Ứng phó hạn, mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa của mùa mưa năm 2019 tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 200 đến 400 mm và khả năng dòng chảy vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Chính vì vậy, xâm nhập mặn, hạn hán trong mùa khô năm 2019-2020 sẽ ở mức độ cao hơn, gay gắt hơn nhiều. Ðiều này đòi hỏi cần những giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tác động của hiện tượng En Ni-nô từ cuối năm 2018 và kéo dài đến nay đã dẫn đến tình trạng ít mưa hơn trung bình nhiều năm trên cả lưu vực sông Mê Công cũng như ở khu vực Nam Bộ. Dự báo, từ tháng 12-2019, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển 30 đến 35 km; từ tháng 1 đến tháng 2-2020, ranh mặn 4g/l vào sâu nội địa vùng các cửa sông Cửu Long 45 đến 55 km. Ðể chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, hạn hán, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp. Các tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; trong đó, xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.

GS, TS Trần Thục (Hội Khí tượng - Thủy văn Việt Nam) đánh giá, rủi ro hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long là rất cao và có nguy cơ gay gắt, thậm chí ở mức khốc liệt. Chính vì vậy, các địa phương cần bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Giải pháp trước mắt nhằm đối phó tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long là cần đẩy mạnh thay đổi cơ cấu sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Trong cơ cấu nông nghiệp trước đây là lúa - thủy sản - cây ăn quả, thì theo định hướng hiện nay là thủy sản - cây ăn quả - lúa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sự dao động của nước mặn, nước lợ khó quản lý. Có những năm, mặn chỉ xâm nhập 10 km, nhưng năm hạn hán như dự báo của năm nay có khả năng lên đến 40km. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần có cảnh báo sớm để địa phương sắp xếp sản xuất, giảm thiệt hại. Ngoài ra, cần đầu tư để có những công trình bảo đảm cung cấp đủ "nước ngọt sạch" và "nước mặn sạch" cho nuôi trồng thủy sản và khống chế mặn không xâm nhập quá sâu vào nội đồng.

Về lâu dài, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cần bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ; tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện nội dung xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cần nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam.

Một giải pháp trong những năm hạn nặng cũng cần được nhân rộng, đó là trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng trong mùa cạn. Có thể trữ nước ở quy mô lớn để dùng cho sản xuất toàn đồng bằng; quy mô trung bình như ở các kênh rạch và các khu vực trũng tự nhiên để dùng cho mục đích địa phương và quy mô hộ gia đình cho mục đích cá nhân và nước sinh hoạt. Cụ thể, thời gian qua, các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi chứa nước ngọt, nhất là các địa phương nằm trong vùng nhiễm mặn cao như Bến Tre, Tiền Giang, Long An…

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó đã xác định các giải pháp phát triển gồm: Rà soát, hoàn thiện và bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách; cập nhật, hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản; xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu... Riêng có nội dung "Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm thủy sản - cây ăn quả - lúa, gắn với các tiểu vùng sinh thái" được xem là quan điểm quan trọng về cơ cấu sản xuất mới trong điều kiện biến đổi khí hậu, khan hiếm nước trong hiện tại và tương lai.

TIẾN ÐẠT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42110702-ung-pho-han-man-tai-dong-bang-song-cuu-long.html