Ứng phó hiệu quả với phòng vệ thương mại: Góp phần giúp doanh nghiệp trưởng thành

Theo Bộ Công Thương, một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao trở thành đối tượng bị một số quốc gia tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như kim loại và các sản phẩm kim loại (sản phẩm thép, sản phẩm nhôm, sản phẩm đồng…), sản phẩm cao su và chất dẻo, hóa chất, vật liệu xây dựng, thủy sản…

Bảo vệ ngành sản xuất trong nước

Tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã đối mặt với 263 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi xướng. Mặc dù số lượng có xu hướng tăng, nhưng nhờ sự chủ động của doanh nghiệp và hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương, nhiều vụ việc đã đạt kết quả tích cực. Hiện nay, sản phẩm thép Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, trong hơn một thập kỷ qua, ngành thép cũng phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ từ các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu. Ông Thái thông tin rằng, kể từ vụ việc đầu tiên năm 2004 đến tháng 8/2024, đã có 78 vụ điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến ngành thép, chiếm hơn 30% số lượng các vụ phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có 45 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp, 7 vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp; 13 vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ; 9 vụ kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã giúp ngành thép lấy lại vị thế và ngày càng tăng trưởng

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã giúp ngành thép lấy lại vị thế và ngày càng tăng trưởng

Sau khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá, duy trì được thị phần, doanh thu và lợi nhuận cải thiện đáng kể, đảm bảo việc làm cho người lao động cũng như thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Hiện nay, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và môi trường để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đối với ngành thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủy sản Việt Nam xuất khẩu tới 170 quốc gia trên thế giới, nhưng chủ yếu bị điều tra chống bán phá giá và trợ cấp từ Hoa Kỳ, đặc biệt là các sản phẩm tôm. Bà Lan cho rằng, mặt tích cực của các vụ kiện chính là sự trưởng thành của các doanh nghiệp thủy sản trong hơn 20 năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ vẫn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ câu chuyện của ngành mình, ông Trần Vĩnh Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vào năm 2020, ngành đường Việt Nam đã rơi vào tình trạng khủng hoảng khi đường giá rẻ từ Thái Lan tràn vào thị trường. Ngành mía đường đã đề nghị Bộ Công Thương tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường xuất xứ từ Thái Lan; tiếp theo là áp dụng biện pháp chống lẩn tránh đối với sản phẩm đường từ 5 nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành đường Việt Nam đã phục hồi, sản lượng đường sản xuất trong nước liên tục tăng, năng suất mía được cải thiện, và giá mía niên vụ 2023-2024 đã tăng 152% so với niên vụ 2020-2021, mang lại lợi ích cho người nông dân.

Chủ động ứng phó hiệu quả

Theo các chuyên gia, tuy năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện, việc gia tăng các vụ điều tra khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế cao, làm giảm sức cạnh tranh và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Vì vậy, công tác phòng vệ thương mại cần tiếp tục được đặt ra như một "lá chắn" cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Từ kinh nghiệm nhiều năm, bà Tô Thị Tường Lan chia sẻ rằng, để ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chuẩn bị dữ liệu đầy đủ, hồ sơ rõ ràng và lưu trữ qua nhiều năm, đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chức năng. Bà Lan khuyến nghị rằng, các doanh nghiệp nên sử dụng chung một đơn vị tư vấn pháp lý nhằm tạo sự thống nhất. Khi ngày càng nhiều nguyên đơn tham gia vào các vụ kiện, sự phức tạp gia tăng, nên các doanh nghiệp cần đoàn kết để vượt qua thách thức và phát triển bền vững. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải có chiến lược khi theo đuổi các vụ kiện của nước ngoài, đặc biệt trong các kỳ xem xét hành chính.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần theo dõi và nắm bắt các cảnh báo sớm về các mặt hàng có thể bị điều tra, đồng thời chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cảnh báo "từ xa, từ sớm" về các vụ phòng vệ thương mại từ nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời tăng cường thông tin và phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thái Thu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ung-pho-hieu-qua-voi-phong-ve-thuong-mai-gop-phan-giup-doanh-nghiep-truong-thanh-157029.html