Ứng phó hạn kiệt
Tháng 4 được xem là giai đoạn cao điểm mùa khô khi nhiệt độ tăng, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, mực nước dưới kênh, rạch xuống thấp, xâm nhập mặn tăng lên. Đây là thời kỳ cần tập trung ứng phó nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân.
Diễn biến phức tạp
Hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2015-2016 được xem là khốc liệt nhất trong lịch sử ĐBSCL kể từ khi có hệ thống quan trắc ghi nhận số liệu. Tuy nhiên, mùa khô 2019-2020 còn nghiêm trọng hơn khi nước mặn xâm nhập sớm và sâu hơn, khô hạn xuất hiện ngay từ cuối năm 2019.
Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang ít chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, tình hình hạn kiệt không quá nghiêm trọng nhưng cũng tác động đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ông Lương Huy Khanh (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tổng lượng dòng chảy qua Tân Châu và Châu Đốc thấp hơn từ 10-25% so cùng kỳ năm 2016. Mực nước cao nhất tuần qua trên các sông chính hầu hết ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 0,05-0,1m so cùng kỳ 2016; mực nước thấp nhất ở mức xấp xỉ và thấp hơn từ 0,1-0,2m so cùng kỳ 2016.
“Vào thời điểm mực nước xuống thấp sẽ khó khăn cho công tác bơm tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, làm gia tăng chi phí bơm tưới. Đối với nuôi trồng thủy sản, mực nước thấp, lưu tốc dòng chảy nhỏ làm hàm lượng ô-xy trong nước thấp, nhiệt độ tăng gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Thủy sản có thể chết ở những lồng bè nuôi mật độ dày” - ông Khanh đánh giá.
Mực nước ở các kênh xuống thấp
Trừ ngày 17-2 có mưa ở khu vực Long Xuyên, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, cơ bản từ cuối tháng 11-2019 đến nay trên địa bàn tỉnh không có mưa. Trong khi đó, ghi nhận từ giữa tháng 3 đến nay, đã xảy ra những đợt nắng nóng 35-36oC. Ông Khanh dự báo, mực nước thượng nguồn sông Mekong biến đổi chậm trong những ngày tới.
Tổng lượng dòng chảy sông Mekong qua Tân Châu, Châu Đốc có khả năng thiếu hụt từ 5-20% so với cùng kỳ năm 2016. Mực nước tại các sông, kênh trên địa bàn tỉnh có khả năng ở mức thấp hơn từ 0,1-0,2m so với cùng kỳ năm 2016. Thời gian tới, thời tiết trên địa bàn tỉnh phổ biến không mưa, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng.
Ưu tiên nước cho sinh hoạt, sản xuất
Thời gian qua, tỉnh đã chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ để ưu tiên thực hiện các công trình phòng, chống hạn, mặn.
Theo đó, năm 2019 đã chủ động triển khai 138 công trình nạo vét kênh, sửa chữa cống phục vụ nước sản xuất và dân sinh, kinh phí trên 85 tỷ đồng. Năm 2020, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 172 công trình với kinh phí trên 81 tỷ đồng. Từ năm 2017, tỉnh đã chủ động thực hiện chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn ít sử dụng nước. Đến nay, đã thực hiện chuyển đổi được 22.554ha.
Đối với 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi vùng cao, phục vụ diện tích 4.344ha. Đến nay, đã thực hiện đầu tư 8 trạm bơm điện vùng cao (cấp I, cấp II và cấp III), phục vụ diện tích 3.964ha.
Tri Tôn và Tịnh Biên đã được đầu tư 3 hệ thống thủy lợi sau các hồ chứa nước, phục vụ tưới đất vùng cao với diện tích 380ha, giúp nông dân Khmer chuyển từ sản xuất 1 vụ lúa nhờ nước mưa sang chủ động nguồn nước quanh năm, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện đầu tư 2 trạm bơm vùng cao với diện tích phục vụ 590ha và 5 hệ thống thủy lợi sau hồ, phục vụ diện tích 988ha.
Đối với vụ lúa hè thu 2020, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 234.964ha. Nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh và chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn, tỉnh yêu cầu chia làm 3 đợt xuống giống luân phiên.
Trong đó, đợt 1 xuống giống từ ngày 10-3 đến 31-3 với diện tích khoảng 58.000ha, tập trung ở những vùng thu hoạch lúa đông xuân sớm (các tiểu vùng sản xuất 2 vụ). Đợt 2 xuống giống từ ngày 1-4 đến 30-4, xuống giống đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm (diện tích khoảng 150.000ha). Đối với đợt 3, xuống giống từ ngày 1-5 đến 20-5-2020, tập trung tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2020 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2019-2020 muộn, diện tích khoảng 27.000ha.
“Không xuống giống ở những khu vực không chủ động nước tưới, tích trữ nước và sử dụng nước hiệu quả để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất” - ông Khanh lưu ý.
Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy lợi, trạm bơm cấp nước tưới và sinh hoạt tăng cường theo dõi nguồn nước, vận hành công trình đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, hệ thống thủy lợi vùng cao đảm bảo ưu tiên nguồn nước sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn năm 2020.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-pho-han-kiet-a268347.html