Ứng phó hạn, mặn, bảo vệ sản xuất

Dù dự báo tình hình khô hạn và độ mặn cao nhất vẫn ở mức tương đương cùng kỳ 2021, nhưng công tác chủ động ứng phó đang được khẩn trương thực hiện. Mục tiêu chính là đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân 2021-2022 và chuẩn bị tốt vụ hè thu 2022.

Chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất

Chủ động ứng phó

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn An Giang, trong các tháng đầu mùa khô năm 2021-2022, mực nước các trạm dọc sông Mekong tiếp tục xuống dần. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm. Mực nước trên các sông, kênh, rạch chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và xu thế thấp dần. Độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3, 4-2022 và ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Diễn biến xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa tỉnh An Giang và Kiên Giang tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Hậu truyền vào và quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên. Tình hình khô hạn và độ mặn cao nhất có khả năng ở mức tương đương mùa khô năm 2020-2021.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trên cơ sở dự báo khô hạn và xâm nhập mặn, ngành thủy lợi đã chủ động những giải pháp trọng tâm trong năm 2022. Toàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao tính chủ động phòng tránh thiên tai, hạn, mặn trong cộng đồng, tăng khả năng phòng ngừa và ứng phó. Đồng thời, rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống hạn xâm nhập, tình trạng thiếu nước tưới, nước sinh hoạt, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế. Các ngành chuyên môn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, nguồn nước do Đài Khí tượng thủy văn An Giang và các cơ quan chuyên môn cung cấp để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Ngành thủy lợi hiện đang tập trung nguồn lực đầu tư, nạo vét, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, trạm bơm đảm bảo tưới tiêu. Đồng thời, quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi tích trữ nước, nâng cao mực nước để phòng, chống hạn kiệt trong mùa khô, đảm bảo tiêu thoát, chống úng, ngăn lũ trong mùa mưa, phục vụ nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng cao, hồ chứa, trạm bơm tăng cường khả năng tích trữ nước, phục vụ dân sinh và phát triển sản xuất phía hạ lưu.

Huy động các nguồn lực

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm, để ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn, mặn, An Giang tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn Trung ương, vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, tập trung đầu tư từng vùng sản xuất gắn với các mô hình sinh kế nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và tăng thu nhập của người dân trong vùng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Phối hợp với các tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên trong công tác quản lý hệ thống công trình thủy lợi trong vùng để ứng phó hạn kiệt, xâm nhập mặn và ngăn lũ, tiêu thoát lũ, bảo vệ sản xuất.

UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố cùng với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2022. Trong đó, lập kế hoạch nạo vét kênh mương cạn kiệt, cửa vào các cống lấy nước, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Các ngành, địa phương có kế hoạch dự phòng xây dựng các đập tạm khoanh vùng để trữ nước ngọt phòng, chống xâm nhập mặn vào sâu kênh, rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang (huyện Thoại Sơn, Tri Tôn); xác định rõ tên, địa điểm, quy mô dự kiến xây dựng đập (nếu có). Đồng thời, xác định từng vùng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh; thực hiện vận hành hợp lý các công trình cống, bọng để điều tiết, trữ nước vào kênh, rạch, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu chủ động rà soát, thống kê hiện trạng nguồn nước sinh hoạt cho từng hộ dân ở từng khu vực chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung, phối hợp với Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có giải pháp, phương án cấp nước cho phù hợp trong thời gian tới. Đối với trạm bơm tưới vùng cao Tri Tôn, Tịnh Biên bị thiếu nước, cần tổ chức bơm chuyền cấp 2 nhằm đảm bảo đủ nguồn nước tưới. Các địa phương cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; nguồn kinh phí Nghị định 35/2015/NĐ-CP (hiện nay sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP) đã giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 cho địa phương, các nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp nhằm phòng ngừa, ứng phó hạn kiệt hiệu quả.

Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, các tiểu vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng thiếu nước tưới tăng cường xây dựng các ao trữ nước nhằm bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu tối thiểu. Đối với các vùng thường xuyên thiếu nước tưới, xem xét chuyển đổi sang cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới hơn hoặc không canh tác để tránh thiệt hại hạn hán, thiếu nước gây ra.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ung-pho-han-man-bao-ve-san-xuat-a325584.html