Ứng dụng số vào phát triển kinh tế, xã hội - những kết quả nổi bật

Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' đã tạo ra một khung pháp lý cho quá trình chuyển đổi số tại Lâm Đồng nói riêng, Việt Nam nói chung. Đề án này tập trung vào 5 nhóm tiện ích, trong đó có nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Lâm Đồng

Trung tâm Hành chính công tỉnh Lâm Đồng

Nhờ sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tỉnh ta đã ghi dấu những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ số vào đời sống.

Từ những giao dịch nhỏ nhặt như gọi xe, đặt đồ ăn, đến những dịch vụ công quan trọng như thanh toán viện phí, chi trả an sinh xã hội, người dân Lâm Đồng đều có thể dễ dàng thực hiện chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Hệ sinh thái số ngày càng hoàn thiện, kết nối chặt chẽ giữa ngân hàng và các dịch vụ khác, tạo nên một vòng tròn tiện ích phục vụ cuộc sống.

Việc chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Nó đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút đầu tư.

Nhờ việc ứng dụng công nghệ số, lĩnh vực y tế tại Lâm Đồng đã có những bước tiến đáng kể. Gần như 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tích hợp chức năng tra cứu thông tin Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân, giúp người dân tiết kiệm thời gian và thuận tiện hơn trong quá trình khám, chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày, hàng triệu lượt tra cứu được thực hiện thành công.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã triển khai đăng ký lưu trú qua ứng dụng VNeID cho 100% cơ sở lưu trú, cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh. Việc đăng ký lưu trú, liên thông giấy tờ khám, chữa bệnh được số hóa hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và cơ sở y tế. Đặc biệt, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, với hơn 60% tổng số chi phí khám, chữa bệnh được thanh toán qua các hình thức điện tử. Trên địa bàn tỉnh cũng đã duy trì triển khai liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử tại 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đạt 100%.

Trong lĩnh vực giáo dục, việc thanh toán học phí trực tuyến đã trở thành hình thức phổ biến tại hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, phụ huynh tiết kiệm được thời gian và công sức, đồng thời giảm thiểu rủi ro mất mát khi thanh toán bằng tiền mặt.

Việc chi trả các chế độ an sinh xã hội cũng được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn nhờ ứng dụng công nghệ. Hàng chục nghìn người dân đã được hưởng lợi từ hình thức chi trả này, trong đó chi lương hưu, Bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt 68,32%; chi trợ cấp một lần đạt 94,87%; chi trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp đạt 100%.

Ứng dụng công nghệ số tại Lâm Đồng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số thành công, Lâm Đồng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/ung-dung-so-vao-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nhung-ket-qua-noi-bat-dee1876/