Ứng dụng mạng cảm biến trong kiểm soát độ mặn

Hiện nay, hạn hán, xâm nhập mặn đang là nỗi lo chung của ngành nông nghiệp trong chỉ đạo sản xuất và của bà con nông dân tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Do đó, việc kiểm soát độ mặn để có hướng ứng phó kịp thời cho trồng trọt, chăn nuôi được xem là giải pháp tối ưu nhất. Hiện nay, việc ứng dụng hệ thống mạng cảm biến đặt tại cửa sông kết nối đến điện thoại thông minh cung cấp nhanh số liệu đo đạc độ mặn truyền đến máy điện thoại nhanh chóng đang được ngành chuyên môn, người dân đánh giá cao vì nó mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong những tháng vừa qua, độ mặn đo tại các sông luôn ở mức cao. Theo thông tin của ngành chuyên môn, độ mặn cao nhất ở cửa sông trên địa bàn thị trấn Kế Sách (Kế Sách) có thời điểm lên đến 10‰. Với độ mặn trên, nếu ngành chuyên môn không kịp thời khuyến cáo đến hộ dân thì chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn khi vô tình nông dân (nhất là các nhà vườn) lấy nước vào tưới cho vườn cây ăn trái.

Nhờ đến hệ thống mạng cảm biến mà vườn bưởi da xanh, diện tích 1,5ha của ông Huỳnh An Khương, ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành (Kế Sách) an toàn trong mùa hạn, mặn, bởi ông Khương đã cập nhật nhanh độ mặn đo được thông qua hệ thống mạng cảm biến khi ông mở máy điện thoại thông minh vào xem độ mặn đo được do mạng cảm biến truyền tải số liệu cụ thể. Nhờ vậy, ông nhanh chóng tích trữ được lượng nước ngọt nhiều hơn để tưới cho vườn bưởi trong tình hình khan hiếm nước ngọt.

Được biết, những số liệu dự báo chính xác này được cập nhập từ Trạm Kiểm soát độ mặn đặt tại thị trấn Kế Sách. Đây là 1 trong 2 hệ thống đo đạc độ mặn được Trường Đại học Cần Thơ đầu tư cho huyện vào cuối năm 2019. Thông qua hệ thống mạng cảm biến, diễn biến mặn tại vàm Nhơn Mỹ và thị trấn Kế Sách sẽ hiển thị trên màn hình điện thoại người truy cập. Ứng dụng này giúp nhiều nông dân nắm bắt kịp thời diễn biến mặn tại địa phương thay vì phải trông chờ cán bộ thực hiện đo đạc bằng máy thủ công như trước kia, rồi mới thông tin rộng rãi đến nông dân.

Nếu như các loại cây trồng cần đo độ mặn để lấy trữ nước ngọt thì với nghề nuôi tôm nước lợ, đo độ mặn cũng rất cần thiết, vì độ mặn tăng cao gây nhiều bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm nước lợ. Nhằm phục vụ tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường đến người nuôi, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai lắp đặt 2 phao quan trắc môi trường tự động tại bến phà Tham Đôn (Mỹ Xuyên) và cống Vàm Om (TX. Vĩnh Châu) đo và cập nhật liên tục 24/24h các chỉ số môi trường độ mặn, pH, nhiệt độ, tổng chất rắn… để nắm tình hình diễn biến môi trường thông báo đến người dân liên tục.

TS. Trương Minh Thái - Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Theo tôi, nếu áp dụng tốt các hệ thống quan trắc tự động sẽ tiết kiệm được nhân lực, quan trọng nhất là có thể thu thập số liệu được suốt ngày và liên tục. Điều này giúp nhà khoa học có thể xây dựng chương trình hay các hệ thống mô phỏng để có những cảnh báo chính xác về độ mặn; giúp người nông dân chủ động hơn trong quá trình tưới tiêu cho cây trồng hay khai thông nước khi nuôi trồng thủy sản. Đối với những thiết bị thông thường thì chỉ có thể theo dõi theo thủy triều, còn sử dụng hệ thống mạng cảm biến thì độ mặn được cập nhật liên tục và thông qua điện thoại thông minh xem được mọi lúc, mọi nơi...”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: “So với cách đo thông thường, việc sử dụng mạng cảm biến thông qua các thiết bị kiểm soát độ mặn còn góp phần giảm thiểu áp lực thời gian cho cán bộ làm công tác thủy lợi tại các địa phương vì vẫn có được số liệu chính xác mà không cần phải đến tận nơi. Từ đó, ngành chuyên môn cũng sẽ có cơ sở đưa ra các giải pháp đóng, mở cống phù hợp từng thời điểm để đảm bảo an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hiệu quả thực tế của hệ thống mạng cảm biến (trạm quan trắc môi trường), ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng việc lắp đặt các hệ thông quan trắc tự động tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả công tác kiểm soát độ mặn để có thể kịp thời xây dựng những giải pháp ứng phó phù hợp…”.

Nếu muốn cập nhật điện thoại thông minh vào xem độ mặn tại điểm quan trắc môi trường nước huyện Kế Sách, người dân có thể truy cập địa chỉ: http://quantrac.iotlab.net.vn/quanrac/dangnhap. Tài khoản: quantrac@kesachsoctrang; mật khẩu: quantrac@ksST và chọn mặc định: ST01 - Nmy; ST02 - TTKS. Đồng thời, xem độ mặn thiết bị quan trắc độ mặn tại huyện Long Phú thì tải apps MeKong vào điện thoại sau đó làm theo hướng dẫn. Riêng tại điểm quan trắc môi trường tự động của huyện Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu, người dân vào trang web: hydrovu.com, tên đăng nhập: service@mli.vn; mật khẩu: ccts2020.

Thúy Liễu

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/ung-dung-mang-cam-bien-trong-kiem-soat-do-man-36572.html