Ứng phó, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) trong tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan như: vệ sinh phòng ở, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ... cho các đối tượng.

Nhân viên y tế Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đo thân nhiệt cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây. Ảnh: KIM CHI

Nhân viên y tế Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh đo thân nhiệt cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây. Ảnh: KIM CHI

Tăng cường chăm sóc sức khỏe

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và BTXH tỉnh, cho biết: Trung tâm đang nuôi dưỡng 71 người, gồm 8 người có công, 12 trẻ em mồ côi, 36 đối tượng tâm thần, còn lại là các đối tượng khác. Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, trung tâm đã thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên và đối tượng đang được nuôi dưỡng tại đây, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, hoạt động sinh hoạt, sức khỏe, 3 tháng qua, từ nhân viên đến lãnh đạo trung tâm còn phải tăng cường, chú ý hơn đến việc vệ sinh phòng ở, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng, thể dục thể thao, giúp các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại trung tâm đảm bảo sức khỏe phòng dịch COVID-19.

“Chúng tôi đã liên hệ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chăm sóc y tế, tiến hành khử trùng tại đơn vị và thực hiện đúng, đầy đủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Thời gian này, đơn vị cho tạm dừng tổ chức các đoàn đi tham quan, điều dưỡng phục hồi sức khỏe luân phiên theo quy định nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người có công”, bà Nga cho biết thêm.

Cụ Trần Thị Mai, vợ liệt sĩ, người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại trung tâm này, chia sẻ: “Các cô chú ở trung tâm rất chu đáo, chất lượng các bữa ăn luôn đảm bảo. Cán bộ y tế thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo thân nhiệt, hướng dẫn mọi người ở tại phòng, cách ly tạm thời, không tập trung đông người như trước”.

Còn tại Cơ sở cai nghiện ma túy và trợ giúp xã hội tỉnh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm. Ông Cao Tấn Trường, Phó Giám đốc phụ trách cơ sở này, cho biết: Ngay thời gian đầu dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng dịch, chủ động triển khai các biện pháp, phương án để ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, học viên cũng như các đối tượng đang được quản lý, nuôi dưỡng tại cơ sở.

Đơn vị đã chủ động phun hóa chất khử trùng, vệ sinh khuôn viên, khơi thông cống rãnh, trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn; hàng ngày theo dõi tình trạng sức khỏe các học viên và đối tượng nuôi dưỡng, kết hợp với chăm sóc, điều trị các bệnh thông thường, cấp bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng, phòng chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng. “Chúng tôi tạm thời không tiếp nhận học viên cai nghiện tự nguyện mới; tạm ngừng hoạt động thăm gặp gia đình, người thân đối với các học viên cai nghiện tại cơ sở. Đối với những trường hợp cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, trước khi tiếp nhận phải kiểm tra y tế và bố trí phòng riêng tối thiểu 14 ngày”, ông Trường cho hay.

Đảm bảo an toàn cho các đối tượng

Theo ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng BTXH (Sở LĐ-TB-XH), toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở trợ giúp xã hội (công lập và ngoài công lập) chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, các cơ sở đã chú trọng hơn trong khâu sinh hoạt, ăn uống để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Mỗi cơ sở đều chủ động liên hệ với cơ sở y tế trên địa bàn để tiến hành phun thuốc khử trùng, hướng dẫn nhận biết các triệu chứng cũng như các giải pháp phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời các cơ sở cũng thường xuyên lau chùi phòng ăn, phòng ở, nhà vệ sinh và sàn nhà sạch sẽ, trang bị xà phòng, nước rửa tay cho đối tượng; đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng cường sức khỏe cho đối tượng.

Theo đề nghị của Cục BTXH (Bộ LĐ-TB-XH), các cơ sở trợ giúp xã hội cũng đã thống kê, nắm chắc tình hình sức khỏe, có giải pháp bảo đảm an toàn cho các đối tượng đang chăm sóc, nuôi dưỡng; tạm ngừng tiếp đón các đoàn đến thăm, tặng quà cho đối tượng… “Đối với những trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp như trẻ em mồ côi không còn người chăm sóc, trẻ em bị bỏ rơi và trường hợp đặc biệt khác (nếu có), việc tiếp nhận được thực hiện qua khu cách ly phòng dịch, sau đó phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn kiểm tra, làm rõ tình hình sức khỏe của đối tượng, bảo đảm chắc chắn không nhiễm COVID-19 mới chuyển về các khoa, phòng tại cơ sở. Trường hợp đối tượng tại cơ sở nhiễm COVID-19 thì phối hợp ngay với cơ sở y tế tại địa bàn để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định chống dịch của ngành Y tế…”, ông Đinh Viết Hậu cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, các cơ sở trợ giúp xã hội đã chú trọng hơn trong khâu sinh hoạt, ăn uống để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Mỗi cơ sở đều chủ động liên hệ với cơ sở y tế trên địa bàn để tiến hành phun thuốc khử trùng, hướng dẫn nhận biết các triệu chứng cũng như các giải pháp phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời các cơ sở cũng thường xuyên lau chùi phòng ăn, phòng ở, nhà vệ sinh và sàn nhà sạch sẽ, trang bị xà phòng, nước rửa tay cho các đối tượng…

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/417/237114/ung-pho-phong-chong-hieu-qua-dich-covid-19.html