Ứng dụng công nghệ để bảo vệ, duy trì giá trị nguyên gốc của di tích

Ngày 22/10, tại Bảo tàng Quảng Nam, Viện Bảo tồn Di tích, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học 'Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích'.

Ths. KTS Trần Quốc Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo.

Ths. KTS Trần Quốc Tuấn phát biểu kết luận Hội thảo.

ThS.KTS Trần Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; ThS Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và TS Trần Minh, chuyên gia đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Sương, Bảo tàng Quảng Nam cho biết, theo các nhà nghiên cứu Tây phương, người Champa đã sử dụng một loại chữ viết khá sớm để tạc khắc chữ trên các bia đá. Nội dung trên một số bia ký ở Champa cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin có giá trị khoa học về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, lễ nghi và cương vực lãnh thổ của Champa.

Đây là nguồn tài liệu vô cùng quan trọng trong nghiên cứu văn hóa Champa. Quảng Nam là vùng đất trọng yếu nhất trong lịch sử Vương quốc Champa, là nơi đặt hai kinh đô chính trị Simhapura và Indrapura, là trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo với khu thánh địa Mỹ Sơn… Với may mắn đó, ở Quảng Nam có nhiều các di sản văn hóa Champa đặc biệt di sản văn khắc trên đá còn được lưu giữ lại cho tới hiện nay.

Các đại biểu trình bày ý kiến tại Hội thảo.

Các đại biểu trình bày ý kiến tại Hội thảo.

ThS Lê Văn Cường, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho hay, hiện nay các đền tháp ở khu B, C, D, trung tâm du tích được gia cố lại những năm 1980, vật liệu gạch chủ yếu sử dụng lại gạch cũ và kết dính bằng vữa xi măng. Tuy nhiên rêu, mốc và các loại vi sinh phát triển rất nhiều, làm hủy hoại bề mặt gạch trùng tu, lây lan đến những mảng tường gốc. Các khu tháp A, H, K, E7 mới được trùng tu (2003 -2022) có sử dụng gạch phục chế và liên kết bằng vôi vữa… Sau thời gian ngắn đã xuất hiện hiện tượng muối, mủn hóa bề mặt gạch mới và rêu mốc xuất hiện rất nhanh.

ThS Lê Văn Cường chia sẻ thêm, cần có sự tập trung nghiên cứu tổng thể để có giải pháp bảo quản vật liệu tại Mỹ Sơn tốt hơn trong tình hình mới. Hiện tượng địa y, nấm mốc trên hiện vật, tường tháp, mũn hóa bề mặt vật liệu. Quan tâm công tác nghiên cứu gắn với thực nghiệm bảo quản vật liệu. Bên cạnh chất bảo quản mới, cần có sự quan tâm đến chất bảo quan tự nhiên, gần với người xưa. Tìm ra vật liệu phù hợp để khôi phục hiện trạng ban đầu, bảo vệ di tích khỏi sự tàn phá của tự nhiên.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu trình bày tham luận như: Thực trạng và các vấn đề về quản lý bảo quản vật liệu gạch, đá tại di tích tháp Champa ở Bình Định; Thực trạng công tác bảo quản hiện vật nói chung và công tác bảo quản hiện vật chất liệu gốm, sứ, đá, thủy tinh mới riêng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh; Ứng dụng bảo quản bề mặt vật liệu di tích bằng công nghệ; Bảo quản bề mặt đá sa thạch bằng công nghệ hóa học; Kỹ thuật và vật liệu trong xây dựng tháp phật giáo ở miền Bắc Việt Nam;…

Phát biểu kết luận Hội thảo, ThS.KTS Trần Quốc Tuấn cho rằng, qua các tham luận và thảo luận, các vấn đề được đề cập và quan tâm tại hội thảo như: Thực trạng về các vật liệu gach đá trong di tích đặc biệt là di tích đền tháp Champa, những vấn đề hư hỏng do các tác nhân sinh học như nấm mốc, địa y, rêu tảo…; tác nhân hóa học như muối hóa, mủn mục… và thực trạng về công tác bảo tồn di tích đã và đang được thực hiện tại các di tích hiện nay. Các kỹ thuật và công nghệ bảo quản vật liệu gạch, đá hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới: Các ứng dụng tiên tiến trong công nghệ hóa học đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì giá trị nguyên gốc của di tích.

Những tiến bộ trong chất bảo quản, gia cường và kỹ thuật xử lý giúp kéo dài tuổi thọ của di tích trước tác động của môi trường và thời gian. Các tham luận cũng đề cập đến các công nghệ mới và hợp chất hóa học thân thiện với môi trường để xử lý vấn đề ăn mòn hóa học, gia cường cho vật liệu gạch;...

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

ThS.KTS Trần Quốc Tuấn nói, các tham luận cũng đề cập đến những kết quả trong công tác ứng dụng thử nghiệm, thi công các kỹ thuật, công nghệ bảo quản vật liệu đã được thực hiện tại một số di tích. Những đánh giá về hiệu quả, thời gian tác động và đưa ra những khuyến nghị cho việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ trên diện rộng. Hội thảo đã tạo ra diễn đàn kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu và triển khai các dự án bảo tồn di tích trong tương lai.

Một tháp khu di tích Mỹ Sơn được trùng tu.

Một tháp khu di tích Mỹ Sơn được trùng tu.

Với những kết quả đạt được, hội thảo khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, góp phần bảo vệ những giá trị quý báu của lịch sử và văn hóa dân tộc.

Trong chiều 22/10, các đại biểu tham quan thực tế một số kết quả ứng dụng thử nghiệm trong bảo quản bề mặt vật liệu tại di tích tháp Chăm Chiên Đàn, huyện Phú Ninh và tháp E7, B4, thuộc khu di tích Mỹ Sơn.

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ung-dung-cong-nghe-de-bao-ve-duy-tri-gia-tri-nguyen-goc-cua-di-tich-10292818.html