Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất phân bón hữu cơ

Nhằm hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị quy trình kỹ thuật triển khai Dự án: 'Nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật bản địa xử lý phân bò, gà sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa'.

 Sản xuất lúa hữu cơ tại Hải Lăng - Ảnh: T.A.M

Sản xuất lúa hữu cơ tại Hải Lăng - Ảnh: T.A.M

Sau 1 năm thực hiện, dự án đã đạt được kết quả tốt và đưa vào ứng dụng có hiệu quả cao trong thực tế. Dự án đã ứng dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa để tái chế chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ sạch, rẻ tiền phục vụ sản xuất lúa hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo việc làm cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Dự án đã lựa chọn chế phẩm vi sinh có các chủng vi sinh vật bản địa phù hợp để ứng dụng chế biến phế thải chăn nuôi thành sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học phù hợp với điều kiện của tỉnh; đầu tư xây dựng nhà xưởng, gia công lắp đặt dây chuyền, thiết bị sản xuất phân bón viên nén hữu cơ quy mô công nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ.

Sản lượng sản xuất thử nghiệm 450 tấn phân bón viên nén hữu cơ đạt chất lượng chuyên dùng cho cây lúa được ứng dụng vào sản xuất lúa hữu cơ tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng với quy mô 50 ha, đạt các chỉ tiêu về sinh trưởng, giảm sâu bệnh, cây phát triển tốt cho năng suất lúa đạt 60 - 65 tạ /ha.

Với mong muốn ứng dụng công nghệ vi sinh nhằm tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong chăn nuôi có hiệu quả, tạo được nguồn phân bón hữu cơ viên nén chất lượng cao và làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, giảm được lượng phân bón vô cơ trong sản xuất lúa, nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã thành lập đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện dự án có chuyên môn và kinh nghiệm trong các lĩnh vực thuộc nội dung của dự án. Phối hợp hoạt động với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án để bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường.

Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất phân bón viên nén hữu cơ tại Nhà máy Viên năng lượng Cam Lộ với các thông số kỹ thuật đạt chuẩn. Với nguồn nguyên liệu khá dồi dào về khối lượng, công ty đã sử dụng các chủng vi sinh vật để đẩy nhanh tốc độ phân hủy các phế thải, rút ngắn thời gian ủ, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra phân bón có chất lượng.

Các chủng vi sinh vật được lựa chọn làm tác nhân phân hủy chất hữu cơ có hoạt tính sinh học cao, phát triển tốt trên cơ chất hữu cơ, không độc đối với người, động thực vật và vi sinh vật hữu ích, nhân sinh khối dễ dàng, thuận lợi cho việc ứng dụng vào xử lý chất thải trong chăn nuôi thành phân bón hữu cơ.

Chất thải hữu cơ được pha trộn với rỉ đường và bổ sung chế phẩm vi sinh vật, sau đó qua các công đoạn ủ yếm khí với tổng thời gian ủ từ 28 - 35 ngày. Sau khi qua công đoạn phơi, sục khí cưỡng bức, nghiền, sàng, ép viên, sản phẩm cuối cùng tạo ra là phân bón hữu cơ, được kiểm tra chất lượng trước khi đóng bao với 2 mẫu khối lượng 25 kg/bao và 50 kg/bao.

Huyện Hải Lăng là nơi có nhiều diện tích ruộng lớn đạt điều kiện để sản xuất lúa hữu cơ, trong gần 7.000 ha ruộng của huyện có gần 1.500 ha đạt tiêu chuẩn. Vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã lựa chọn HTX Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng triển khai sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng phân bón viên nén hữu cơ (sử dụng 100% phân bón viên nén hữu cơ cho suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa) và các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men để bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Làm tiền đề nhân rộng đến các địa phương khác.

Mô hình được thực hiện với quy mô 50 ha, có 100 hộ dân tham gia, sử dụng giống lúa ST25. Sau khi chọn điểm thực hiện, công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa hữu cơ. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND xã, Ban quản trị HTX để quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện mô hình theo yêu cầu sản xuất lúa hữu cơ.

Sản phẩm phân viên nén hữu cơ từ phân gà, phân bò và phế phụ phẩm nông nghiệp là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế, đánh giá quy trình kỹ thuật được ứng dụng trong quá trình sản xuất phân viên nén hữu cơ. Tổng doanh thu đạt được của dự án đạt 1,8 tỉ đồng, trừ các loại chi phí, lợi nhuận đưa lại đạt 329 triệu đồng. Về hiệu quả xã hội, dự án đã tận dụng được nguồn phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng, giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài khiến môi trường sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tài nguyên đất. Việc chuyển từ phân bón hóa học sang các loại phân bón hữu cơ được xem là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phục hồi môi trường trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đến nay, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và lúa hữu cơ đạt gần 300 ha/năm và tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Quảng Trị đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2030 diện tích lúa hữu cơ lên trên 3.000 ha, diện tích lúa VietGAP trên 7.000 ha. Như vậy, nhu cầu về phân bón hữu cơ nói chung và phân bón viên nén hữu cơ nói riêng là rất lớn.

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng của nền nông nghiệp hiện đại. Phương thức sản xuất sạch này hiện được ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh khuyến khích nông dân áp dụng, nhân rộng.

Hiện nay, quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ viên nén từ chất thải chăn nuôi dạng rắn đã được Sở Khoa học và Công nghệ bàn giao cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị làm chủ và tiến hành sản xuất sản phẩm thương mại cung cấp nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, hạn chế phân bón hữu cơ nhập khẩu để giảm giá thành sản xuất.

Trần Anh Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=172245&title=ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-trong-san-xuat-phan-bon-huu-co