Ứng dụng công nghệ 4.0 xây dựng Bộ dư địa chí các dân tộc thiểu số Lâm Đồng

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 1,3 triệu người với 47 dân tộc anh em, gồm dân tộc Kinh và 46 dân tộc thiểu số (DTTS) đã làm nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa. Để có thể quản lý, khai thác tốt hơn nguồn nội lực của các DTTS của Lâm Đồng, rất cần những tài liệu ghi chép, biên soạn đầy đủ, đồng bộ, khoa học và khách quan về các vấn đề liên quan đến cộng đồng các DTTS của tỉnh. Từ đó làm cơ sở để bảo tồn, khai thác, phát huy tốt, sẽ là những nội lực quan trọng cho quảng bá du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách phù hợp, hiệu quả hơn ở vùng DTTS của địa phương.

Nhà dài là không gian văn hóa của người Mạ - Bảo Lâm

Nhà dài là không gian văn hóa của người Mạ - Bảo Lâm

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Bộ dư địa chí các DTTS tỉnh Lâm Đồng” là nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, được Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng giao cho Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc chủ trì thực hiện đề tài nhằm lưu trữ các thông tin có giá trị không bị mai một, thất truyền. Dư địa chí được xây dựng nhằm biên soạn, giới thiệu tổng quan về địa lý, lịch sử, phong tục, kinh tế, văn hóa... các dân tộc ít người đang sinh sống ở Lâm Đồng; phạm vi nghiên cứu là toàn bộ 46 dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu về địa chí, dân tộc học, ứng dụng công nghệ sẽ tiến hành điều tra, điền dã, khảo sát chuyên sâu 16 DTTS cư trú tập trung thành cộng đồng và các DTTS có dân số lớn hơn 1.000 dân; riêng các DTTS có dân số nhỏ hơn 1.000 dân sống xen kẽ với các dân tộc anh em khác sẽ sử dụng các tài liệu thứ cấp, tài liệu kế thừa, thực hiện khảo sát bổ sung. Sau đó sẽ tiến hành phân tích, xử lý thông tin, tổng hợp, thống kê tài liệu, số liệu về dân số, văn hóa, phong tục, tập quán, đời sống kinh tế, địa bàn cư trú...; rồi xây dựng phần mềm, số hóa các nội dung để đưa vào Bộ dư địa chí.

Việc số hóa Dư địa chí DTTS tỉnh Lâm Đồng không chỉ ghi chép văn hóa, phong tục các DTTS địa phương bằng ngôn ngữ nói mà còn bằng hình ảnh.

Có thể nói các sản phẩm di sản văn hóa vật thể được chụp 3D đã mang lại những trải nghiệm chân thực, đa diện, sống động. Những ngôi nhà sàn truyền thống được chụp 360 độ từ trên không giữa không gian quen thuộc từ hàng trăm năm, từng ngóc ngách bên trong căn nhà, vị trí của từng căn phòng, bếp nấu cho chủ, cho khách đều được chụp lại chi tiết, chân thực. Điều này không chỉ cho những nhà nghiên cứu, quản lý, những người quan tâm hình dung dễ dàng về nơi ở truyền thống của các dân tộc; mà còn giúp cho việc phục dựng, khôi phục những ngôi nhà truyền thống dễ dàng hơn.

Có thể nói, ứng dụng công nghệ số xây dựng Bộ dư địa chí các DTTS là công việc khá phức tạp và chưa có cơ quan quản lý văn hóa, dân tộc nào triển khai thực hiện trên toàn quốc. Bởi thực tế hiện nay, 63/63 tỉnh, thành cả nước không có địa phương nào chỉ có một vài dân tộc sinh sống. Riêng Lâm Đồng, bên cạnh các dân tộc bản địa (K'Ho, Churu, Mạ, M'nông, S’tiêng) còn các DTTS từ khắp mọi miền đến lập nghiệp (Tày, Thái, Mường, Nùng, H’Mông, Dao, Chăm, Khơ me...). Không gian sinh tồn biến đổi, sinh kế biến đổi theo, văn hóa, phong tục, tập quán dần bị mai một, biến dạng. Để thu thập thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan, nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra xã hội học toàn bộ 47 dân tộc của tỉnh (gồm cả dân tộc Kinh) ở 12/12 thành phố, huyện trong tỉnh, với 1.440 phiếu tại 480 thôn, khu phố có người DTTS cư trú tập trung thành cộng đồng. Đối tượng được điều tra là những người có uy tín, cán bộ thôn, văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân là người DTTS.

Trong các thông tin thu thập về các DTTS gồm mọi lĩnh vực, cả thông tin định tính và định lượng, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, địa lý,... nên việc phân loại, sắp xếp thông tin về các dân tộc ra sao để thiết kế các phân hệ điều hành cho phần mềm quản lý cũng là một vấn đề gặp nhiều trở ngại. Việc đối chiếu những biến đổi về văn hóa phong tục tập quán của các DTTS trong truyền thống và hiện nay cũng rất khó khăn, nhất là khi văn hóa, phong tục, tập quán đã mai một nhiều do không gian cư trú thay đổi, do quá trình cộng cư, sinh sống đan xen giữa các dân tộc anh em.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu (Học viện Dân tộc) cho biết: Vượt qua khỏi mọi khó khăn, trở ngại, việc thiết kế thí điểm một phần mềm quản lý thông tin tổng hợp về các DTTS tỉnh Lâm Đồng đã là một thành công. Phần mềm sẽ giúp cho việc sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn, nghiên cứu về các DTTS của tỉnh được thuận lợi, thống nhất về đầu mối thông tin, tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm. Sẽ là cơ sở để các cơ quan liên quan hoạch định các kế hoạch triển khai ở vùng DTTS của tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng bộ dư địa chí sẽ dễ dàng tra cứu, tiếp cận thông tin, cập nhật dữ liệu về đồng bào DTTS địa phương, kết nối giữa quá khứ, hiện tại, đến tương lai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202410/ung-dung-cong-nghe-40-xay-dung-bo-du-dia-chi-cac-dan-toc-thieu-so-lam-dong-dc401e0/