Ứng dụng công nghệ chống khai thác IUU

Để phục vụ công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc ứng dụng công nghệ quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.

Triển khai rộng rãi

Quản lý đội tàu chặt chẽ và thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác là những yêu cầu của Ủy ban Châu Âu liên quan đến cảnh báo “Thẻ vàng” IUU. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động các chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Đến nay, toàn tỉnh có 643 tàu trong tổng số 646 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã hoàn tất việc lắp đặt thiết bị này. Tỉnh cũng đã đầu tư hệ thống giám sát tàu cá (trạm bờ) đặt tại Chi cục Thủy sản để giám sát hoạt động tàu cá 24/24 trong quá trình khai thác trên biển.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ vào quản lý đội tàu, Khánh Hòa là địa phương đi đầu trong việc triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (phần mềm eCDT). Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cấp 197 tài khoản trên hệ thống eCDT cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến hải sản; hướng dẫn cài đặt ứng dụng eCDT cho hàng trăm chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh… Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên trong cả nước lắp đặt 4 máy tính bảng kiosk cài đặt phần mềm eCDT tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá ở các cảng: Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương và Đại Lãnh. Địa phương cũng tiên phong trong việc kiểm soát tàu cá và sản lượng hải sản trên phần mềm eCDT. Từ khi bắt đầu triển khai phần mềm eCDT vào tháng 3, đến hết tháng 9-2024, các cơ quan quản lý đã thực hiện các thủ tục quy định qua phần mềm này đối với 3.255 lượt tàu cá xuất bến, 2.862 lượt tàu cá nhập bến, xác nhận sản lượng hải sản qua cảng 9.455 tấn, cấp 683 biên nhận bốc dỡ hải sản, cấp 42 giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản khai thác; 2 giấy chứng nhận nguyên liệu hải sản khai thác.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động kiosk cài đặt phần mềm eCDT tự phục vụ tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cảng Đại Lãnh.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động kiosk cài đặt phần mềm eCDT tự phục vụ tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cảng Đại Lãnh.

Nhiều tiện ích và minh bạch

Ông Nguyễn Đức Thắng - chủ 2 tàu cá ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) cho biết: “Trong quá trình khai thác trên biển, nhiều khi ngư dân mải đuổi theo đàn cá mà vô tình đến sát ranh giới vùng được phép khai thác. Việc lắp đặt và duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá sẽ giúp ngư dân được cảnh báo kịp thời khi mất tín hiệu giám sát hành trình tàu cá, khi hoạt động gần đường ranh giới được phép khai thác trên biển, cũng như được hỗ trợ kịp thời trong việc cảnh báo thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn khi có sự cố…”. Ngoài ra, việc ứng dụng phần mềm eCDT vào hoạt động khai thác trên biển cũng giúp ngư dân dễ dàng nhập thông tin khai thác và thông tin này sẽ được cập nhật nhanh chóng với hệ thống của các cơ quan chức năng khi tàu về bờ.

Việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các thủ tục cho tàu cá xuất, nhập cảng nhanh chóng; xác nhận sản lượng và chứng nhận sản lượng, nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác cho doanh nghiệp dễ dàng và đảm bảo minh bạch, hợp pháp. “Đối với ban quản lý cảng cá, việc áp dụng phần mềm này sẽ giúp rút ngắn thời gian xác nhận, chứng nhận, đáp ứng nhu cầu cập cảng, lên cá của các tàu cá. Bởi lẽ, các tàu thường cập cảng tập trung cùng thời điểm, vài chục tàu mỗi ngày, nếu làm thủ công rất vất vả, dễ nhầm lẫn”, ông Hoàng Bá Yên - Trưởng ban Quản lý cảng cá Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) chia sẻ.

Đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, phần mềm eCDT giúp giảm nhiều thời gian để xác nhận chứng nhận, minh bạch; dễ dàng truy vết nguồn gốc nguyên liệu và có thể lưu trữ thông tin trên máy tính. Khi có yêu cầu của đối tác nhập khẩu, các đoàn thanh tra, kiểm tra nguồn gốc thủy sản chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin dễ dàng, nhanh chóng. Với nhiều ưu điểm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng phần mềm này vào hoạt động của mình.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, việc ứng dụng công nghệ, nhất là phần mềm eCDT đã hỗ trợ tích cực cho công tác chống khai thác IUU. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã nảy sinh một số bất cập, như: Một số tính năng của phần mềm chưa ổn định, chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế; ngư dân thao tác trên phần mềm chưa thuần thục; cơ sở dữ liệu tàu cá thực tế và trên phần mềm chưa được đồng bộ kịp thời… Những bất cập này sẽ được ngành quan tâm, khắc phục dần trong thời gian tới.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202410/ung-dung-cong-nghe-chong-khai-thac-iuu-de15b91/