Ứng dụng công nghệ hiện đại để cảnh báo sớm thiên tai

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cần tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm; phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân.

 Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: TL)

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: TL)

Sáng 22/10, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong đã tổ chức Tọa đàm “Thích ứng với thiên tai ngày càng dự thường, khốc liệt”.

Cảnh báo sớm là giải pháp quan trọng để tránh thiệt hại

Theo các chuyên gia, miền Bắc nước ta vừa trải qua một thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua khi siêu bão YAGI (bão số 3) đổ bộ và tàn phá, gây ra gió mạnh dữ dội, mưa lớn bao trùm miền Bắc, lũ lịch sử trên các dòng sông và ngập lụt ở 21 tỉnh/thành phố. Hậu quả để lại vô cùng to lớn và tang thương.

Tính đến ngày 28/9, bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đã khiến 344 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính trên 81.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng dị thường, khốc liệt hơn nữa. Bởi vậy, cần có các giải pháp để chính quyền, người dân, doanh nghiệp chủ động phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV), hiện nay, chúng ta đã có thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng và có những thông tin đầy đủ cũng như những kỉ lục của cơn bão số 3. Từ áp thấp nhiệt đới hình thành ở ngoài biển Đông hồi đầu tháng 9, khi vào biển Đông (vào ngày 3/9) khoảng 2 ngày sau, bão đã tăng từ cấp 8 lên cấp 16. “Đây là kỉ lục đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận có độ tăng cấp nhanh nhất. Đây cũng là cơn bão có hoàn lưu rất rộng, mắt bão rất sắc nét và khẳng định đây là cơn bão cực kì nguy hiểm”, ông Cường cho hay.

Theo ông Hoàng Đức Cường, trong 48 tiếng, bão số 3 đã tăng cấp nhanh nhất đến 8 cấp. Đây là siêu bão có hoàn lưu bão rộng nhất là trên biển Đông.

Khi vào đất liền như các cơn bão khác, ngày 8/9, bão gây mưa lớn phủ khắp Bắc Bộ và Thanh Hóa. Lượng mưa phổ biến của cơn bão ở mức 400 - 500mm, nhiều nhất là 700mm.

Cơn bão đã ảnh hưởng nhiều nhất trên hệ thống sông Thao khiến nhiều nơi lũ lên mức lịch sử. Mặt khác, năm nay, tháng 6,7 đã gây sạt lở kéo dài diện rộng tại nhiều địa phương…

Chia sẻ về giải pháp nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Cường cho rằng, cảnh báo sớm là một giải pháp quan trọng để tránh thiệt hại cho người dân.

Theo ông Cường, Trung tâm Khí tượng Thủy văn đưa ra 4 giải pháp quan trọng:

Thứ nhất, cần đặt nhiều quan trắc dày hơn để có nhiều số liệu hơn, vùng núi dày hơn để đánh giá kĩ lưỡng, cảnh báo sớm hơn, kĩ lưỡng hơn, có thể lắp rada để bớt sai số nhiều hơn.

Thứ hai, tăng cường hệ thống công nghệ cảnh báo sớm; phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong loại hình cảnh báo sớm.

Thứ ba, cần hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước; tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới.

Thứ tư, ứng dụng các phương tiện hiện đại trong việc truyền tin; trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất, dễ nhất đến các đối tượng là người dân.

Tái thiết lại kinh tế cũng như đời sống của người dân sau bão

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết: Chúng ta phải đặt công tác phòng chống thiên tai thường xuyên, liên tục. Những khu vực ngập lụt phải có giải pháp thích ứng và quản lý rủi ro nhằm đảm bảo tính chủ động. Trên thực tế, thời gian vừa qua, chúng ta đã có những giải pháp ứng phó để người dân thích nghi, không phải di chuyển đi nơi khác.

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: TL)

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: TL)

Trong khi các loại hình thiên tai có xu thế ngày càng cực đoan thì quá trình phát triển kinh tế - xã hội, dân số gia tăng cũng tác động đến thiệt hại. “Ngày nay, các đơn vị, người dân kinh doanh, sản xuất giá trị lớn nên thiệt hại cũng rất cao. Chúng ta cần định hướng gây dựng lại thiệt hại kinh tế theo hướng bền vững”, ông Hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, tổng thể trong năm 2024 cũng là một năm đặc thù khi có lượng mưa lớn kéo dài hàng tháng gây ra các vụ sạt lở đất. Tính từ đầu năm đến nay, có tới 501 người chết và mất tích do thiên tai, tăng 2,38 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Về kinh tế, thiệt hại gấp 4 lần so với trung bình 10 năm gần đây (trung bình năm các năm gần đây là khoảng 21.000 tỉ đồng/năm).

Dù đã được cảnh báo nhưng đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khiến nhiều người chết. Bởi vậy, trong tương lai, chúng ta cần tăng cường cảnh báo để hạn chế thiệt hại về người, tài sản ở các điểm sạt lở.

“Từ những con số thiệt hại về người và kinh tế kể trên, tôi cho rằng, chúng ta cần suy ngẫm, nhìn nhận lại để có bài học kinh nghiệm ứng phó cũng như tái thiết lại kinh tế, đời sống của người dân. Trong đó, chú ý đối tượng tổn thương nhiều nhất là người dân sản xuất nông nghiệp, cần có giải pháp để phòng tránh rủi ro thiên tai bất thường có thể lặp lại trong thời gian tới”, ông Hải đề xuất.

Đại diện địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 vừa qua, ông Đặng Văn Tâm, Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng cùng với Quảng Ninh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3.

Ghi nhận cơn bão ở cấp 12, giật tới cấp 15, thành phố Hải Phòng đã chủ động trong công tác phòng ngừa. Lần đầu tiên, cả hệ thống chính trị của Hải Phòng vào cuộc từ sớm, từ xa trước khi bão đổ bộ vào Biển Đông.

Theo thống kê tổng thiệt hại cơn bão gây ra là trên 13.000 tỷ, trong đó thiệt hại của người dân hơn 7.200 tỷ, cơ quan nhà nước ở Hải Phòng là hơn 1.800 tỷ, doanh nghiệp là hơn 4.000 tỷ.

“Sau cơn bão, chúng tôi đánh giá, khó khăn lớn nhất của Hải Phòng chính là cơ sở hạ tầng. Khi bão số 3 diễn ra và sau bão, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn. Các mạng viễn thông mất sóng, như ở đảo Cát Hải mất liên lạc vài ngày sau bão”, ông Đặng Văn Tâm nói.

Đưa ra giải pháp sau bão, ông Tâm cho rằng, thành phố Hải Phòng chỉ đạo đầu tư hệ thống điện, viễn thông, cấp thoát nước đô thị, trồng cây xanh đô thị. “Ở Hải Phòng, lượng cây xanh đô thị nhiều nên các cơ quan cần nghiên cứu trồng cây gì để chống chịu với bão, và trồng ở đâu? Chúng ta cần tham khảo các nước trồng cây theo khu vực hoặc trong công viên, chứ không nên trồng ven đường”, ông Tâm cho biết.

Theo ĐCSVN

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/218976/ung-dung-cong-nghe-hien-dai-de-canh-bao-som-thien-tai