằm thách thức ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
Trong buổi điều trần ngày 20/10, ông Burns đã thể hiện thái độ bình tĩnh hơn, cho rằng mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc có thể quản lý được.
Ứng cử viên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nói: “Trung Quốc không phải là một cường quốc thần thánh. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia có sức mạnh phi thường, nhưng Bắc Kinh cũng có những điểm yếu và thách thức đáng kể về mặt nhân khẩu học, kinh tế, chính trị.
Mỹ nên tin tưởng vào sức mạnh của chúng ta, niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, vào cộng đồng đổi mới của chúng ta, vào các trường đại học của chúng ta, vào khả năng thu hút những sinh viên giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới, và tự tin vào quân đội vô song của chúng ta…
Chúng ta sẽ thành công nếu xây dựng được sức mạnh của Mỹ xoay quanh chính sách ngoại giao của mình”.
Ông nhấn mạnh việc xây dựng các liên minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là điều cần thiết để chống lại Trung Quốc. Ông cũng ca ngợi thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) là có tiềm năng “chuyển đổi".
Chính trị gia này đã nhắc lại quan điểm của chính quyền Tổng thống Biden về việc hợp tác với Trung Quốc nếu có thể , đồng thời lên án nhiều hành động của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề thương mại, nhân quyền...
Là quan chức số ba của Bộ Ngoại giao trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush, ông Burns đã dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran và ký kết thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ, vốn bị một số người chỉ trích là đã làm suy yếu chính sách lâu nay về không phổ biến hạt nhân.
Công việc của ông kể từ khi rời ngành ngoại giao bao gồm giảng dạy ngoại giao tại Trường Chính phủ John F. Kennedy của Đại học Harvard.
Với tư cách là một chính khách cấp cao dưới thời các chính quyền của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, ông Burns có nhiều khả năng giành được sự ủng hộ rộng rãi trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện cho vị trí đề cử.
Tuy nhiên, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Ted Cruz ở Texas và Josh Hawley ở Missouri, đang cam kết ngăn chặn các đề cử của Tổng thống Biden vì các tranh cãi không liên quan, gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự trong cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á
Ông Burns đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á như một phương tiện để ngăn chặn các hành động hung hăng của Trung Quốc.
Nhà ngoại giao 65 tuổi này nêu rõ: "Có lẽ điều quan trọng nhất mà chúng tôi có thể làm là duy trì vị thế quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc, không chỉ trong chuỗi đảo đầu tiên đó, mà còn ở Căn cứ Không quân Anderson của Washington ở Guam”. Ông đã mô tả sự hiện diện này giống như một "biện pháp răn đe hiệu quả để gìn giữ hòa bình”.
Ông Burns nói rằng, các thông tin về việc Trung Quốc đang theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân, cũng như các thông tin về các hệ thống phóng mới của Bắc Kinh, là rất đáng quan ngại.
Tờ Financial Times mới đây đưa tin rằng, vào tháng 8/2021, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên, nói rằng đó là một "cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường”.
Ông Burns khẳng định: "Điều khiến tất cả chúng ta phải bận tâm là thái độ của chính phủ Trung Quốc. Họ không tin rằng họ có thể bị kiểm soát vũ khí theo bất kỳ hình thức nào.
Mỹ tuân thủ điều đó, và Nga cũng vậy, ít nhất là trong quá khứ. Các đồng minh hạt nhân khác của chúng ta, Anh và Pháp cũng vậy.
Tôi biết chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã nỗ lực để thúc đẩy Trung Quốc suy nghĩ về nghĩa vụ của họ, và đã đúng khi làm điều đó. Tôi nghĩ quan trọng là chúng ta tiến hành điều đó trên cơ sở lưỡng đảng. Tuy nhiên, chắc chắn rằng đây là các diễn biến bất ổn”.
Cũng trong ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tên lửa siêu thanh của Trung Quốc, vài ngày sau khi thông tin cho biết Bắc Kinh đã thử nghiệm một phương tiện bay siêu thanh được trang bị vũ khí hạt nhân.
Vũ khí siêu thanh di chuyển trong tầng khí quyển với tốc độ khoảng 6.200 km/h - gấp hơn 5 lần tốc độ âm thanh.
Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh tốc độ chế tạo vũ khí siêu thanh - thế hệ vũ khí tiếp theo khiến các đối thủ không có thời gian phản ứng - để theo kịp các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc và Nga.
Thượng nghị sĩ Angus King của bang Maine cho biết: “Vũ khí siêu thanh là yếu tố thay đổi cuộc chơi chiến lược với tiềm năng nguy hiểm làm suy yếu cơ bản sự ổn định chiến lược.
Mỹ không thể tụt hậu trong sự phát triển này hoặc cho phép có những điểm mù khi chúng ta theo dõi sự tiến bộ của các đối thủ. Tác động của những loại vũ khí đang được Trung Quốc hoặc Nga phát triển có thể rất thảm khốc”.