Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Ngày 28-4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội thảo trực tuyến Ứng dụng than sinh học (TSH) trong phát triển nông nghiệp bền vững do đồng chí Nguyễn Hà Huế - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) chủ trì. Dự tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng có đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Sở.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ảnh: TL

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Sở NN-PTNT Sóc Trăng. Ảnh: TL

Phân TSH được tạo ra từ các loại phế phẩm trong nông nghiệp bỏ đi và lượng phụ phẩm nông nghiệp rất lớn trong trồng trọt trên 120 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để làm TSH. Theo đó, TSH có đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng; đẩy mạnh quá trình rửa trôi muối, ức chế sự xâm nhập của Na+ cải thiện và phục hồi đất nhiễm mặn, tăng sức chống chịu của cây trồng; tăng giữ nước, giữ dinh dưỡng trong đất. Đồng thời, việc sử dụng TSH trong trồng trọt cho thấy việc bón phân TSH sản xuất từ nguồn phụ phẩm rơm rạ, trấu, lõi bắp, thân, lá, cành các loại cây trồng… có sẵn làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính...

Tại hội thảo, đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về TSH, cụ thể tại Việt Nam; TSH và các mô hình ứng dụng TSH trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn TSH từ vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển TSH tại Việt Nam…

Theo đồng chí Nguyễn Hà Huế, hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020” cùng với đó là nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của TSH trong lĩnh vực nông nghiệp. Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam, trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng sạch và TSH giá trị.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thoi-su/ung-dung-than-sinh-hoc-trong-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-56715.html